Chiếc áo len màu xám

Trời vào đông, cái rét xuyên thủng những tán cây, rơi xuống vệ đường những giọt sương buốt giá còn sót lại. Mùa này trời không mưa, chỉ có những đám mây xám vẫn vẩn vơ cuối chân trời đem đến cái hăng nồng của hơi nước. Quán nhỏ của bà Xuân nằm co ro dưới gốc cây bàng, như muốn tan vào làn sương mờ u uất vẫn bao phủ cái thị trấn nhỏ này suốt bao ngày qua. Vài người khách ngồi nhâm nhi chén trà nóng. Cả chủ, cả khách đều ít lời. Dường như tất cả đều co mình lại trước cái lạnh đang ào về.

Minh họa: ĐỨC BẢO
Minh họa: ĐỨC BẢO

Bà Xuân mở cái túi cói đã cũ, lôi ra cuộn len xám đan nốt chiếc áo còn dang dở. Bà nghĩ đến lúc thằng con trai của bà khoác lên mình chiếc áo ấm áp do chính bà đan mà trong lòng vui sướng. Đôi mắt bà nheo lại như đang cười. Bao mùa đông qua, năm nào cũng vậy, bà luôn đan áo cho con. Cái áo nào sờn rách, bà lại tháo len ra đan lại. Những chiếc áo len đan bằng sợi cũ vẫn đẹp như mới vậy. Năm nay, bà sắp đan xong rồi, thằng Nam có lẽ cũng sắp về. Bà sẽ lại đón nó vào lòng. Bao nỗi đau đớn đã qua, bà không còn nhớ. Tất cả giờ đây là niềm vui được chờ đợi, chờ đợi đứa con lầm lỗi quay về để bà che chở, bao dung. Vậy là đã hơn hai năm trôi qua. Những vết thương qua thời gian đều lành lại, để lại dấu vết trên da thịt. Riêng trái tim người mẹ dù rỉ máu bao lần, vẫn vẹn nguyên, vẫn không bao giờ thành sẹo.

Người ta vẫn nói cá chuối đắm đuối vì con. Người ta cũng bảo bà Xuân như vậy. Thằng Nam từ nhỏ đã là đứa trẻ dặt dẹo, đau ốm liên miên. Suốt một thời gian dài, bà ăn cơm bệnh viện nhiều hơn ăn cơm nhà, gầy mòn xác ve theo từng đận con ốm con đau.

Thằng con trai ốm yếu là thế mà lớn lên lại phá phách không ai bằng. Lần cuối cùng, nó làm tim bà tan nát khi nó bỏ nhà đi chơi cờ bạc, đề đóm. Túng tiền, nó theo người ta làm liều. Cái lần bà tới trại giam tìm nó, những vết thương khắp trên cơ thể vẫn chưa lành. Vết thương do trèo tường bị ngã, vết thương bị chủ nhà mà nó đột nhập đánh; vết nọ chồng vết kia làm tim bà đau nhói. Bà gạt nước mắt nhìn con vào trại cải tạo. Với gánh hàng nước này, bà chờ đợi từng ngày để con được trở về; sự chờ đợi dài dằng dặc còn hơn chính những phạm nhân đang phải chịu án.

Ngày thằng Nam trở về, những nông nổi đã qua, những khoảng trống xa cách khiến nó trong mắt bà Xuân dường như lớn hơn. Bà ngước mắt lên mới chạm tới ánh mắt của nó. Ánh mắt cụp xuống ăn năn, ngần ngại. Bà kéo nó vào lòng. Đứa con khom lưng để được tựa cằm vào bờ vai nhỏ bé của mẹ, nước mắt dợt xuống vai bà. Ngoài mái hiên, những tia nắng hiếm hoi của mùa đông nhảy nhót trên những chùm khế sai trĩu trịt. Bà những mong một cuộc sống mới sẽ tới tốt đẹp hơn với hai mẹ con bà.

