Ðổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

Năng động, dám nghĩ dám làm tạo bứt phá

Năm 2016, cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với gần 2,5 triệu nhân sự, đáng chú ý, chỉ có 0,21% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, một con số vô cùng ít ỏi. Tính đến năm 2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh giảm 4.963 đơn vị, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị này cũng giảm 7.386 người.

Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ảnh | ANH ĐỨC
Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ảnh | ANH ĐỨC

Kết quả khả quan bước đầu này nhờ vào sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là "Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", phấu đấu tới năm 2021 giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế so với năm 2015, 10% đơn vị tự chủ tài chính. Trên tinh thần đó, từ năm 2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tinh gọn bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập, điển hình trong lĩnh vực y tế đã thành lập Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trung tâm về Y tế dự phòng, Phòng, chống HIV/AIDS, Phòng, chống Sốt rét, Chăm sóc sức khỏe...; tổ chức lại Trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các trung tâm khác nhau. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm ở nhiều địa phương thời gian qua: Hà Nội 231, Thái Bình 261, Thanh Hóa 236, Cao Bằng 158... cũng cho thấy bước triển khai tích cực. Cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu thay đổi theo hướng Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, nguồn Ngân sách nhà nước cấp giảm dần, một số đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ. Đơn cử như Nghệ An có hai đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ hoàn toàn chi đầu tư, chi thường xuyên, 43 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ chi thường xuyên; Quảng Ninh đã giao tự chủ tài chính cho 84 đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí Ngân sách nhà nước cấp năm 2018 giảm 120 tỷ đồng. Trong các năm 2017 - 2018, chỉ tính riêng ở Trung ương, các lĩnh vực y tế, giáo dục đã giảm chi Ngân sách nhà nước trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị cố kéo dài thời gian kiện toàn bộ máy hoặc chỉ sắp xếp mang tính hình thức, đối phó, không gắn quá trình sắp xếp tổ chức với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công để tạo nguồn thu, tiến tới tự chủ tài chính. Nhiều đơn vị mong muốn đổi mới nhưng người đứng đầu thiếu tầm nhìn và năng lực nên còn lúng túng trong việc xây dựng các phương án và thực hiện. Trong cùng một bộ, ngành, trên cùng địa bàn, có những nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chồng chéo gây lãng phí trong sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực và kinh phí, nguồn thu ít và tăng trưởng chậm, ngân sách vẫn chủ yếu cấp theo yếu tố đầu vào và biên chế, chưa gắn với đầu ra về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa xây dựng được tiêu chuẩn dịch vụ và các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ để kiểm định chất lượng. Công tác quản trị nội bộ còn yếu kém, hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập chưa thành lập hội đồng quản lý để thực hiện vai trò quản trị.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ, sự rụt rè, lo lắng là trở ngại rất lớn khi đổi mới tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Phụ thuộc toàn bộ vào "bầu sữa" ngân sách cho chúng ta cảm giác an toàn, nhàn hạ nhưng lại bó hẹp hoạt động, không thể thực hiện các hợp đồng ký kết với bên ngoài để đem lại nguồn thu, tạo ra sức ỳ rất lớn. Viện đã sớm chuyển đổi mô hình sang tự chủ một phần để tạo ra cơ chế mở cho phép Viện ký kết và thực hiện các hợp đồng với bên ngoài, qua đó nâng cao thu nhập cho người lao động. Ban đầu, việc "làm thêm" này khó có thể áp dụng đồng loạt mà chỉ được tiến hành trong một nhóm cán bộ, khi thấy đem lại hiệu quả trên thực tế, cán bộ của toàn viện đã thay đổi rất lớn về nhận thức và sẵn sàng với quá trình chuyển đổi, sắp xếp. Viện cũng thành lập hàng loạt trung tâm trực thuộc để đẩy mạnh các hoạt động sự nghiệp có thu của đơn vị như Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn... Điều này tạo ra sự năng động rất lớn trong hoạt động của đơn vị, tuy nhiên vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, họ phải biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm.

Khảo sát thực tế cũng cho thấy, việc đổi mới còn phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và sự cạnh tranh là khá lớn. Cùng một Viện Nghiên cứu có thể có nhiều trung tâm cung ứng các dịch vụ khác nhau nhưng không phải trung tâm nào cũng có thể có nguồn thu tốt. Đơn cử như Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương có ba trung tâm nhưng vẫn có trung tâm nguồn thu khá ít, phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Theo lãnh đạo Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường, các hợp đồng ký kết để tạo nguồn thu cho đơn vị không ổn định, có thời điểm ít, có lúc nhiều, sự cạnh tranh trong lĩnh vực là khá cao, đôi khi là cạnh tranh với chính các đơn vị khác trong cùng một bộ nên hoạt động theo chế độ tự chủ tài chính sẽ là thách thức không nhỏ.

Để đẩy nhanh tiến trình này, hàng loạt quy định mới vừa được ban hành như Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 111/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập phải tổ chức lại, giảm số lượng cấp phó của người đứng đầu, lãnh đạo các phòng, ban, tự chủ một phần/toàn bộ về tài chính, chỉ có một bộ phận các đơn vị sự nghiệp công lập trong danh mục cho phép được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách. Có thể nói đây là một bước tiến lớn, thúc ép các đơn vị sự nghiệp công lập phải nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức và hoạt động thời gian tới.

Bối cảnh hiện nay cũng khiến các đơn vị sự nghiệp công lập đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ với các khu vực tư. Việc giữ chân một bộ phận viên chức giỏi không hề dễ dàng khi sắp xếp lại, nếu họ bị ảnh hưởng về quyền lợi sẽ sẵn sàng "đầu quân" cho khu vực tư. Một số bệnh viện có nhiều nhân sự nghỉ việc trong quá trình sắp xếp lại cũng phản ánh rõ về điều này. Ngoài ra, nhu cầu, đòi hỏi của người dân với chất lượng của các sản phẩm dịch vụ như khám, chữa bệnh, giáo dục... của đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng cao do họ có trải nghiệm phong phú hơn đối với các dịch vụ do khu vực tư cung cấp, nên đánh giá khắt khe hơn. Thực tế, họ không chỉ đơn thuần là người thụ hưởng thụ động như trước đây mà còn cần được nhìn nhận như là "khách hàng", có quyền được cung cấp ý kiến đóng góp, thậm chí có quyền "tham gia" vào quá trình nâng cao chất lượng phục vụ của đơn vị.

Vì vậy, thời gian tới, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập cần quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Người đứng đầu phải ý thức rõ về sự tất yếu của quá trình đổi mới. Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách, quy định về vị trí việc làm, chính sách khuyến khích cho các đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa, quy định về đánh giá, đo lường chất lượng thực thi công việc của viên chức thông qua chất lượng dịch vụ, lấy sự hài lòng của khách hàng làm căn cứ đãi ngộ viên chức. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong cung cấp dịch vụ giữa Nhà nước và tư nhân. Các cơ quan chủ quản cần tạo cơ chế mở trong tuyển dụng, bổ nhiệm từ khu vực tư để có được người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thực sự có năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Người đứng đầu phải đổi mới phương thức quản trị điều hành đơn vị, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và hoàn thiện quy chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.