Câu chuyện "rườm rà" của ký ức

Một trong những khoảnh khắc làm tôi cảm thấy kinh ngạc trước sức mạnh của từ "Tết" là cuộc nói chuyện qua chat, với một người bạn đã lâu không gặp. Anh đã sống ở châu Âu hơn một thập niên, làm về công nghệ thông tin, biết bốn thứ tiếng, và trên Facebook của anh, toàn là bạn bè năm châu bốn bể vào bình luận. Một công dân toàn cầu đích thực.
0:00 / 0:00
0:00
Tết rồi. Ảnh: Hoàng Mạnh Cường
Tết rồi. Ảnh: Hoàng Mạnh Cường

Giữ hay bỏ Tết?

Câu chuyện cũng không có gì. Giữa không khí "quốc tế hóa" của trang Facebook ấy, vào một ngày cận Tết, anh đăng hình một cành đào. Tôi bình luận vu vơ, gợi nhớ chuyện anh em ăn Tết ở Việt Nam. Anh vào chat riêng với tôi, và hóa ra con người tưởng chừng đã thành công dân toàn cầu ấy trở nên sôi nổi đặc biệt khi nhắc đến những ký ức ấy.

Một người bạn khác sống ở Nhật Bản đã chín năm thì cứ đến gần Tết lại tất tưởi chạy ra combini (cửa hàng tiện lợi) để mua cho đủ từ giò, nem, và lùng sục nguyên liệu lẫn… củi, để nấu một nồi bánh chưng nguyên đêm. Phải là nấu củi. Ngoài trời. Và cố canh cho đến sáng. Tuổi thơ của anh đã đi qua với nhiều đêm như thế.

Họ đã sống ở nước ngoài đủ lâu để được coi như một người bản xứ ở nơi mình cư trú, nhưng các ký ức về Tết đơn giản là không thể bị ghi đè lên. Vào thời khắc thích hợp, một cành đào, nồi bánh chưng, hay đơn giản là lời hỏi thăm "ăn Tết năm nay ra sao" từ quê nhà, cũng đủ kích hoạt các nghi thức.

Các cuộc thảo luận xã hội liên quan đến bỏ hay giữ Tết ta vẫn thỉnh thoảng lặp lại, khi Tết Nguyên đán cận kề. Mọi vấn đề vẫn y nguyên. Tai nạn gia tăng do rượu bia. Tệ nạn cờ bạc dịp Tết. Năng suất lao động kém sau kỳ nghỉ Tết dài, lệch pha "điểm rơi" phong độ so thế giới nói chung...

Nhưng, nghĩ về những người bạn đã tìm cách giữ lại các manh mối về Tết cổ truyền, bất chấp việc họ đã rời xa đất nước quá lâu, có thể khiến chúng ta nhận ra rằng các tranh luận kiểu đó đang bế tắc đến mức nào. Tết không cần ai phải đứng lên bảo vệ nó, một khi vẫn còn những người đã lớn lên với các câu chuyện và ký ức về nó.

Đêm Giáng sinh, tôi và gia đình đã mua một cây thông nhỏ và cùng trang trí nó thật rực rỡ. Nhưng có gì đó vẫn khiến sự duyên dáng của nó thiếu đi vẻ tròn trịa của một bông hoa đào nở đúng ngày.

Dưới một cành đào to trong phòng khách, hoặc ngoài hiên, ở bất kỳ nhà một người họ hàng nào, tôi đã ngồi đó nhiều năm về trước, cắn hạt dưa, và lắng nghe các câu chuyện. Từ những sáo ngữ như "Năm nay làm ăn tốt không?", "Sức khỏe ra sao?", "Bao giờ lấy vợ/chồng?"... cho đến các cuộc trò chuyện về tương lai, thành công, thất bại và những sẻ chia vui buồn.

Nói chuyện với nhau đòi hỏi mọi người không chỉ thực hiện những gì họ làm, mà còn diễn đạt chúng thành lời. Một chú khỉ cũng biết bóc chuối ăn, nhưng chỉ có con người mới nghĩ trong nội tâm rằng "ta sẽ bóc vỏ trái chuối này và ăn", cũng như hướng dẫn một đứa trẻ làm thế, nếu chúng chưa biết cách.

Bằng cách trò chuyện, chúng ta chia sẻ thông tin và kết nối với người khác, chuyển mọi sự kiện trong cuộc sống của một người thành một phần của các diễn ngôn tập thể và câu chuyện xã hội. Tâm trí của chúng ta tiến hóa không ngừng trong quá trình này: Bạn bắt đầu bằng những sự kiện và đồ vật riêng lẻ, đặt chúng trong một bối cảnh nhất định, chứng kiến như một thói quen, rồi mở rộng khuôn khổ, hình thành ký ức, và đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa thật sự của chúng.

Hồi ức và những câu chuyện kể

Tết, cũng như nhiều khái niệm tinh thần khác, không tồn tại trong tự nhiên. Chỉ có con người mới tiến hành một chuỗi nghi thức tập thể để kết thúc vòng quay của một năm. Bạn không nghĩ về Tết như một thứ có hình hài đích thực, nhưng có thể lần theo dấu vết của nó trong suốt cuộc đời. Những người bạn của tôi không sống ở Việt Nam đã lâu, nhưng trong thâm tâm họ, cành đào và bánh chưng vẫn nằm trong danh sách ưu tiên, mỗi khi họ cần tìm một điều gì đó có ý nghĩa vào cuối năm.