Hai mẹ con bà Xuân mở thêm một cửa hàng sửa chữa xe ngay bên cạnh quán nước nhỏ. Từ ngày được trở về, thằng Nam trở nên lầm lỳ, ít nói hơn. Nó kiệm lời, và gần như để tất cả thời gian vào cái cửa hàng sửa chữa nhỏ bé. Bà biết nó vẫn còn mặc cảm, vẫn thu mình trước những người xung quanh lại càng quan tâm, chăm sóc nó hơn. Bà nào mơ ước cao xa gì, chỉ hy vọng nó trưởng thành, trở thành người lương thiện rồi có một mái ấm cho riêng mình. Thấm thoát vậy mà cũng gần ba mươi năm rồi...

Mọi việc ngỡ đã rơi vào quên lãng, vậy mà sự xuất hiện của người đàn ông đó đã khuấy động tất cả, như ngọn núi lửa ngủ quên giờ cựa mình thức dậy, phun trào, nứt toác lại những vết thương đã cũ. Nhìn người đàn ông đội chiếc mũ phớt màu xám, đôi giày da đắt tiền sáng loáng bước chân vào quán nước của bà, đôi mắt ông ta nhìn xoáy sâu vào thằng Nam, lòng bà đã bồn chồn không yên. Ông ta đặt lên trên chiếc bàn nước túi quà. Những thứ xa xỉ trong túi ni-lông bóng loáng trở nên lạc lõng trên chiếc bàn gỗ đen sánh lại bởi nước chè, bởi mồ hôi của những người khách vẫn nghỉ chân. Người đàn ông nói về cái đêm mùa đông rét mướt ấy, về con đường và cái gốc cây mà bà Xuân có lẽ cả đời cũng không sao quên được.

Ông ta kể đến đâu, mồ hôi túa ra, ướt hết lưng áo bà Xuân đến đấy. Bà muốn sụp xuống, nhưng bà cố gắng để đứng vững. Ký ức quay trở về với bà Xuân ào ạt như thác lũ làm bà ngạt thở.

Ngày ấy, chị Xuân ly hôn với chồng. Tài sản chẳng còn gì từ khi người chồng lao vào cờ bạc. Tất cả của chị là đứa con trai đang say sưa ngủ trên tay. Một lần chồng chị tới thăm con, rồi mượn cớ đưa thằng bé đi chơi. Chị vẫn nhớ như in đó là buổi chiều mùa đông rét mướt, lúc đó con chị mới lẫm chẫm biết đi.

Chị đợi mãi, đợi mãi mà chồng cũ không đưa con về trả. Chị linh cảm điều gì đó không hay. Đến cuối ngày, ruột gan thắt lại nhưng chị vẫn thầm hy vọng rằng chồng cũ sẽ đưa con về muộn, rằng thằng bé mải chơi mà chưa chịu về... Nhưng người chồng không quay lại, anh ta đã bế đứa con bỏ đi. Giữa đêm lạnh chị gào khóc đi tìm con. Tiếng khóc thảm thiết tuyệt vọng sâu hun hút vào bóng tối nghe đâu đó như lẫn vào tiếng mèo mẹ đi tìm lại bầy con nhỏ. Tim chị vỡ vụn một lần. Lần thứ hai nó bị bồi thêm, vỡ nát khi chị hay tin cả chồng cũ và đứa con nhỏ của chị bị tai nạn lật thuyền chết đuối sau khi anh ta đưa đứa trẻ bỏ tới nơi xa xôi sinh sống. Nước mắt chị không thể chảy. Nó đã ngưng lại đâu đó nơi lồng ngực như bị ai xé tan, nơi trái tim người mẹ đã không còn nguyên vẹn. Chị nghẹn thở trong nỗi đau vô cùng tận. Giá như anh ta cứ đưa đứa bé tới nơi nào đó sống yên lành thì chị vẫn còn chút hy vọng để mà đi tìm kiếm suốt quãng đời còn lại.

