Góc ngẫm luẫn

Khi thần quyền trở lại

Tết qua đi là bắt đầu mùa lễ hội. Lễ hội ở nước ta rải rác quanh năm nhưng rộ nhất vào mùa xuân, được tổ chức ở những di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước để người dân tham quan, vãng cảnh, hành lễ thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Tuy có gián đoạn một thời gian vì những lý do lịch sử, các lễ hội ngày càng phát triển mạnh với những quy mô lớn hơn. Như mọi sự phát triển quy luật, lễ hội kéo theo những biến thể mặt trái. Niềm tin thái quá vào thánh thần, phong trào hay phú quý sinh lễ nghĩa hoặc là một sự bấu víu... là những phản cảm, thậm chí gây nhức nhối xã hội. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê phán về tục chém lợn, treo cổ trâu và bức xúc về sự tranh cướp lộc và h

Hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) thu hút đông đảo người dân tham dự.   Ảnh: THANH GIANG
Hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) thu hút đông đảo người dân tham dự.   Ảnh: THANH GIANG

Từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, hội Gióng tổ chức ở đền Sóc (Hà Nội) - nơi thờ vị anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc ngoại xâm đã bay về trời có tục cướp hoa tre và trầu cau đã xảy ra không ít lần ẩu đả giữa những người cướp lộc. Tục cướp lộc cũng là một nét đẹp, biểu thị tinh thần thượng võ nếu nó được tổ chức chặt chẽ và hạn chế được hành vi bạo lực. Lỗi này dứt khoát thuộc về những người tổ chức lễ hội. Khi video cướp hoa tre và trầu cau ở hội Gióng lan truyền trên mạng đã tạo ra một làn sóng dư luận phê phán. Sự việc càng được đẩy lên cao trào khi một cán bộ của Hà Nội biện hộ việc cướp đó là cướp có văn hóa. Văn hóa gì mà những nhóm trai tráng lăn xả vào nhau và dùng cả gậy gộc choảng như đánh cướp thật. Ý nghĩa của lễ hội về Thánh Gióng rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi tục cướp lộc này.

Truyền thông nhiều năm nay liên tiếp đưa lên những hình ảnh vô cùng man rợ khi thực hành tục hiến sinh ở không ít địa phương. Tục chém lợn ở lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) khiến không ít người dân chứng kiến hình ảnh con vật thân thiết của người nông dân bị chặt chém đến đứt rời cơ thể phải bàng hoàng, ghê rợn. Lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái) có tục hành hình trâu bằng cách treo cổ đến chết. Con trâu chẳng những là đầu cơ nghiệp mà còn là một con vật được người nông dân quý trọng, thậm chí biết ơn. Viết đến đây tôi lại nhớ đến những lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên. Mỗi một tục lệ đều có những nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Thoạt kỳ thủy là những ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng. Hiến tế những con vật nuôi thân cận cho thần linh để được thần linh hộ trì cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành, tật bệnh và mọi thứ rủi ro không đến. Không thể nói tục hiến sinh là không tốt với niềm tin tâm linh của con người nhưng cuộc sống đi lên, những tập tục cũ liệu có còn phù hợp với đời sống hiện đại hôm nay. Đành rằng tư duy về tâm linh ăn sâu trong người dân nhưng khi nó trở nên lạc thời bởi tính man rợ và không có được sự kiểm soát hiệu quả của chính quyền thì niềm tin tâm linh ấy đã trở thành một thứ thần quyền. Quyền lực của thần linh ngự trị ở những lễ hội kia là cả một sự nguy hiểm kéo theo không chỉ là man rợ, là phản cảm mà còn là sự mông muội, thậm chí là cuồng tín kéo lùi sự văn minh xã hội. Không thực hiện treo trâu lên cây như mọi năm; việc mổ trâu và chém lợn được diễn ra trong khu vực quây kín bạt, du khách và người dân không được chứng kiến ở lễ hội làng Ném Thượng và lễ hội đền Đông Cuông là những chuyển biến bước đầu trong gạt bỏ cổ tục, những nghi lễ mang tính sát sinh, bạo lực trong thời đại văn minh.

Khi thần quyền trở lại ảnh 1

Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội).

