Thu phí du lịch

Cần nhất là công khai, minh bạch

Cộng đồng thường dậy sóng và hình thành những luồng dư luận trái chiều, như một phản ứng quen thuộc tức thời khi nghe tin bất cứ điểm đến du lịch nào đó rục rịch triển khai hoạt động thu phí, dù sự cần thiết của khoản phí này là điều dường như không cần bàn cãi.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp hùng vĩ của Công viên đại chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh | Dongvangeopark
Vẻ đẹp hùng vĩ của Công viên đại chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh | Dongvangeopark

Nhìn từ trường hợp Khu phố cổ Hội An vài tháng trước hay Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn mới đây, hoạt động này chỉ có thể nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, khi mọi thông tin liên quan đều bảo đảm tính công khai và minh bạch.

Cứ thu phí là nảy sinh tranh luận

Cuối tháng 6 vừa qua, hình thức thu phí thông qua lượt lưu trú (người lớn từ 20-40 nghìn đồng/đêm và trẻ em từ 10-20 nghìn đồng/đêm) mà Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia trong khuôn khổ một buổi tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch mới đã ngay lập tức nhận được những phản hồi đa chiều.

Phía dưới bài viết đăng tải trên VNExpress, ngày 24/6/2023 trích dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Guy Martini, “Giờ mới tính thu phí vào cao nguyên đá Đồng Văn là quá chậm”, độc giả đã để lại hàng trăm bình luận.

Tài khoản Tôi yêu Việt Nam gay gắt, muốn phát triển du lịch mà lại tính thu phí, khách đến Hà Giang vì chi phí rẻ, giờ thu phí thì không ai đến nữa đâu”.

Với độc giả tltduy92, “của tạo hóa chứ có bỏ tiền làm nên đâu mà thu”.

Tài khoản Bình luận bổ sung điều kiện đi kèm, “thu phí cũng được nhưng phải đảm bảo sạch sẽ, không bị xây dựng lấn chiếm và không được chặt chém du khách”.

Còn bạn Rainbow bày tỏ thái độ ủng hộ, “tôi đồng ý thu phí, việc này giúp du khách nhận thức được việc cần đóng góp để phát triển cho di tích”.

Trung tuần tháng 4, thông tin thu phí vào khu phố cổ - vùng lõi của di sản Hội An với hai mức 80 nghìn và 120 nghìn đồng (cho khách Việt Nam và khách quốc tế) từ ngày 15/5 cũng đã kịp làm dậy sóng truyền thông, với đa chiều ý kiến phản hồi được liên tục đăng tải.

Doanh nghiệp lữ hành lo gánh nặng chi phí phát sinh, chuyên gia băn khoăn về “chính sách hai giá hiện đã lỗi thời”, khách du lịch thì băn khoăn vì cũng vào phố cổ nhưng “nơi thu, nơi không”, người dân thì thắc mắc “chẳng nhẽ vào thăm người thân, ăn quà sáng cũng phải trả phí”, các hộ kinh doanh sợ lượng khách sụt giảm, vì đang giai đoạn khó khăn cần thắt chặt chi tiêu...

“Thu phí vốn được áp dụng phổ biến ở mọi quốc gia, nhằm mang lại nguồn bổ sung tài chính cho các địa phương, vùng lãnh thổ sở hữu di sản” - Ông Guy Martini. Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Chung quy chỉ tại “hiểu lầm”!

Nhưng cũng từ những cuộc tranh cãi “liên tu bất tận” này, những thông tin cụ thể, những nguyên nhân-lý do-luận điểm-chứng cứ để thuyết phục người dân mới dần được hé lộ.

Với Công viên địa chất, lời giải thích mà đại diện Ban quản lý đưa ra đầy thuyết phục, rằng nguồn lực đầu tư từ trước tới nay đều sử dụng ngân sách địa phương nhưng với xu thế phát triển của di sản địa chất độc đáo này, nếu chỉ trông chờ duy nhất nguồn này sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Đặc biệt là hệ thống tiêu chí và khuyến nghị ngày càng cao của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đang khiến chi phí đầu tư hạ tầng, quảng bá, bảo tồn và quản lý đều tăng theo. Khoản tiền chi cho mỗi kỳ tái thẩm định rồi sẽ vượt qua năng lực chi trả của tỉnh.

Không nhiều người biết, hiện du khách say mê vẻ đẹp Hà Giang mới chỉ phải trả phí tham quan tại 3/40 điểm đến đặc sắc mà cao nguyên đá đang sở hữu: Động Lùng Khúy (Quản Bạ), Dinh thự nhà Vương cùng Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Một Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam, thu hút gần 2,3 triệu lượt khách năm 2022 mà chỉ thu được số tiền 17,2 tỷ đồng (sau khi nộp ngân sách) trong cả 4 năm (2017-2021).

Nếu mỗi du khách chỉ bỏ thêm vài chục nghìn cho mỗi đêm lưu trú, dự tính di sản toàn cầu này có thể thu về 70 tỷ đồng với ước tính 1,78 triệu khách có thể thu phí trong năm 2024. Đó cũng là cách để Hà Giang nâng cao nguồn lực nhằm tái đầu tư, nâng cao nhận thức về giá trị di sản, phân loại du khách mục tiêu và giúp điều hướng, giảm quá tải du khách cục bộ; tạo công bằng trong sử dụng, tiêu dùng tài nguyên du lịch, di sản.