Chị rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Đứa con của chị, nó còn quá nhỏ... Chị Xuân nhốt mình trong nhà cả tháng trời. Bao đêm trắng trôi qua, hình ảnh bé bỏng của đứa con vẫn bủa vây lấy chị cả lúc tỉnh lẫn trong những giấc ngủ chập chờn, mộng mị. Người ta bảo chị phát điên. Người ta đồn chị sinh bệnh mà chết khi ai đó vô tình gặp lại chị, chỉ còn là một thân hình héo hon, tàn tạ.

Có thể chị sẽ điên, sẽ chết nếu không có cái đêm định mệnh ấy. Cái đêm khi chị thẫn thờ đi lang thang dọc con đường mà ngày nào chị đi tìm đứa con trai. Cái rét cắt da cắt thịt đã gần làm gục ngã thân thể héo hon, không còn sức sống. Bỗng có tiếng trẻ con yếu ớt. Chị thính nhạy với tiếng trẻ con như loài dơi nghe thấy tiếng động. Chị bừng tỉnh. Dưới gốc cây ven đường, một đứa trẻ được cuốn trong tấm chăn cũ đang rọ rạy, o oe khóc.

Chị vội vã lại gần, bàn tay run rẩy chạm vào nó. Đứa bé trong tay chị ngừng khóc. Thấy hơi người ấm áp, đứa bé rúc đầu vào ngực chị tìm sữa. Nó giống hệt như đứa con trai ngày nào của chị. Bản năng người mẹ trong chị trỗi dậy, chị ôm chặt nó vào lòng. Sao có những người khát khao mong có được con, lại có những kẻ nhẫn tâm vứt bỏ con mình. Chị áp má mình vào khuôn mặt nhỏ bé của nó, che chở. Đâu đó trong bóng tối có bóng người vụt chạy mất. Chị sững lại, ngỡ ngàng. Trong vài phút giây ngắn ngủi, chị quấn lại tấm chăn cho đứa trẻ rồi vội vã bế nó trở về, sợ ai đó một lần nữa lại cướp mất nó khỏi chị.

Bà Xuân miên man trong dòng suy nghĩ. Những ký ức ngày nào như vẫn còn mới nguyên, như vừa mới hôm qua. Bà lau dòng nước mắt đang chảy lúc nào mà bà không hay. Sau gần 30 năm, chẳng lẽ số phận lại muốn cướp nó khỏi bà lần nữa. Người đàn ông đó xuất hiện với bà Xuân như tiếng sét giữa bầu trời quang. Ông ta nói mình là cha ruột của đứa trẻ bà đã đưa về nuôi năm nào. Ông ta xin bà cho thằng bé được nhận mặt cha.

Làm sao bà có thể nói ra sự thật ấy với đứa con mà đã từ lâu bà đã quên nó không phải là con ruột của mình.

- Ông đã vứt bỏ nó...- Bà Xuân thì thào như không còn đủ hơi sức.

Người đàn ông ngưng lại. Sau cặp kính kia, đôi mắt ông nặng trĩu u uất.

- Ngày đó, vợ tôi sau khi đẻ khó đã qua đời. Bản thân tôi mắc một số nợ quá lớn, phải trốn chui, trốn nhủi. Tôi không thể nuôi con của mình. Tôi đã ôm con đứng ở gốc cây đó rất lâu đợi có ai đó đi qua thì đặt con xuống. Đến khi bà tới, bế nó lên, tôi biết con tôi đã có nơi để gửi gắm. Tôi chạy khỏi đó, tự nhủ sẽ làm việc để một ngày nào đó, tôi có thể được sống đàng hoàng, được gặp lại con trai của mình. Tôi đã tới một nơi xa, làm những công việc từ phu xe tới bốc vác, đêm ngủ ở ga tàu. Tôi làm quần quật không biết ngày đêm, không biết kiệt sức cho tới khi đủ tiền mở một cửa hàng cơ khí nhỏ, rồi một xưởng. Thời gian trôi qua, tôi đủ tiền trả hết nợ, thuê nhân công rồi trở thành chủ. Vậy mà khi có được tất cả, tôi vẫn không có được dũng cảm để đối diện với con. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, tôi chỉ mong con được nhận tổ tiên mình. Tôi ngàn lần biết ơn bà. Chỉ xin bà cho tôi được nhận con.

