Bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam:

"Cần nói cả những điều người ta muốn nghe chứ không chỉ những điều mình muốn nói"

Bà Lê Thị Thu Hằng (ảnh bên), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh một số vấn đề: báo chí quốc tế đánh giá thế nào về tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoạt động thông tin đối ngoại thích ứng và chuyển đổi thế nào trong đại dịch Covid-19...

"Cần nói cả những điều người ta muốn nghe chứ không chỉ những điều mình muốn nói"

Thưa bà, với cương vị Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà cảm nhận thế nào về đánh giá của báo chí và dư luận quốc tế đối với tháng Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?

Tháng 4 vừa qua, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai trong nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông, châu Phi, ở châu Á là vấn đề bán đảo Triều Tiên, Myanmar... Thế nhưng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò này. Dưới sự chủ trì, điều phối khéo léo của Việt Nam, Hội đồng Bảo an đã thông qua hơn 10 văn kiện khác nhau, trong đó có bốn Nghị quyết đều được thông qua bằng đồng thuận với số phiếu tuyệt đối 15/15 của các nước thành viên Hội đồng. Mặt khác, các vấn đề mà Việt Nam đưa ra rất đúng và rất trúng, được dư luận quan tâm, tạo đồng thuận cao. Người ta nói rất nhiều về chuyện chấm dứt chiến tranh, ngừng bắn... nhưng vấn đề bảo vệ các cơ sở thiết yếu như điện, nước, bệnh viện... trong xung đột lại ít được đề cập. Việt Nam đã thành công khi chủ trì và dẫn dắt để Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân. Hay là việc chúng ta có những cách tiếp cận mới với sức thuyết phục cao như khi tổ chức Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn ngày 8-4 có diễn giả đặc biệt là chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị đã gây ấn tượng mạnh mẽ.

Để đạt được thành công này có vai trò to lớn của báo chí. Chúng ta có sự chuẩn bị kỹ, đã lên kế hoạch cụ thể trước tháng Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an. Trong tháng, các cơ quan báo chí chủ chốt đã tích cực truyền thông. Chúng ta đã có những tuyến bài thông tin chính thức về các sự kiện chính diễn ra, bên cạnh đó là tuyến tin bài bổ trợ với các hình thức truyền tải phong phú, hấp dẫn như tọa đàm, talkshow, phóng sự về quá trình tham gia Liên hợp quốc và đóng góp của Việt Nam... Điều đó đã tác động lớn đến dư luận, trước hết là dư luận trong nước, tạo được tiếng nói đồng thuận và sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề quốc tế tưởng chừng như rất xa xôi.

Bà có thể cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 rất phức tạp và kéo dài, làm thế nào để thích ứng và chuyển đổi để hoạt động truyền thông - thông tin đối ngoại không bị ngưng trệ, đóng băng khi ngay cả những cuộc họp báo có sự tham gia của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã không thể diễn ra trực tiếp?

Dịch Covid-19 làm nhiều hoạt động đình trệ nhưng riêng hoạt động đối ngoại thì không ngừng nghỉ. Thay vì các chuyến thăm cấp cao hay các hoạt động trực tiếp, chúng ta đã thích ứng và chuyển đổi rất nhanh sang các hình thức trực tuyến. Thí dụ, trong Năm Chủ tịch ASEAN, thông thường Việt Nam phải đăng cai khoảng 200 hoạt động nhưng vì dịch Covid-19, chúng ta đã chuyển đổi và đã chủ trì gần 550 hoạt động trực tuyến nhưng hiệu quả thì không hề suy giảm.

Chúng tôi cũng bận rộn và vất vả hơn vì tần suất hoạt động cao hơn và tất cả các hoạt động đó đều cần đến truyền thông báo chí, chưa kể nhiều hoạt động họp trực tuyến với chênh lệch múi giờ giữa các nơi lên đến 10-12 tiếng, khung giờ làm việc của chúng tôi có những lúc là 24/7.

Nếu như hằng năm có khoảng hai nghìn phóng viên nước ngoài tới đưa tin về mọi mặt của Việt Nam thì bắt đầu từ tháng 3-2020 đến nay, do hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ nên không có người nào. Vậy làm thế nào để duy trì được hoạt động truyền thông quảng bá qua kênh báo chí nước ngoài? Chúng tôi đã tranh thủ lực lượng các văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam, các tùy viên báo chí của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam để đưa thông tin về Việt Nam ra với thế giới. Bộ Ngoại giao đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số địa phương tổ chức được bốn chuyến đi thực tế địa phương cho các phóng viên và tùy viên báo chí nước ngoài. Sau các chuyến đi đã có những sản phẩm truyền thông rất có giá trị, qua đó góp phần duy trì kênh thông tin về Việt Nam trên báo chí
quốc tế.

