Con người viết hoa trên báo chí

Cố nhà báo Hàm Châu đã ra đi mấy năm rồi, nhưng trước mắt tôi vẫn hiển hiện hình ảnh con người, tài năng và sự say mê lao động của ông. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Tổ quốc, Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân. Khi tuổi đời đã gần 80, với kiến thức và trí nhớ uyên bác của người thông thạo bốn thứ tiếng (Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga), ông vẫn thường xuyên trao đổi với các nhà khoa học, bạn bè ở các nước trên thế giới bằng thư điện tử. Thỉnh thoảng, ông vẫn đi xe máy đến tòa soạn chúng tôi say sưa trao đổi những tài năng khoa học của nước nhà với niềm tự hào dân tộc khôn xiết.

Phóng viên Truyền hình Nhân Dân tác nghiệp. Ảnh | THANH LÂM
Phóng viên Truyền hình Nhân Dân tác nghiệp. Ảnh | THANH LÂM

Với những hiểu biết về lĩnh vực khoa học tự nhiên, ông là “từ điển sống”, xứng tầm nhà báo quốc tế. Hằng năm, ông đều có hai, ba chuyến đi nước ngoài dự hội thảo khoa học với tư cách là khách mời hoặc chính chủ nhân các nhà khoa học dự hội thảo mời cá nhân ông. Những bài viết của ông rất chân thực, sống động, có sức thuyết phục tìm đến ngọn nguồn của sự phát triển tài năng các nhà khoa học, cổ vũ và tôn vinh con người Việt Nam trên trường quốc tế, được bạn đọc yêu mến, hoan nghênh.

Tôi xin mở đầu bài viết bằng câu chuyện kể trên để thấy rằng, trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập hôm nay, văn hóa cao nhất là Con người, nhưng trên các mặt báo, dường như ít được chú ý, quan tâm. Con người với những điển hình tiên tiến, tấm gương của xã hội được Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo luôn nhắc đến có ý nghĩa to lớn, sâu sắc rất ít khi xuất hiện trên mặt báo phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Nhiều tờ báo dường như chỉ chú ý khai thác thói hư, tật xấu của người nọ, người kia mà ít quan tâm đến con người nêu gương sáng, nhất là trong lĩnh vực văn hóa tinh thần. Không chỉ mạng xã hội mà tâm lý đó còn len lỏi vào những tờ báo, trang mạng điện tử do nhà nước quản lý.

Đất nước ta, xã hội ta thời nào, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có những con người tiên phong. Thậm chí khi xã hội lâm vào lúc khó khăn, phức tạp lại xuất hiện thêm nhiều người tài trí, góp phần xử lý những mâu thuẫn mới nảy sinh, đóng góp cho sự ổn định, phát triển của đất nước. Có người giải quyết những việc tưởng chừng không lớn, nhưng nhiều khi lại có tác dụng xã hội thiết thực. Chẳng hạn những tấm gương các thầy thuốc, các bác sĩ, y tá, bộ đội, công an ngày đêm bám trụ nơi dịch bệnh hoành hành, quên mình để cứu chữa, ngăn ngừa Covid-19; rồi một người thanh niên chứng kiến việc anh lái xe đang chống trả tên cướp đã không thờ ơ, cùng xông vào bắt cướp. Hay có những người lãnh đạo, quản lý ở các địa phương nghĩ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh đã trực tiếp vận động người dân sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sạch để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mạnh dạn chuyển đổi đất đồi vùng núi trọc để tạo những vườn cây ăn quả có giá trị, v.v. Trong tất cả những điều to tát hoặc bình thường đó, cái gì mang lại lợi ích cho người dân, thổi luồng sinh khí lành mạnh vào xã hội thì tác giả của những tác phẩm đó đều nêu cao ý thức trách nhiệm của người làm báo.

Phải chăng đã đến lúc những người làm báo chí truyền thông cần sự đổi mới thật sự trong nhận thức và hoạt động. Việc tuyên truyền những nhân tố tích cực, những điển hình tiên tiến vốn có và nảy nở trong xã hội luôn là định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước ta và được công chúng
quan tâm.

Nhưng thực tiễn cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Những con người với tất cả đặc điểm của nó mà hôm qua chúng ta ngưỡng mộ, kính trọng cần được khẳng định. Những đặc trưng của con người mới tiên tiến hôm nay tiếp tục những nét truyền thống đó như thế nào? Ai cũng biết động lực tinh thần và lợi ích vật chất hòa hợp, kích thích, động viên nhau phát triển sẽ tạo thành sức mạnh của xã hội. Đối lập hai mặt đó với nhau sẽ phát triển hỗn loạn. Đó là hai mặt thống nhất, tạo nên sức sống của con người. Chúng ta tôn vinh những người giàu có làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng chắc chắn rằng con người tốt có thể còn đói nghèo nhưng họ có thể có những hành động, việc làm mang tính nhân văn cao cả. Người giàu có không phải do lao động mà có, không đóng góp cho tiến bộ xã hội gây thiệt hại lợi ích của đất nước và người dân không thể là tấm gương cho xã hội học tập, noi theo. Tuy nhiên cần khẳng định rằng con người mới ở Việt Nam hiện nay phải là con người có tri thức, có sức khỏe. Đời sống, trách nhiệm văn hóa của mỗi con người phải được biểu hiện trong cuộc sống lao động, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật mang lại hiệu quả cho xã hội, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là những con người kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Hình mẫu con người viết hoa lâu nay phải ham hiểu biết, không ngừng học hỏi, hành động có lý trí với tinh thần đổi mới, tự cường, dám dấn thân.

Tạo môi trường xã hội lành mạnh, trong sáng, khỏe mạnh trong cơ chế kinh tế thị trường là tạo điều kiện để xây dựng con người mới. Trong điều kiện kinh tế thị trường, không tránh khỏi nảy sinh tiêu cực như nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, sống và làm việc bất chấp luật pháp và đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mà giới truyền thông coi là nhiệm vụ tiên phong, là đề tài đầy tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu cao cả của mình. Để cho cái mới ra đời trước hết phải cổ vũ, động viên và bảo vệ những người có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích người dân và đất nước. Báo chí, giới truyền thông có thế mạnh và sức mạnh khơi thông những điểm nghẽn này bằng những phản ánh trong thực tế sinh động từ cuộc sống, phát huy tiếng nói của người dân, góp phần tạo nên cơ chế bảo vệ những con người tiên phong trong đổi mới. Tài năng, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm xã hội của nhà báo là phát hiện, động viên, cổ vũ những nhân tố tích cực này. Thực tế cho thấy con người, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học dám sáng tạo, đột phá thường ở số ít, thuộc về thiểu số nên không tránh khỏi những “rào cản” của tâm lý số đông. Chỉ đến khi những việc làm, các công trình, đề án của họ thành công, được xã hội công nhận trên thực tế thì những nhân tố tích cực đó phải “trả giá” đắt, hoặc có thể là “nạn nhân” của sự thay đổi. Do đó, vấn đề đặt ra là rất cần sự đồng hành của báo chí. Để làm được điều đó đòi hỏi các nhà báo vừa có tâm, vừa có tầm hiểu biết tri thức và lôi cuốn, tập hợp dư luận khách quan, khoa học, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tiếng nói của báo chí sẵn sàng khơi gợi cho những ý tưởng tốt đẹp, tinh thần đột phá để những “rủi ro”, sai sót, thực hiện theo đúng quy trình, lấy thước đo hiệu quả xã hội làm cơ sở để bảo vệ những con người tiên phong đó.

Quá trình đổi mới chính sách kinh tế - xã hội ở nước ta là cuộc đấu tranh gian khổ, đầy thử thách nhằm tạo ra những bước đột phá mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện nhiệm vụ đó, vai trò của các doanh nghiệp và doanh nhân được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định, tôn vinh. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Không ít rào cản được tháo gỡ. Báo chí không chỉ ca ngợi mà cần đề cập đến những vấn đề bất cập làm hạn chế nguồn lực, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp đang hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Những điển hình tập thể, cá nhân được báo chí tôn vinh đã góp phần cổ vũ các doanh nghiệp và doanh nhân khắc phục khó khăn, vượt qua mọi rào cản, những bất cập trong quản lý lãnh đạo của chính quyền các địa phương, của các bộ, ngành.

Trong bối cảnh hiện nay phản ánh thông tin một tấm gương, một điển hình tiên tiến được công chúng tiếp nhận và học hỏi là điều không dễ. Người viết cần có kiến thức đa diện về pháp luật, kinh tế, xã hội dựa trên những hiểu biết rõ ràng về con người để phản ánh. Các nhà báo phải dày công nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực tế, thu thập thông tin từ các nguồn thông tin khác nhau chứ không chỉ đọc qua báo cáo, cấp trên chỉ đạo. Có như vậy mới có thông tin
khách quan, xác thực.

Con người mới có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích xã hội vừa là nhân, vừa là quả của xã hội. Đó là những con người viết hoa trên báo chí, một đề tài không bao giờ cũ của báo chí gắn liền với tên tuổi các nhà báo thời kỳ mới.