Bà Xuân ngoảnh ra nhìn đứa con trai hì hục bên chiếc xe đạp cũ không hề thấy hai đôi mắt đang đau đáu nhìn nó. Hình ảnh nó cứ mờ đi, rưng rưng trước những dòng nước cứ dâng lên trên đôi mắt bà. Bà biết đã đến lúc phải cho nó biết tất cả.

Đời người như một con sông, có đoạn êm đềm, cũng có những thác ghềnh, những khúc ngoặt. Ở nơi ấy, nước chảy xiết khôn cùng làm lung lay tay chèo, làm lật ngã cả những con thuyền yếu đuối. Nước gầm gào, nước cuốn tất cả trên mặt sông vào dòng xoáy; thế rồi cũng từ từ trôi ra biển. Tất cả là tự nhiên, là tất yếu mà con người không thể cưỡng lại. Có những sự thật mà ta không thể thay đổi, không thể làm khác là chấp nhận nó.

Đêm hôm ấy, bà Xuân mở tủ quần áo lấy ra chiếc hòm gỗ sơn xanh đã bạc tróc ít nhiều. Trước mặt đứa con trai, bà mở nó ra sau rất nhiều năm giấu dưới đáy tủ. Trong đó là bộ quần áo sơ sinh và chiếc chăn đã cũ mèm. Bên cạnh đó là những chiếc áo len quen thuộc mà đứa con vẫn mặc từ tấm bé. Bà vuốt ve chúng, tưởng như được nhìn lại đứa trẻ năm nào. Đứa trẻ ngày nào mặc bộ quần áo này, nhỏ bé và run rẩy trong tay bà giờ đã là một thanh niên trưởng thành.

Những dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt người mẹ.

Bà kể lại cho đứa con về tất cả những gì đã xảy ra, những gì tưởng như đã bị thời gian khỏa lấp. Bà tin rằng số phận đã không tước đoạt của bà tất cả nên đã trao nó cho bà, đứa con trai bé bỏng là món quà kỳ diệu đã giúp bà có động lực để sống, đã tái sinh cho bà lần thứ hai sau những mất mát quá lớn. Bà nhìn khuôn mặt thảng thốt của đứa con. Sự thật nó không phải là con ruột của bà từ lâu bà đã quên, gợi lại quá khứ ấy, chính bà cũng bàng hoàng, như nó vậy.

Suốt bao ngày qua, lòng bà giằng xé trong sự đau đớn và mâu thuẫn. Lý trí giục giã bà nên nói ra sự thật. Nhưng trái tim lại cố níu kéo và trì hoãn. Bà sợ mất đứa con trai bà yêu quý như máu thịt. Nó như cái cây non được bà vun xới, nâng đỡ dậy trước những sóng gió của cuộc đời; đã đi cùng nó quãng đường để có thể trưởng thành. Bà nhìn lại căn nhà nhỏ bé. Bà chỉ có thể cho nó tình yêu của bà và những thứ nhỏ bé, giản dị như vậy thôi. Biết đâu người đàn ông ấy lại có thể cho nó những thứ mà bà không thể. Cố gắng giữ lấy nó, liệu bà có ích kỷ không? Bà ghìm những cảm xúc để ôm chặt nó vào lòng: - Con người ta như cây có cội, như sông có nguồn con ạ.

