Vũ điệu biến ảo trên đá

NDO -

“Hàng triệu động tác múa duyên dáng làm rung động lòng người, khiến những con mắt người xem không bao giờ biết mỏi, khiến mọi tâm hồn bay bổng và mọi con tim thổn thức” - một thi sĩ đã từng tụng ca vẻ đẹp của những vũ công trong vũ điệu Apsara như thế. Đến với quần thể kiến trúc Angkor, du khách sẽ bắt gặp Apsara ở khắp mọi nơi, sẽ choáng ngợp trước những vũ điệu trên đá tuyệt mỹ, những hình hài thiếu nữ sống động được bàn tay sáng tạo của người xưa gửi gắm cả khát vọng tình yêu cùng những đam mê trần thế vào chốn đền đài linh thiêng.

Vũ nữ Apsara tại Angkor Thom.
Vũ nữ Apsara tại Angkor Thom.

Quần thể kiến trúc Angkor được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1992. Năm 2003, cũng chính tổ chức uy tín này đã đưa vũ điệu Apsara vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Apsara, nghệ thuật múa cung đình của người Campuchia vốn là một biến thể của nghệ thuật múa cung đình Ấn Độ, có nguồn gốc từ nhân vật Apsara (những nàng tiên chuyên biểu diễn cho các vị thần) trong truyền thuyết Hindu giáo. Ra đời cách đây ít nhất 2.000 năm, những hình ảnh đầu tiên của điệu múa Apsara được lưu lại trên nhiều phù điêu trang trí ở các ngôi đền cổ kính nhất Campuchia. Chọn Angkor là điểm đến, khách du lịch sẽ có cơ hội khám phá vũ điệu đặc sắc, vốn chỉ dành cho các thành viên hoàng tộc cùng quan lại trong triều đã được người xưa kỳ công lưu giữ bằng những đường nét chạm khắc tài hoa khắp các đền đài - những bảo tàng điêu khắc đá trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử.

Angkor, theo tiếng Phạn có nghĩa là “kinh đô”. Angkor Wat (Wat: chùa) nằm gọn trong quần thể kiến trúc Angkor được Đế chế Khmer xây dựng từ thế kỳ VI tới thế kỷ XV. Với năm ngọn tháp (tháp chính trung tâm cao 65 m tượng trưng cho ngọn núi Meru - nơi ở của các vị thần thánh) được xếp thành ba tầng (tượng trưng cho Địa ngục - Trần gian và Thiên đường), Angkor Wat có tới 398 phòng được nối với nhau bởi 1.500 hành lang. Có chu vi xấp xỉ 6 km, diện tích khoảng 200 ha, công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp vào hàng tuyệt đỉnh này đã từng bị rừng già bao phủ gần bốn thế kỷ. Phải tới năm 1859, Henry Mouhot - nhà thám hiểm người Pháp trong chuyến ngược dòng Mekong đã tình cờ phát hiện ra quần thể đền đài bằng đá độc nhất vô nhị của nhân loại này. Cố đô Angkor Thom được coi là thành phố lớn nhất thế giới thời tiền công nghiệp và trải dài trên một diện tích gần 1.000 km2. Angkor Thom trong tiếng Khmer nghĩa là thành phố vĩ đại. Chính cái tên đã bộc lộ hết được sự to lớn, hùng vĩ của quần thể kiến trúc phức hợp này. Nếu Angkor Wat thể hiện được chiều sâu văn hóa thì Angkor Thom chính là một minh chứng hùng hồn thể hiện sức mạnh của người Khmer. Với hơn một nghìn đền đài, trung tâm kinh thành chính là ngôi đền Bayon với 216 gương mặt mang nụ cười bí ẩn được tạc trên 54 khối đá lớn.

Lang thang khám phá các đền đài bằng đá sa thạch nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Angkor, với những đường nét chạm khắc cùng họa tiết tinh xảo, sắc nét và sống động đến ngỡ ngàng. Mỗi mảng tường, mỗi góc khuất, mỗi bậc tam cấp đều có thể khiến ta bất ngờ bằng những tuyệt tác điêu khắc bí ẩn.

Nếu Angkor Wat thể hiện được chiều sâu văn hóa thì Angkor Thom chính là một minh chứng hùng hồn thể hiện sức mạnh của người Khmer. 

Vũ điệu Apsara nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ nhẹ nhàng. Các vũ công mặc trang phục bó sát người mầu sáng và váy sampot, mũ hình các ngọn tháp mầu vàng được trang trí vô cùng công phu, trình diễn các động tác múa chậm và tinh tế cùng với dàn nhạc “pinpeat”. Các động tác tay, các thế chân uyển chuyển, dáng hình mềm mại. Thoạt trông có vẻ nhẹ nhàng nhưng đó là kết quả của rất nhiều tháng ngày luyện tập khó nhọc. Qua điệu múa, người dân Campuchia muốn nói lên ước mong về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, thần thánh và công đức của người xưa.

Theo thống kê, chỉ riêng Angkor Wat đã sở hữu tới 1.700 hình hài vũ nữ. Thoạt nhìn, những động tác múa, tư thế cho tới gương mặt, trang phục của các nghệ sĩ biểu diễn trông khá giống nhau nhưng quan sát kỹ hơn, bạn sẽ ngạc nhiên khi không thể tìm được một hình ảnh giống hệt. Đặc biệt, ở nơi đây, bạn có thể bắt gặp cả vũ nữ cười với nụ cười khoe cả hai hàm răng (cổng bên phải từ ngoài vào) lẫn một người đẹp đang cắn lưỡi (góc đông nam của tầng ba). Dáng điệu, cử chỉ, khóe mắt, làn môi, những đôi tay mềm mại, những bộ ngực trần đều toát lên vẻ gợi cảm, những vũ công đẹp mê hồn trông sống động như sắp rời chất liệu đá để bước ra ngoài đời thật.

Bao thế kỷ đã trôi qua, vậy mà nhiều bí ẩn trong quá trình tạo tác công trình vĩ đại này vẫn chưa thể giải mã. Người xưa đã xây dựng Angkor ra sao? Làm cách nào để vận chuyển cả triệu tấn đá, rồi đưa những khối đá nặng nhất tới 65 tấn lên độ cao hàng chục mét để xây dựng, chạm khắc? Những tảng đá nặng vài trăm cân được xếp chồng khít lên nhau, không hề có chất kết dính, nhiều chỗ còn không nhìn ra chỗ ghép. Những tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ này được thực hiện theo bản vẽ tỉ mỉ từ trước rồi ráp thành từng khối để thi công hay ngược lại? Chạm khắc xong mới ráp thì phải cực kỳ chính xác, nếu quá trình vận chuyển làm sứt mẻ thì sửa chữa thế nào? Ráp nối xong mới bắt đầu chạm đục thì chấn động có thể gây đổ tháp. Mà nếu thế thì với những tác phẩm trên trần cao, thợ thủ công làm sao nằm ngửa để thi công cho nổi? Vào thời điểm mà kỹ thuật cũng như phong cách kiến trúc còn giới hạn, Angkor đã chứng tỏ quyền năng sáng tạo kỳ diệu của con người. Chính vì thế, công trình không chỉ dừng lại ở việc thờ phụng thần linh hay vương quyền mà còn là nơi lưu giữ tài hoa và tâm huyết của cả một dân tộc. 

“Giá trị nhất và cũng là điều vĩ đại nhất hiện diện ở Angkor Wat chính là những điêu khắc đá chạy trên các bức tường với tổng chiều dài tới hai cây số, mô tả tỉ mỉ và đầy mỹ cảm những tư thế, dáng điệu khác nhau của vũ công Apsara. Phải chăng những nghệ sĩ điêu khắc của cả nghìn năm trước đã tạc vào thời gian biểu tượng của muôn đời: Tình yêu và cái đẹp” - lời bình trong clip quảng bá du lịch Angkor.