Ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch:

Ngành du lịch đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về công tác chuẩn bị và những cơ hội cũng như rủi ro khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.

Ông Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: PV

Thưa ông, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng vì sao chúng ta quyết định mở cửa lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế vào thời điểm 15/3?

Đại dịch Covid-19 diễn ra trong hai năm qua và gây hậu quả nặng nề với ngành du lịch, nhưng chúng ta sẽ nhìn vào tương lai mới, ngành du lịch đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm rồi. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp đang thúc đẩy hoạt động du lịch trở lại. Chính trong đại dịch, mọi người có cơ hội nhìn nhận lại vai trò của ngành du lịch rất to lớn. Và nếu không khôi phục lại, ngành du lịch sẽ kéo theo hệ lụy rất nặng nề với tất cả các ngành kinh tế khác.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã triển khai những hoạt động để khôi phục du lịch, từ hoạt động đón khách nội địa, đến tham gia thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa phương. Bắt đầu từ ngày 15/3, theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Để mở cửa trở lại, chúng ta đã chuẩn bị một lộ trình rất dài và sự chuẩn bị rất kỹ, tuy nhiên, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Với nhiều nỗ lực, năm 2021, ngành du lịch Việt Nam mới phục vụ được 40 triệu lượt khách nội địa. Kết quả thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt con số 3.800 khách du lịch tính đến tháng 12/2021. Và thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2, đến thời điểm này chúng ta đã đón hơn 9.000 khách quốc tế, một con số chưa phải lớn nhưng có nhiều ý nghĩa. Chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán vừa qua, toàn ngành đã đón hơn 6,1 triệu khách du lịch nội địa. Đó là một minh chứng cho thấy du lịch mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch nhưng sẽ có sức bật nhanh nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt.

Chúng ta là quốc gia có tỷ lệ có độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên thuộc tốp đầu trên thế giới. Ý thức người dân trong thực hiện quy định phòng dịch 5k khá tốt, cùng với đó là công nghệ phòng, chống dịch, công nghệ trong sản xuất thuốc điều trị được thực hiện tốt. Tôi cho rằng đó là những căn cứ rất quan trọng để chúng ta có thể tiến hành mở cửa lại hoàn toàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những rủi ro mà trong các cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ cũng đã cân nhắc.

Đó là những rủi ro gì, thưa ông?

Đó là chúng ta chưa biết được có những biến chủng mới xuất hiện không và tác hại của những biến chủng đó như thế nào. Thêm đó, mặc dù chúng ta có độ bao phủ vaccine cao, tuy nhiên mức độ bao phủ vaccine giữa các địa phương không đồng đều, ngoài ra còn độ chênh lệch vaccine giữa các độ tuổi. Thực tế vừa qua cho thấy mở cửa các trường học, tỷ lệ học sinh F0 vẫn tăng cao, có trường mở ra phải đóng lại.

Mặt khác, mặc dù đã có những phương án để mở cửa du lịch, tuy nhiên mỗi một địa phương lại ban hành một phương thức phòng, chống dịch khác nhau, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch. Sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao phối hợp làm sao có kế hoạch mở cửa lại bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Phải thống nhất phương án phòng, chống dịch áp dụng trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai việc này sớm để cùng với các địa phương bảo đảm việc mở cửa diễn ra vững chắc, mở ra không phải đóng lại. Đây là vấn đề quan trọng.

Thưa ông, khi mở cửa du lịch, một điều rất được dư luận quan tâm là chính sách miễn thị thực song phương cho 88 nước và đơn phương 13 nước được thực hiện trước đại dịch Covid-19 có tiếp tục duy trì không?

Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như trước dịch Covid-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải để khôi phục chính sách miễn thị thực như trước đây, miễn thị thực song phương cho 88 nước và miễn thị thực đơn phương cho 13 nước. Đó là những địa bàn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Chỉ có biện pháp đó chúng ta mới có thể tăng cường năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang mở cửa lại du lịch.

Điều đáng mừng là mới đây Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao khẩn trương có tờ trình Chính phủ về việc áp dụng chính sách thị thực như trước khi có đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, vấn đề hộ chiếu vaccine cũng rất quan trọng vì du lịch không chỉ có đón khách quốc tế đến Việt Nam mà cả người Việt Nam ra nước ngoài. Chỉ có như vậy thì hàng không mới có lượng khách đi hai chiều có thể giảm giá vé, đáp ứng sự cân bằng khách in-out của chúng ta. Cho đến thời điểm này, mới có 15 quốc gia công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả hơn cần có những đề xuất mạnh mẽ hơn nữa để khai thác lượng khách dồi dào hơn nữa.

