Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Nhìn thẳng bất cập, hiến kế phục hồi kinh tế

Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV là phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Nhiều vấn đề nóng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phân tích, gợi mở, đề xuất giải pháp hữu ích.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Cần "vắc-xin" chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm

Đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, linh hoạt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng của toàn dân vượt khó, từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19 và các giải pháp tích cực phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của nhiều ĐBQH cho thấy còn không ít băn khoăn về những hạn chế, bất cập bộc lộ thời gian qua. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những hạn chế, tồn tại như có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phòng, chống dịch; thiếu nhất quán triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở, các quy định đi lại của người dân lưu thông hàng hóa còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân và doanh nghiệp...

Đề cập thực tế đáng lo ngại "một dịch bệnh đã xuất hiện từ lâu, âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ", ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: "Vì nguyên nhân gì mà nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để bảo đảm an toàn cho bản thân?". Theo đại biểu, trong đợt phòng, chống dịch vừa qua, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính và áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ, hạn chế giao thương, giao lưu hàng hóa nhằm tránh phát sinh F0 mặc dù Chính phủ đã ban hành quy định về thích ứng an toàn, bởi sợ nếu để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật. Qua đại dịch cũng bộc lộ chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử không đúng cả về pháp luật và đạo lý như phân tích của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) hay còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đùn đẩy, sợ trách nhiệm nên chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời mà ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề cập. Dẫn chứng lô hàng cứu trợ trẻ em khó khăn trong đại dịch gần một tháng chưa lấy ra được, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đề xuất cần sớm có giải pháp thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, chứ không phải "khó thì về địa phương, dễ đúng quy định thì trung ương làm".

"Căn bệnh" sợ trách nhiệm cũng ảnh hưởng tới đầu tư công, đa số công trình trọng điểm đều chậm tiến độ, đội vốn và căn nguyên được đại biểu Hoàng Anh Công chỉ rõ, đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật và "có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân". Do đó khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo; thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu rõ lỗ hổng trong điều hành quản lý phòng, chống dịch bệnh bằng minh chứng lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam dùng phương tiện cá nhân, đi bộ về quê, trong khi hệ thống giao thông công cộng "đắp chiếu". Nếu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân sớm hơn; chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các địa phương chặt chẽ hơn thì tổ chức đưa đón sẽ an toàn, chủ động và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Nhận định căn nguyên chậm trễ có thể do khâu dự báo thiếu chính xác về thông tin, dữ liệu hoặc chủ quan trong đánh giá tình hình; thái độ làm việc chưa công tâm, mượn quy trình để né tránh trách nhiệm. Thế nên, cùng với vắc-xin phòng Covid-19, cần có thêm một loại vắc-xin khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm cục bộ để thiết thực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động.

Nhìn thẳng bất cập, hiến kế phục hồi kinh tế -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh | LINH NGUYÊN

Khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

Làm thế nào để phục hồi thị trường lao động, kết nối các chuỗi cung ứng bị đứt gãy để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch là trăn trở của không ít đại biểu. Muốn vậy, phải tăng cường đầu tư để phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề do chuyển đổi công việc, thông qua Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 bởi kỹ năng chính là công cụ tốt nhất để bảo vệ người lao động khỏi cạnh tranh từ máy móc, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu; nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng; tạo cơ hội để người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ; có chính sách khuyến khích giữ chân lao động chất lượng cao, hạn chế "chảy máu chất xám". Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng cần triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tránh tràn lan, tốn kém.

Đại dịch bùng phát tạo ra sự chuyển dịch lao động lớn, làm thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, đặt ra yêu cầu cấp thiết là khảo sát, nắm bắt đúng nguyện vọng, nhu cầu của người lao động và sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, kích thích người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Song hành là các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm để người lao động sinh sống ổn định ngay trên quê hương mình. ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) gợi mở việc xây dựng thêm đô thị trung tâm và chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm cực tăng trưởng mới để "chia lửa" cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; không gian kinh tế và thị trường lao động được phân bố theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn "để con cháu chúng ta có thể ly nông, bất ly hương, có việc làm và làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà không phải cuốn về các nơi đô thành chật chội".

Nếu các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như miễn giảm các loại thuế, phí, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… được triển khai hữu hiệu sẽ không chỉ giúp vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, dần phục hồi kinh tế. ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất, cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ đồng tình "tại thời điểm hiện nay, nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu".

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng kiến nghị cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển, cơ cấu lại đầu tư công, đẩy mạnh chuyển đổi số; rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên toàn quốc…

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu, đặc biệt là những điểm khiếm khuyết cần phải điều chỉnh kịp thời để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn.