Chương trình hành động không phải là “Nghị quyết thứ hai”

Theo chỉ đạo của Trung ương, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước phải tập trung khẩn trương xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và phải hoàn thành trong quý II, năm 2021. Tháng 6 này là thời điểm “về đích” của các Chương trình, Kế hoạch.

Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh | VĂN ĐIỆP
Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh | VĂN ĐIỆP

Chương trình hành động (CTHĐ) thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp không phải là bản nghị quyết thứ hai. Câu nói mộc mạc này chúng tôi được nghe ở Huyện ủy Đông Anh, Hà Nội. Lời khẳng định cũng là sự phủ định những việc làm chưa đúng ở nơi nào đó, thời điểm nào đó. Có nghĩa là, phải khắc phục cho được căn bệnh sáo mòn, hình thức trong triển khai nghị quyết, đưa nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống. Do việc phấn đấu làm nhanh, làm cho xong mà ở không ít nơi đã xây dựng CTHĐ một cách chung chung. Cái chương trình ấy có thể dùng cho bất cứ tỉnh nào, huyện nào, xã nào. Nói không quá, có khi nó là tràng pháo tay và tiếng hô “quyết tâm” kéo dài không dứt từ tháng này sang năm khác.

Cha ông ta từ xưa đã nói, đại ý, suy nghĩ và lời nói mới là hoa, việc làm mới là quả. Một nghị quyết được xây dựng dù công phu đến đâu, chuẩn xác đến mấy, có đầy đủ tính khoa học, tính thực tiễn, khả năng dự báo cao đến đâu, cũng mới chỉ là những chỉ báo vạch đường. Điều cốt tử nhất là lãnh đạo, tổ chức thực hiện cho tốt. Vì thế mới cần một CTHĐ cụ thể. Sau khi có chương trình lại cần có đề án, kế hoạch. Như thế sẽ khắc phục được tình trạng nói hay làm dở, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, như người dân Nam Bộ thường nói: “Đường lối trên trời, cuộc đời dưới đất”. Điều này được Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho hay: “Ở chỗ chúng tôi có lời nhắc nhau, khi xây dựng đề án, kế hoạch là phải thực hiện năm rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả”. Đúng rồi, thế này thì những ông nào quen đánh võng, quen hát nhép trong dàn đồng ca làm sao mà trốn được. Lối phê bình chung chung “thành tích của tôi, khuyết điểm chúng ta” cũng sẽ bớt dần đi. Khi rõ người, rõ việc thì ai cũng sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, làm hết việc chứ không cố làm hết giờ. Nó lượng hóa được chất lượng công việc. Sâu xa hơn khi đánh giá cán bộ bớt đi những nhận xét cảm tính, đồng chí này rất sáng tạo, rất tích cực, rất chủ động... Chỉ thiếu một cái “rất” là trong cái khối thành tích rất lớn kia chả thấy dấu tay của anh ấy đâu.

Lại là chuyện ở Đông Anh cho “có sách, có chứng”. Trong CTHĐ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Đảng bộ thành phố có sáu chương trình công tác trọng tâm và có đến 24 đề án thực hiện. Từng đề án ấy đều có các đồng chí cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm cụ thể. Thí dụ “Chương trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị”, đi liền là đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Một đồng chí Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách đề án này. Quả là rõ người, rõ việc! Hoặc một vấn đề dễ rơi vào khoảng trống, đó là chuyện cán bộ nêu gương. Trong đề án “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Huyện ủy Đông Anh có những quy định rõ ràng. Có những quy định khi thảo luận khá là “căng thẳng”, vì nó liên quan đến kinh tế, tâm lý, tình cảm con người. Nhưng rồi kết luận cuối cùng là, đã là cán bộ chủ chốt của huyện, nhất là các đồng chí trong ban thường vụ, phó bí thư, bí thư phải thật sự nêu gương: “tiên tề gia, hậu trị quốc”. Ở đây có câu chuyện về văn minh trong việc cưới, việc tang. Huyện ủy quy định: các cụ thân sinh có con là ủy viên ban thường vụ huyện ủy khi qua đời đều tự nguyện... hỏa táng. Cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Việc làm gương mẫu này đã được chính gia đình, người thân các đồng chí lãnh đạo và toàn dân ủng hộ và làm theo. Hoặc mới nhất là tháng 5 vừa rồi, dịch Covid-19 bất ngờ ập tới. Chống dịch như chống giặc không chỉ là mệnh lệnh chung chung mà người lãnh đạo phải ra mặt trận. Nơi đây đã có cách làm sáng tạo là khoanh vùng ổ dịch “ba lớp” tại những nơi bị cách ly. Từ Bí thư đến Chủ tịch huyện đều lăn xả vào công việc, làm việc bất kể ngày đêm, với quyết tâm khống chế và dập tắt, không để dịch loang rộng. Việc làm tích cực này đã có kết quả tốt, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Các đồng chí Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế; ông Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh là những cán bộ tiêu biểu được khen thưởng.

Chương trình hành động không phải là “Nghị quyết thứ hai” -0

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh | HẢI NGUYÊN

Đông Anh chỉ là một trong khá nhiều dẫn chứng sinh động về việc xây dựng CTHĐ bài bản và bước đầu đã vận hành tốt. Ở tầm vĩ mô, hôm 20-5 vừa qua, Chính phủ cũng đã đề ra CTHĐ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ trước hết là: “Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”.

Như vậy, sức sống mới trong hành động ở nhiệm kỳ này chính là sự cụ thể hóa, phân công, phân cấp rõ ràng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; khen thưởng kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh, ghi nhận một số điểm đáng lưu ý. Đó là khi xây dựng các CTHĐ phải bám sát thực tiễn, huy động được sức mạnh của quần chúng. Không được dân ủng hộ thì mọi chương trình cũng chỉ dừng ở ý tưởng. Chợt nhớ lời căn dặn của Bác Hồ trong Bài nói tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963: “các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt (...) Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Một vấn đề nữa, để có một Chương trình động, thì đi liền với chương trình tổng thể, cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung là việc cần làm ngay, làm hằng quý, hằng tháng, thậm chí hằng ngày, như bài học sâu sắc từ việc chống dịch Covid-19 trong thời gian qua ở Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều nơi khác. Chúng ta rất cần những cán bộ ứng phó nhanh, xử lý tình huống nhanh, miệng nói, chân bước, tay làm là vì thế.

Cuối cùng cái gốc vẫn là con người. Chú trọng tìm đúng người tài - đức để giao việc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, những anh khư khư giữ ghế như “kỳ đà cản mũi” thấp thoáng ở nhiều nơi. Những anh mang thân ra để che cái tài thời nào cũng có, vậy mà trong đấu tranh tự phê bình, phê bình, các cấp ủy, chi bộ chỉ ra chưa được bao nhiêu. Vậy nên, cùng với việc phải làm tốt công tác đánh giá, đề bạt, sử dụng cán bộ, phải mạnh dạn thay thế, cách chức và tạo điều kiện để cán bộ từ chức khi không còn uy tín. Công tác bổ nhiệm lại cán bộ lâu nay vẫn làm nhưng ít có cán bộ nào không được bổ nhiệm lại. Đã có cơ chế, chính sách thì phải thực hiện thật nghiêm. Nếu không làm nghiêm thì chỉ gây lãng phí và hình thức. Chừng nào còn những cán bộ cơ hội, kém tài, kém đức thì không thể sáng tạo được bất cứ điều gì trong việc triển khai và thực hiện nghị quyết.

Vẫn cần nhắc lại một điều quen thuộc: Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu kiểm tra và giám sát. Kiểm tra nhằm mục đích xây là chính, xây tốt để chống, chống cũng là để xây. Kiểm tra thường xuyên việc lãnh đạo, thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp chính là thêm một lần nhắc nhở tinh thần, ý thức, trách nhiệm, sớm bổ sung, điều chỉnh những gì đã lạc hậu, lỗi thời, thậm chí là sức ỳ cho phát triển. Kiểm tra cũng là để chống thói quan liêu, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, thay thế những cán bộ không còn khả năng làm việc.

Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, hãy hành động ngay, kiểm tra ngay và xử lý ngay!