Những ngày này, dư luận xã hội vẫn còn râm ran nhiều chiều về lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) mới diễn ra đêm 14, sáng 15 tháng Giêng. Trước đây lễ khai ấn chỉ nằm trong phạm vi hẹp trong không gian làng Tức Mặc do dòng họ Trần hành lễ. Chiếc ấn dùng để đóng ấn trong lễ hội có lịch sử hàng trăm năm được sử dụng trong đền đã khiến nhiều người dân tin rằng nếu có được vuông lụa hoặc giấy mầu đóng ấn trong lễ khai ấn thì đường quan lộ sẽ hanh thông, may mắn nhiều bề. Cũng bởi lễ khai ấn là lễ chính thức, mỗi năm thường xuyên có những lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương dự lễ nên đây là một lễ hội được rất nhiều người quan tâm. Từ tối hôm trước, biển người và xe cộ đã tập trung tại đền khiến ban tổ chức rất vất vả trong việc duy trì trật tự. Lực lượng bảo vệ phải huy động hàng nghìn người. Không ít năm vào giờ khai ấn đã xảy ra sự hỗn loạn mất kiểm soát. Sức hút của ấn đền Trần lan tỏa trong nhiều giới, nhiều ngành. Đã có năm tôi tham dự lễ khai ấn để phải chịu đựng một ngày đêm khổ sở từ tắc đường đến chầu chực và chen lấn, cuối cùng mang về được hai vuông lụa đóng ấn đặt trên ban thờ. Thật lòng tôi đi vì lạ và thỏa mãn sự tò mò chứ biết thừa nếu chỉ có cái ấn ấy mà thăng quan, tiến chức thì đã không đến lượt mình. Tôi tin lễ khai ấn là một nét đẹp văn hóa và thiêng liêng về ý nghĩa từ lịch sử đến nhân văn với niềm tự hào về một triều đại lừng lẫy của Đại Việt. Nhưng sự mê muội tin vào linh thiêng đường hoạn lộ là một sự trục lợi tín ngưỡng rất đáng xấu hổ và vô lý. Hơn thế từ sự mông muội này để xảy ra những gì đáng tiếc ở một lễ hội lớn của đất nước cần phải được phê phán và thay đổi.

Còn có bao nhiêu lễ hội trên khắp đất nước với rất nhiều vấn đề về cả tâm linh lẫn đời sống. Lễ hội chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Dài nhất cũng chỉ cố định thời gian trong một vài tháng như lễ hội Chùa Hương. Vậy khi không có lễ hội thì những nơi đó sẽ như thế nào? Quê tôi làng Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín (Hà Nội) có đền Dầm thờ Thủy Cung Thánh Mẫu. Đây là một ngôi đền nằm trong điểm du lịch thủy sông Hồng của Hà Nội. Lễ hội đền Dầm bắt đầu từ mồng 1 tháng 2 âm kéo dài 10 ngày. Ngoài những ngày đó đền là nơi tổ chức hầu đồng quanh năm. Các vấn hầu diễn ra liên tục với một lượng người không nhỏ cùng đấy là sự tiêu tốn rất nhiều vật chất, thời gian. Nếu chỉ có thế cũng chưa phải chuyện gì suy ngẫm nhiều vì dù sao Unesco đã công nhận đây là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chỉ tính riêng dịp Tết đã có hàng nghìn người đến đây làm lễ dâng sao giải hạn. Những ngày này sân đền chất hàng ngang dãy dọc cơ man những hình nhân mang theo sớ của từng cá nhân, gia đình giải hạn sao xấu. Giải sao chưa bao giờ phát triển mạnh như bây giờ đến mức không chỉ là đền phủ mà không ít chùa cũng nhận làm việc này.

Không còn nghi ngờ gì, lễ hội ngoài những nét đẹp và ý nghĩa đang bị biến thể nhiều mặt. Những hủ tục dần được phục hồi. Tâm linh bị lạm dụng, bị trục lợi. Khi thần quyền trở lại, mê tín, dị đoan sẽ có cơ hội nảy nở phát triển. Sự mông muội sẽ đẩy lùi dân trí kéo theo những hệ lụy khó lường. Đấy là chưa kể vô số tệ nạn len vào phá đi sự tốt đẹp của lễ hội. Bói toán, cờ bạc, lừa đảo, chặt chém du khách là chuyện thường ngày có ở nhiều lễ hội. Đền, phủ, đình, chùa tổ chức lễ hội đang bị biến thành những nơi trục lợi cho không ít người và làm mất đi ý nghĩa truyền thống về văn hóa. Lỗi không nhỏ ở các cấp công quyền. Đã đến lúc cần những tiếng nói mạnh mẽ và thay đổi triệt để.