Chênh chao phố Hội

Nếu vẽ một bản đồ du lịch của miền trung nói riêng và của cả dải đất chữ S nói chung, Hội An sẽ nổi lên như một chấm son thu hút khách bởi vẻ đẹp riêng có. Nhưng đô thị cổ vốn nép mình bên sông Hoài đang đối diện với bài toán phát triển du lịch bền vững, khi mà hồn phố đã phôi pha ít nhiều…

Những chiếc đèn lồng tô điểm phố bạc mầu với thời gian, cũng như nỗi lòng nhớ hồn phố của cư dân phố Hội.
Những chiếc đèn lồng tô điểm phố bạc mầu với thời gian, cũng như nỗi lòng nhớ hồn phố của cư dân phố Hội.

Khi Hội An nói “Không”

Tháng 7, trở lại Hội An, như gặp lại cố nhân, quen là thế mà cũng xa lạ thế. Vẫn những phố dài, vẫn những ngôi nhà nép vào nhau khiêm nhường, năm tháng phủ mầu trên mái ngói lô xô, trên cả những mầm xanh len lỏi nơi kẽ mái. Ngay đến nắng, cũng vẫn một sắc mầu mê mải, rót mật tràn những bức tường quét vôi vàng rực… Nét kiến trúc đặc thù của phố Hội vẫn được gìn giữ dù cho năm tháng qua đi cùng những mùa nước ngập dâng lưng lửng các ngôi nhà.

Nhưng về với phố, cảm nhận sự nghiệt ngã của “vật đổi sao dời” cũng lớn dần lên. Những cửa hàng san sát mặt phố, như nét bút miết mạnh, lấy đi nét duyên, nhấn nhá của từng ngôi nhà. Chỉ còn lại những bảng hiệu khoe ra, cố gắng cho khác biệt và thu hút từ ánh nhìn đầu tiên. Xưa, đến với phố cổ sẽ mê mải với những cửa hàng làm đèn lồng, ngắm say sưa bàn tay người thợ thủ công đan khung, phết hồ, dựng vải… Giờ, đèn lồng chỉ còn mang nghĩa trang trí cho phố, không hiếm đèn mốc thếch và tơ tướp. Những cửa hàng đồ da, quần áo thời trang lấn dần và ken dày mặt phố. Rồi những quán cà-phê cũng xuất hiện nhiều hơn…

Sắc diện phố soi thấu những biến chuyển ở tầng sâu hơn, chạm đến tâm thức của chủ thể phố cổ Hội An. Đã thành lệ, khi mặt trời bắt đầu lên, cũng là lúc những cánh cửa gỗ gọi nhau cót két mở ra đón ngày mới. Chủ những ngôi nhà ấy sẽ dành cho nhau lời chào, sẽ ngồi ngay bên bậu cửa trò chuyện hay ngóng hàng gánh quen về qua phố để mua những món đồ tươi ngon cho ngày mới. Họ chẳng bao giờ phải vội, cứ thủng thẳng như thể ngày sẽ còn rất dài.

Nhịp sống chầm chậm ấy vẫn ăn sâu vào bác Nguyễn Đình Thanh, chủ một quán cà-phê xinh xắn trên đường Trần Phú. Không nhất định phải mở hàng từ 6 giờ sáng, nhưng bác Thanh vẫn đánh thức ngôi nhà từ khi trời đất còn tờ mờ. Quanh bác phố vắng tanh, với những ngôi nhà cửa đóng then cài, không còn ai để trò chuyện. Đứng nhìn xa hút về cuối phố, chỉ thấy một cụ ông đã già lắm ngồi hóng nắng trước hiên nhà mà thôi.

Bản tính người phố Hội vốn hiếu khách, hiền lành, vậy nên, bác không bao giờ từ chối những du khách muốn đi tìm lại hồn cốt của Hội An vào những sáng tinh mơ, muốn ghé quán chỉ để chụp vài bức ảnh đẹp. Bác khiến tôi nhớ đến câu khẩu hiệu đọc được trên đường dẫn vào Hội An, đại ý, mỗi người dân Hội An sẽ là một người đồng hành của khách du lịch.

Đời sống đã đổi thay khi mà chủ nhân của phố cho thuê hoặc bán lại những ngôi nhà mặt phố của mình cho những người ngụ cư tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chuyện ấy, cũng khiến cho việc bán - mua đồ ở Hội An không còn chân chất, thuần như vốn thế… Dẫu chỉ là sự chuyển giao sở hữu ở một số nhà mặt phố, nhưng sự tác động của nó lại len lỏi vào tận những ngóc ngách hun hút bàn cờ của vùng lõi phố trung tâm. Những người hoặc đã chọn lùi ra ngoại ô để sinh sống hay những người vẫn còn bám lại với phố, đều có chung một tâm trạng mất mát những giá trị rất sâu sắc gắn kết từ bao đời của cư dân phố Hội.

Sự tĩnh tại thâm trầm của Hội An giờ chỉ còn được vài tiếng trước bình minh, còn lại đa phần thời gian nơi này nhìn đâu cũng thấy sự đông đúc, sôi động. Vậy nên, những người gốc Hội An có một niềm vui chung khi được hỏi về quyết định của thành phố khi không chấp nhận dự án cáp treo vượt sông Thu Bồn với mức đầu tư khủng hơn 2.000 tỷ đồng. Đó cũng là bản lĩnh biết nói “Không” trước một dự án có thể phá hỏng kiến trúc và đặc trưng văn hóa của đô thị cổ.