Mức phân chia nguồn thu phí được công bố cụ thể: UBND các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách Nhà nước 60%. Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.

Với Khu phố cổ Hội An, sau những tranh cãi gay gắt, nhiều người mới nhận ra mình đang “hiểu lầm”. Hóa ra khoản phí này đã tồn tại từ nhiều năm nay, thông báo mới kể trên chỉ để chấn chỉnh việc trốn tránh nghĩa vụ mua vé của một số đối tượng. Sự chênh lệch hai giá không hướng tới phân biệt hai đối tượng du khách nội-ngoại mà nhằm phục vụ nhu cầu đặc thù của từng nhóm khách.

Người nước ngoài bỏ 120 nghìn đồng sẽ được ngắm khung cảnh chung không gian di sản, xem chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, tham quan 1 di tích Nhà nước và 3 di tích tư nhân trong danh mục 24 điểm nhấn của đô thị cổ. Mức 80 nghìn đồng cho khách nội địa có số di tích được thưởng lãm tương ứng là 1 và 2.

Và “giá vé” không phải là nguyên nhân mà chính việc phân luồng thế nào để thu phí đúng và đủ mới là chủ đề gây tranh cãi. Thông tin từ đại diện chính quyền khẳng định, Hội An chỉ chủ yếu kiểm soát khách đoàn, khách lẻ hoặc đi tự túc theo nhóm nhỏ (không có hướng dẫn viên) chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc mua vé.

Phần lớn nguồn thu từ bán vé sẽ sử dụng vào mục đích bảo tồn, trùng tu các di tích vốn rất đỗi mong manh sau những trận lụt thường niên của Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, nó sẽ được trích một phần để hỗ trợ nhà cổ tư nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức hoạt động nghệ thuật hỗ trợ phát triển du lịch.

Cần nhất là công khai, minh bạch ảnh 1

Khu phố cổ Hội An đã trở thành điểm nhấn hấp dẫn trong bộ phim A Tourist’s Guide to Love. Ảnh | Netflix

Hiểu đúng thì sẽ đồng thuận

Từ hai thí dụ mang tính thời sự kể trên, dễ dàng nhận ra nhiều lỗ hổng trong lộ trình đưa một chính sách (dự kiến, đang ở dạng đề xuất, chờ xin ý kiến) của một cơ quan, đơn vị quản lý đến với người dân. Yếu tố công khai, minh bạch, đúng và đủ về thông tin dường như chưa được xem trọng đúng mức.

Thông tin thu phí tại hai điểm đến vô cùng hấp dẫn kể trên nhanh chóng tràn ngập các phương tiện truyền thông, ngay sau khi mốc thời gian bán vé vào Khu phố cổ Hội An được ban hành hay cuộc tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch mới tại Hà Giang vừa kết thúc. Một làn sóng phản đối, chỉ trích cùng ý kiến trái ngược xuất hiện cùng lúc khiến dư luận hoang mang. Sau quá trình tác nghiệp nhanh nhạy, nhiệt tình của đội ngũ phóng viên, những chi tiết quan trọng, những lý giải chính thống, những phương án đang cân nhắc lựa chọn... mới dần dần “lộ sáng”.

Như thừa nhận của Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn với báo Giao thông, “do thành phố chưa tiến hành đầy đủ các bước tuyên truyền, từ đó chưa đưa ra được thông tin đầy đủ khiến dư luận tranh cãi trong thời gian qua”, việc người dân “hiểu lầm” được đề cập ở trên là hoàn toàn dễ hiểu.

Thông tin chi tiết về hiện trạng, sự cần thiết bổ sung nguồn kinh phí để vận hành, bảo tồn và nâng cao giá trị của Công viên địa chất Đồng Văn chỉ có thể cung cấp nhỏ giọt, sau khi mức phí được đưa ra bàn thảo chính thức cũng là một cách thực thi vội vã, gây bất lợi.

Giá như tất cả những cái gạch đầu dòng cần thiết đều được công bố rộng rãi, để lắng nghe-thu nhận đóng góp và chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi chính thức ban hành thì sẽ tránh được những hệ lụy không đáng có kể trên.

Việc thu phí tham quan tại các điểm đến du lịch được coi là điều đương nhiên trên khắp thế giới. Nói như ông Guy Martini, “thu phí vốn được áp dụng phổ biến ở mọi quốc gia, nhằm mang lại nguồn bổ sung tài chính cho các địa phương, vùng lãnh thổ sở hữu di sản”.

Du lịch hiện nay đã trở thành niềm đam mê của số đông dân chúng, nhận thức về trách nhiệm đóng góp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản đã trở nên phổ biến với số đông du khách, cả trong và ngoài nước. Như tài khoản Linh Cua chia sẻ, “là người năm nào cũng đi Hà Giang, tôi thấy trả phí để gìn giữ cao nguyên đá sạch đẹp là thật sự cần thiết. Khách nước ngoài ủng hộ còn khách Việt chê là một nghịch lý, có lẽ do ý thức khách Việt chưa cao và thường đòi hỏi miễn phí”.

Nhưng muốn đông đảo du khách đồng lòng ủng hộ, họ phải được cung cấp đầy đủ mọi dữ liệu, từ lý do - cách thức thu và cách thức sử dụng nguồn thu. Minh bạch được tất cả những yếu tố này và chứng minh được sự cần thiết, hợp lý theo một cách thức thuyết phục hoàn toàn, người dân sẽ sẵn sàng “mở ví”.