Ai cũng có gốc gác của mình. Con đã lớn rồi, mẹ không thể che giấu sự thật mãi. Người đàn ông ấy mới là cha ruột của con. Con cũng phải nhận lại gia đình, tổ tiên của mình.

Đứa con trai khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi nóng hổi của người đàn ông vỡ òa khi nhìn lại cuộc đời mình, biết được gốc gác của mình; vừa thương người mẹ tuy không sinh thành, không trải qua cơn đau sinh nở nhưng ơn nghĩa kể sao cho hết. Đêm ấy, thời gian tưởng như vô tận. Những cơn mưa trái mùa nặng nề, khó nhọc thả những giọt nước xuống hiên nhà.

Tiếng gà gáy sáng thưa thớt, run rẩy trong cái lạnh buốt giá của mùa đông.

Chuyến tàu xuôi về miền trung chậm chạp lăn từng vòng bánh mệt mỏi và uể oải. Mọi người trên toa tàu số 3 hầu như đang chìm trong những giấc ngủ chập chờn và tạm bợ. Có hai người đàn ông hầu như vẫn thức. Người đàn ông già trầm ngâm hút thuốc, nhìn những ánh đèn lướt qua ô cửa sổ bọc lưới. Người đàn ông trẻ nhìn chong chong vào một điểm vô định trên trần toa tàu. Trời chuẩn bị tối. Người phục vụ đẩy đồ ăn qua những dãy người lố nhố. Chiếc xe dừng lại khá lâu, dùng dằng ở hàng ghế giữa toa. Người đàn bà khắc khổ lúng túng moi những đồng tiền nhàu nhĩ ra từ túi chiếc áo sờn chỉ, mua lấy chiếc bánh và lon nước ngọt cho đứa con trai độ 5 tuổi đang ngằn ngặt khóc trên tay đòi mẹ mua quà. Chiếc xe đẩy qua rồi, bà mẹ mở chiếc làn đỏ vẫn giữ chặt bên mình lấy ra chiếc túi ni-lông, trong đó là mấy nắm cơm với muối vừng.

Đứa trẻ vẫn vui vẻ mải mê với lon nước ngọt trên tay. Người đàn ông trẻ nhìn chăm chăm cảnh tượng ấy, tay xiết chặt vạt chiếc áo len xám đang mặc trên mình. Chiếc áo len ấm áp lan tỏa từ bàn tay sưởi ấm lòng anh. Anh đã từng làm khổ mẹ còn nhiều hơn như thế. Bóng hình người mẹ ùa về ám ảnh anh.

Anh nhớ lại những ngày tháng ở trại giam chống chếnh và lạnh lẽo. Những buổi chiều mẹ tới tìm anh, nhẫn nhịn chờ đợi.

Bà nhìn anh cười ấm áp, trìu mến xua tan những u ám trong lòng anh; nhưng anh biết khi quay lưng lại, ra khỏi căn phòng nhỏ ấy, bà sẽ khóc. Bóng dáng bà nhỏ bé, bước thấp bước cao trên con đường về đầy đơn độc. Anh muốn trở về với mẹ, ở cạnh bà. Mùa đông về, những cơn gió lạnh lùa vào ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con có lẽ sẽ trống trải lắm; nhưng những bức tường này, những tội lỗi đã qua vẫn ngăn trở trước mắt. Vậy mà giờ đây, khi có được tự do, anh lại rời bỏ bà...

Cứ thế, tất cả ùa về làm mắt anh cay như gặp khói. Chiếc áo len ấm áp như bàn tay người mẹ vẫn vuốt ve, ôm ấp và che chở anh. Tàu đã đi được rất xa. Anh quay sang người đàn ông lớn tuổi. Ông có thể đợi anh. Người đàn ông trẻ xuống tàu ở ga kế tiếp. Anh mua chiếc vé để quay trở lại. Ở nhà, mẹ anh vẫn đang chờ.

---------------------