Có thể nói dịch Covid-19 không làm đóng băng hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại của chúng ta mà còn tạo ra động lực chuyển đổi số. Ở Bộ Ngoại giao, chúng tôi tăng cường thông tin trên nền tảng internet và mạng xã hội nhiều hơn. Hiện nay, Bộ có sáu tài khoản mạng xã hội bao gồm cả cả Twitter, Instagram, Facebook thu hút được sự theo dõi và tương tác đông đảo của các giới chính trị gia, học giả, báo chí nước ngoài và công chúng trong, ngoài nước. Chúng tôi cũng tự hào khi trong suốt cả năm 2020 cho đến thời điểm này vẫn duy trì được họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, ngay cả vào những thời điểm dịch bệnh bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội. Chúng tôi cũng nhận được sự tương tác, đánh giá cao của báo giới.

Đặc biệt trong dịp Đại hội XIII của Đảng vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sáng kiến thành lập Trung tâm Báo chí online và tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài lần đầu tiên đưa tin về Đại hội bằng hình thức trực tuyến. Đã có gần một trăm nhà báo từ 88 cơ quan báo chí của 30 nước từ tất cả các châu lục đã đăng ký đưa tin Đại hội theo hình thức này. Trong bối cảnh dịch bệnh không thể trực tiếp vào Việt Nam, hình thức này được các nhà báo quốc tế đánh giá rất cao.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên đối diện với những câu hỏi "khó" của phóng viên quốc tế. Bà đã "ứng xử" với những câu hỏi "khó" ấy và vượt qua áp lực như thế nào?

Đó là một trong những áp lực đối với Người Phát ngôn thôi. Danh là Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao, nhưng tôi thường đứng trước nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhiều lĩnh vực của các bộ ngành khác, vượt ra ngoài lĩnh vực đối ngoại. Mà khi đã chủ trì một cuộc họp báo quốc tế thì việc từ chối trả lời hoặc cung cấp thông tin cho báo chí là điều bất đắc dĩ. Trong suốt bốn năm làm Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, tôi không chỉ cung cấp thông tin, đưa ra lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề đối ngoại mà còn nhiều vấn đề khác, thí dụ riêng năm 2020, tôi đã trả lời hàng trăm câu hỏi liên quan đến dịch Covid-19. Có nhiều câu hỏi liên quan đến thương mại, môi trường, du lịch, các vấn đề xã hội như tôn giáo, quyền con người, thậm chí cả về hôn nhân đồng giới... Quan điểm của tôi là cung cấp, thậm chí chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Bây giờ thông tin trên mạng xã hội rất nhiều, rất đa chiều, nhưng đó là nguồn không chính thức, thậm chí có tin giả, tin sai. Do đó muốn báo chí đưa tin đúng, đưa được quan điểm chính thống của Việt Nam thì chúng ta phải chủ động và có trách nhiệm cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu của báo chí trong khả năng cho phép.

Tôi vẫn tâm niệm, một trong những nguyên tắc của Người Phát ngôn là không được nói sai và khi đưa ra thông tin, bày tỏ lập trường, quan điểm thì phải có đủ lập luận và sức thuyết phục. Sức thuyết phục ở chỗ là các lập luận phải xác đáng, thông tin phải hấp dẫn. Tôi cho rằng cần nói cả những điều người ta muốn nghe chứ không chỉ những điều mình muốn nói.

Ngoài ra, tuy là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, bên cạnh nhiệm vụ thông tin đối ngoại vẫn cần phải đáp ứng được cả yêu cầu về đối nội, phát ngôn với dư luận quốc tế nhưng phải tính tới tác động đối với dư luận trong nước.

Để ứng xử với những câu hỏi khó, đa dạng, nhất là tại các cuộc họp báo thì công tác chuẩn bị rất quan trọng. Đối với tôi, thuận lợi là được tiếp cận rất nhiều thông tin nhưng đó cũng là thách thức, mình như cái phễu nhưng cũng rất cần bộ lọc, vừa phải bám sát diễn biến tình hình, theo dòng chảy thông tin vừa nghiên cứu để nắm được sự quan tâm của dư luận từ đó mới có sự chuẩn bị chu đáo. Trong mọi trường hợp, Người Phát ngôn phải luôn nắm vững lập trường nguyên tắc, chủ trương, đường lối và trên cơ sở lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, bà cảm nhận về điều này thế nào?

Có thể nói, dư luận báo chí nước ngoài trong những năm gần đây nhìn chung có xu hướng tích cực về Việt Nam, những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại... được đề cập rất nhiều. Những vấn đề trước đây luôn nổi lên trong dư luận quốc tế theo chiều không thuận ngày một giảm đi. Báo chí nước ngoài đã viết về Việt Nam cân bằng hơn, ngay cả trong những lĩnh vực ít nhiều còn khác biệt, tin bài về thành tựu bảo đảm quyền con người, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo... nhiều hơn. Tính chất đưa tin một chiều, tiêu cực về Việt Nam giảm hẳn.

Điều đó không tự nhiên mà có. Đó chính là từ thành tựu mọi mặt mà chúng ta đạt được giúp vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam đã được nâng cao như vừa qua đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193. Tôi cho rằng, một Việt Nam đổi mới có nhiều thành tựu, đất nước phát triển mọi mặt, cuộc sống người dân ngày một tốt hơn là chất liệu quý giá cho thông tin đối ngoại vì "có bột mới gột nên hồ".

Xin trân trọng cảm ơn bà!