Thưa ông, đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty du lịch phá sản hoặc bị bào mòn nguồn lực. Giải pháp nào để phục hồi những tổn thương đó?

Sau hai năm chống dịch, toàn bộ cơ sở vật chất của ngành du lịch đã bị tổn thương nặng. Khi đến khảo sát những trung tâm du lịch lớn, chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ sở lưu trú bỏ không trong suốt thời gian dài, gây ra sự lãng phí rất lớn. Đáp ứng nhu cầu mở cửa lại, chúng ta cần nâng cấp cơ sở vật chất của ngành. Để làm việc này, các địa phương cũng cần hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thực hiện cho tới năm 2021, kéo dài tới hết năm 2023. Đó là các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…

Hơn 2,5 triệu lao động làm việc trong ngành du lịch hai năm qua đã sứt mẻ nặng nề. Đây là nguồn lao động được đào tạo bài bản, có chuyên môn nghiệp vụ, có ngoại ngữ, kỹ năng làm việc trong ngành rất tốt. Nhưng vì giãn cách xã hội, đội ngũ này phải đi tìm việc khác hoặc thất nghiệp. Bây giờ, làm thế nào để thu hút được họ quay lại? Đây chính là rào cản mà trong đợt phục vụ du khách dịp Tết vừa rồi đã bộc lộ rõ, đồng thời cũng là một phép thử của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Nhiều cơ sở lưu trú có lượng buồng phòng lớn, khách du lịch đến đông nhưng không đáp ứng được vì không có nhân lực.

Sau hai năm đại dịch, nay mở cửa cạnh tranh điểm đến sẽ hết sức khốc liệt, ngành du lịch Việt Nam cần làm gì để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm?

Đúng là hiện nay vấn đề cạnh tranh điểm đến rất khốc liệt. Kể cả những điểm đến nổi tiếng thế giới sau dịch Covid-19 đều đứng ở vạch xuất phát. Vừa qua Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã giúp chúng tôi xây dựng bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh điểm đến. Bước đầu đánh giá thử ở 15 địa phương, và dần dần sẽ trở thành một trong những tiêu chí đánh giá được chất lượng điểm đến và cũng là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp trong ngành du lịch nhìn vào đó hoàn thiện mình tốt hơn.

Ngành du lịch đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” -0
Khách du lịch tham quan tại Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Trần Hải 

Vấn đề xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch đến Việt Nam rất quan trọng. Khi mở cửa, thì khách du lịch cần thông tin chính thống. Phải thông tin chính thống từ Việt Nam phát ra thì doanh nghiệp mới lấy đó làm căn cứ làm việc với các đối tác, ký kết hợp đồng. Chúng tôi đang cố gắng làm sao đề xuất với các cấp có thẩm quyền, làm việc với các bộ, ngành, đưa ra các tiêu chí cụ thể, từ đó các doanh nghiệp sẽ kết nối, làm việc với các đối tác để thu hút khách quay lại Việt Nam.

Chúng tôi đã có kế hoạch tham gia các sự kiện, và tổ chức các chương trình Roadshow tại nước ngoài trên cơ sở đổi mới cách thức truyền thông, xúc tiến quảng bá. Hậu đại dịch, tất cả nhu cầu thị hiếu, cũng như phương thức truyền thông đã thay đổi cơ bản, vì vậy chúng ta phải thích ứng.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động xúc tiến, quảng bá những thế mạnh riêng có của mình đến với các thị trường khách quốc tế tiềm năng. Tôi đánh giá cao Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời tổ chức hội thảo “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” như một cách để thu hút khách du lịch quốc tế.

Du lịch và hàng không có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, như hai cánh máy bay. Lâu này, hàng không vẫn đang làm việc một cách đơn lẻ, bây giờ với cơ hội mở cửa, hàng không phải kết hợp với các doanh nghiệp du lịch như thế nào để khai thác tốt cơ hội này.

Vấn đề chuyển đổi số, số hóa các điểm đến cũng sẽ được đẩy mạnh. Sắp tới Tổng cục Du lịch sẽ triển khai đề án chuyển đổi số, phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp để hình thành nên một sản phẩm làm sao có thể tiếp cận xu hướng số hóa trong du lịch.

Xin cảm ơn ông!