Có lẽ vì xã hội hiện đại là một vector chỉ về tương lai, với các cuộc phấn đấu và chạy đua không ngừng, còn Tết là một dịp hiếm hoi để chúng ta sống hướng về quá khứ, một cách trọn vẹn. Những người con xa quê về lại nơi họ đã ra đi. Con cháu thắp hương lên ban thờ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Gia đình sum họp, sau một năm bận rộn đến nỗi có rất ít cơ hội để gặp mặt đầy đủ. Các cuộc trở về này đôi khi đau đớn: không phải ai cũng thành công. Có những người đã thất bại hoàn toàn, nhưng cuối cùng thì họ biết, mình vẫn còn một nơi để về.

Tôi lớn lên giữa các cuộc xung đột nhỏ về văn hóa của thế hệ đi trước và Gen Z sau này. Một bên luôn muốn Tết phải giữ đúng hình hài xưa cũ của nó, còn một bên muốn bỏ đi các nghi lễ, hủ tục mà họ coi là rườm rà, hình thức. Những người trẻ giờ có thể không ở nhà ngày Tết, thậm chí không thực hiện nghi lễ cúng vào Giao thừa, mà ưu tiên đi chơi xa. Cỗ bàn và nghi thức là những gì vất vả, rắc rối, và rời bỏ nó đem lại niềm vui, sự thoải mái cá nhân.

Khi ngày càng nhiều người chọn cách thứ hai hơn, nếu bạn là một người thuộc phía "bảo thủ", bạn có thể lo ngại rằng bản sắc của Tết cổ truyền sẽ nhạt nhòa. Nhưng có lẽ mọi chuyện không đơn giản như thế. Nhà tâm lý học người Áo - Viktor Frankl, tác giả cuốn sách Con người tìm kiếm ý nghĩa (năm 1946) đã đưa ra một danh sách mục tiêu đời người mà ông cho rằng nếu thiếu đi chúng, con người sẽ cảm thấy trống rỗng.

Thứ nhất là bản năng duy trì nòi giống, thứ hai là văn hóa, và thứ ba là lựa chọn cá nhân. Điều thứ nhất là cách thức duy trì cuộc sống của chúng ta. Điều thứ hai, văn hóa, cho bạn biết thứ gì có giá trị và quan trọng. Điều thứ ba, cho bạn quyền lựa chọn, cho phép bạn tạo ra ý nghĩa cuộc đời mình. Thứ làm chúng ta tranh cãi nhiều nhất chính là yếu tố thứ ba: lựa chọn cá nhân. Có nhiều người thậm chí còn cố gắng đi ngược lại với những gì mà số đông của nền văn hóa đã lựa chọn. Bạn thích ở nhà nấu cỗ không có nghĩa là tôi cũng thế.

Nhưng một lựa chọn cá nhân thường sẽ quay về cái gốc văn hóa đã làm nên họ. Hai người bạn tôi đề cập ở đầu bài viết gần như không còn một mối liên hệ gì ở Việt Nam: Công việc của họ diễn ra trên toàn cầu, còn người thân thì hầu hết đã theo họ ra nước ngoài. Khi còn trẻ, họ, cũng như tôi, bắt đầu hành trình của mình bằng việc phủ định các giá trị cũ: cái này rườm rà, cái kia không quan trọng lắm, Tết miễn sao vui vẻ tiện lợi là được. Đi chơi thì thích hơn là lo lễ lạt, cúng bái.

Nhưng bởi vì sự thật khách quan là cành đào, mâm cỗ và chiếc bánh chưng đã khắc rất sâu vào ký ức chúng ta, nên sau khi đi nửa vòng Trái đất và một nửa cuộc đời, bạn có thể đã nhận ra rằng rốt cuộc mình vẫn cần sự "rườm rà" này, để tự kể lại câu chuyện đời mình. Trong một đêm thức gói bánh chưng, quá khứ có thể sống lại, sinh động và vẹn nguyên như nhiều năm về trước, đầm ấm và ngọt ngào.

Pizza và KFC mua ở các cửa hàng đồ ăn nhanh, dù nóng hổi, không thể tạo ra những cảm giác kiểu ấy. Có lẽ vì các hồi ức không phải thứ có thể dễ dàng khuấy lên bằng các phong trào thời thượng. Chúng âm thầm tích lũy, nằm yên ở đâu đó, và trồi lên lúc chúng ta cần một điểm tựa nào đó vững chắc để cảm thấy rằng cuộc đời này có ý nghĩa.

Tết sẽ luôn có một vị trí đặc biệt với mỗi con người, nếu các hồi ức ấy vẫn sống, dù bạn ở đâu, dù là trong cành đào, bánh chưng, hay một vật thể nào đó mới trong tương lai... Tết, rốt cuộc, là một dịp để nhắc lại rằng chúng ta đã có những ngày bên nhau như thế nào.