Vận động bầu cử trực tuyến

Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đang đến rất gần. Trên cả nước, các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND đang tích cực vận động bầu cử. Đây là hoạt động vừa có ý nghĩa dân chủ, vừa rất quan trọng để cử tri có được đầy đủ thông tin hơn cho lựa chọn của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại như hiện nay quả thật vừa không an toàn, vừa có thể làm cho dịch bệnh lây lan nhiều hơn trong cộng đồng.

Cử tri phát biểu ý kiến trong Hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử đại biểu HĐND thành phố với cử tri tại điểm cầu trụ sở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Cử tri phát biểu ý kiến trong Hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử đại biểu HĐND thành phố với cử tri tại điểm cầu trụ sở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Nhiệm vụ kép đặt ra là phải làm sao để vừa vận động bầu cử tốt, nhưng vừa chống dịch đạt hiệu quả. Có hai giải pháp: giảm bớt quy mô và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri hoặc tiếp xúc cử tri trực tuyến. Giải pháp thứ nhất bảo đảm được tính truyền thống. Tuy nhiên, số lượng cử tri được tiếp xúc ít hơn và khả năng để lây lan dịch bệnh khó có thể được loại trừ hoàn toàn. Giải pháp thứ hai mới lạ hơn, nhưng chắc chắn số lượng cử tri được tiếp xúc sẽ nhiều hơn và khả năng phòng, chống dịch sẽ cao hơn. Mới đây, trong đợt đi kiểm tra về công tác tổ chức bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến khả năng vận động bầu cử trực tuyến.
 
 Nếu để phòng, chống dịch bệnh, các em học sinh phổ thông có thể học tập trực tuyến thì tại sao các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lại không thể vận động bầu cử trực tuyến? Ưu thế của vận động bầu cử trực tuyến là rất rõ.
 
 Trước hết, vận động bầu cử trực tuyến thì tuyệt đối an toàn với dịch Covid-19. Điều này quá rõ, không cần phải nói thêm.
 
 Thứ hai, nếu biết cách, vận động bầu cử trực tuyến tiếp xúc được với nhiều cử tri hơn. Tùy vào từng đơn vị bầu cử cụ thể, nhưng thông thường số lượng cử tri của một ứng cử viên ĐBQH khoảng từ 400-450 nghìn. Nếu mỗi đợt tiếp xúc cử tri theo cách truyền thống gồm 10 cuộc, và mỗi cuộc tiếp xúc được với 400-450 cử tri, thì tổng số cử tri ứng cử viên ĐBQH tiếp xúc được khoảng 4.000-4.500, nghĩa là tiếp xúc được chỉ với khoảng 1% tổng số cử tri. Nếu biết cách tạo ra hiệu ứng truyền thông phù hợp, tiếp xúc cử tri trực tuyến chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Số lượng cử tri được tiếp xúc chắc chắn nhiều hơn.
 
 Thứ ba, tiếp xúc cử tri trực tuyến là tiếp xúc liên tục chứ không chỉ trong 10 cuộc cho cả đợt vận động bầu cử. Nếu mở một Fanpage trên Facebook, đưa video clip về việc ứng cử viên trình bày chương trình hành động lên đó và để mở chức năng tương tác cùng chức năng chia sẻ thì sự có mặt của ứng cử viên là liên tục, khả năng mở rộng giao tiếp với cử tri là vô tận.
 
 Thứ tư, nếu trúng cử thì nền tảng trực tuyến là tài sản quan trọng để ứng cử viên (đã trở thành đại biểu) giữ mối quan hệ gắn bó và hiệu quả với cử tri của mình. Với địa chỉ Fanpage không thay đổi, bất kỳ cử tri nào, trong bất kỳ thời điểm nào đều có thể giao tiếp với đại biểu để kiến nghị hoặc chia sẻ quan điểm của mình.
 
 Ưu thế của vận động bầu cử trực tuyến quả thực là rất lớn. Và một số ứng cử viên đã sử dụng mạng xã hội để vận động bầu cử cho mình. Tuy nhiên, những ứng cử viên như vậy là không nhiều. Vấn đề đặt ra là không phải ứng cử viên nào cũng thấy được ưu thế và có được kỹ năng vận động bầu cử trực tuyến.
 
 Cuối cùng, mặc dù từ nay đến ngày bầu cử 23-5, thời gian không còn nhiều thì việc thí điểm vận động bầu cử trực tuyến vẫn rất cần thiết trong điều kiện dịch bệnh bùng phát hiện nay và rất có ý nghĩa cho việc mở rộng dân chủ và xây dựng xã hội số.