Chỉ trong 10 năm qua, tổng lượng khách đến Hội An đã tăng 191% với tốc độ phát triển bình quân là 12,61%. Phố Hội đã đạt đến sự giới hạn của sức chịu đựng trước sức ép từ sự tăng trưởng nóng của du lịch.

Chênh chao phố Hội ảnh 1

Những chiếc rớ vàng rực được cất lên mỗi sáng mai khiến cho dòng sông Thu Bồn đẹp như bức họa. Ảnh: NSNA HUỲNH HÀ

Để mỗi người Hội An là một sứ giả du lịch

Không phải ngẫu nhiên mà tờ Huffington Post với 35,6 triệu lượt truy cập trên toàn cầu đã bình chọn Hội An là một trong 50 thành phố, du khách phải đến ít nhất một lần trong đời. Và nếu tìm kiếm trên Google, chỉ cần 0,53 giây đã có hơn 287 triệu kết quả tìm kiếm địa danh này.

Du lịch thật sự đã trở thành “cây đũa thần” giúp cho Hội An đổi thay từ con số tăng trưởng kinh tế - xã hội cho đến mức sống của người dân. Sẽ không khó để Hội An hiện thực hóa mục tiêu khá tham vọng, đạt 3 triệu 780 nghìn lượt khách trong năm 2018. Nhưng sẽ là thách thức để giữ cho Hội An sự hấp dẫn riêng có, điều khiến cho du khách trong và ngoài nước đã đến rồi sẽ còn mong trở lại.

Nếu điểm về loại hình du lịch, Hội An quả là không thiếu gì, nào là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm các loại thể thao biển đảo, du lịch sinh thái hay du lịch làng nghề, cộng đồng… Nhưng đi vào sâu từng loại hình lại thấy chênh chao ít nhiều.

Đến với làng gốm Thanh Hà hôm nay, đường không quá xa trung tâm, nhưng mức độ hấp dẫn thì gần như không còn gì. Ngay cổng làng là một khu trưng bày mang tính trình diễn bán vé vào cửa, đi sâu vào làng chỉ gặp một số hộ dân đang còn làm nghề và bày bán những con giống đất nung nghèo nàn mẫu mã. Ông Nguyễn Văn Ngữ, đã ba đời làm gốm dân dụng của làng, chép miệng nuối tiếc, từ một làng nghề tối ngày đỏ lò, giờ đây Thanh Hà đâu còn được khoảng năm gia đình giữ nghề chuyên nồi đất như nhà ông, còn lại khoảng 50 hộ làm các con giống bán phục vụ du lịch. Lợi nhuận thu hút từ nghề gia truyền không đủ hấp dẫn những đứa con, đứa cháu của làng. Làng gốm Thanh Hà dần lay lắt dù vẫn được đưa vào danh mục điểm đến của du lịch Hội An.

Hay như mô hình du lịch cộng đồng được đánh giá cao ở Triêm Tây, sau một thời gian hoạt động cũng đã giảm sút sức hấp dẫn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Hà, một người con của Hội An, cho rằng, người dân của làng đóng vai trò chính trong việc giữ cho cuộc sống ở Triêm Tây mang nét dân dã vốn có. Nhưng họ lại chưa được bồi dưỡng để nâng cao kiến thức về kinh tế, về du lịch, hầu như mới làm theo những mô hình được xây dựng sẵn…

Du lịch Hội An đang thiếu đi động lực tăng trưởng bền vững. Ở góc độ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, lời đề nghị được đưa ra vẫn quanh chuyện xúc tiến nhanh việc bán vé tham quan điện tử nhằm tạo nguồn quỹ cho việc trùng tu di sản và tạo thêm kênh thông tin, đa dạng phương thức tuyên truyền cho du lịch phố Hội. Từ khóa cũng được nhắc đến nhiều chính là “cơ chế”, làm sao thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm du lịch mới? Sức hấp dẫn đến từ việc điều chỉnh quy hoạch du lịch, từ tạo quỹ đất… Đó ắt hẳn đều là việc cần phải tính đến.

Nhưng tiếc thay, dấu ấn văn hóa khó tránh được phai phôi bởi sự vắng mặt của những con người làm nên khí chất của phố Hội ngày nào? Tôi đã có một buổi ngồi trong căn nhà cổ ở phố Nguyễn Thái Học, trụ sở chính của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thành phố Hội An. Từ khoảng sân giếng trời nhìn ra phố, thấy cả một sự tương phản giữa phố đông và gian trưng bày vắng. Người ghé vào đã ít, người mua lấy bức ảnh chắc còn hiếm hoi hơn. Liệu có khi nào, những dấu ấn kiến trúc cổ và đời sống chân thực nhất của người dân Hội An, chỉ còn lại ở những bức ảnh nằm buồn trên kệ giá kia không?

Dòng người vẫn dạo bước, lướt qua khung cửa. Ở sâu trong khoảng sân này, người nghệ sĩ nhiếp ảnh luống tuổi thở dài! Mỗi người Hội An trở thành một sứ giả du lịch, điều ấy liệu có được thật sự tính đến trong chiến lược phát triển du lịch của đô thị cổ?

Một khi đã đủ bản lĩnh nói “Không” với dự án hàng nghìn tỷ thì cũng cần đến cách nhìn nhận khác biệt trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa.