“Ngang tai, chướng mắt” du lịch

NDO - Đến điểm du lịch nào trong cả nước cũng thấy cảnh quan bị lạm dụng, rác thải chất ngất. đến bao giờ thì ngành du lịch mới chấn chỉnh lại cách làm du lịch của mình?

Du lịch một mùa - một mất

Có nhiều bãi biển dài, còn nguyên vẻ hoang sơ, nhiều hải sản, huyện đảo Cô Tô đã xác định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đảo Cô Tô đang đổi thay theo chiều hướng đó. Dịch vụ mọc lên nhiều hơn, khách đến đông hơn. Nhưng một điều không mấy vui là rác trên các bãi tắm cũng nhiều hơn. Bãi biển Thiên đường tình yêu thành thiên đường... rác. Lượn một vòng quanh đảo, chất thải rắn do xây dựng đổ ngổn ngang, chất thải từ sinh hoạt chất đống, mùi thối thốc vào mũi, ngay tại cầu cảng đi vào đảo đã gặp cảnh này.

Đảo Minh Châu - Quan Lạn phát triển du lịch ồ ạt, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được lượng du khách ra đảo. Từ khan hiếm nhà nghỉ đến dịch vụ ăn uống, nên giá thành đẩy lên quá cao. Khách du lịch ra đây lại rỉ tai kinh nghiệm “không ở, không ăn” mà chỉ đi chơi. Họ mang theo đồ ngủ tạm, cùng những đồ ăn được mua từ đất liền. Kết quả sau một ngày trong mùa du lịch, rác khắp các bờ biển. Vùng đảo ngọc Cát Bà ở huyện Cát Hải (Hải Phòng) hiện không còn xanh trong như vốn có, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển ồ ạt của các loại hình dịch vụ du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Xác tôm, cá, tu hài chết, dầu loang nổi váng cả mặt nước.

Một loạt những bãi tắm nổi tiếng ven biển như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò... cũng có nhiều chuyện để nói. Ngay tại các bãi tắm, rác còn được dọn dẹp thường xuyên. Phía ngoài bãi tắm, rác cứ nằm đó “thi gan cùng tuế nguyệt”. Khách du lịch có nhu cầu đi dạo hay tìm một phút riêng tư cho mình thì điều đầu tiên họ chạm phải là những đống rác trường niên hôi thối. Du lịch Đồ Sơn bị các hộ kinh doanh nước ngọt, bia, bánh, kẹo, trái cây... tùy tiện xả rác xuống bãi tắm. Trên các con đường như Mai Thúc Loan, Bình Minh... ở thị xã Cửa Lò rác chất đống từ lâu. Biển Sầm Sơn ngoài sự thành công bê-tông hóa bờ biển, đốn chặt hết hàng phi lao, khách đến mắt trước mắt sau hốt hoảng vì nếm phải “đặc sản” chặt chém! Sầm Sơn thì “mài dao” cho một mùa, Vũng Tàu thì “dao sáng” quanh năm. Bãi tắm Bãi Cháy (Hạ Long) là nỗi khiếp sợ của khách du lịch vì quá ô nhiễm.

Những bãi tắm “miệt vườn” thích hợp cho những khách du lịch về quê tiện thể ghé đến thì phải hết sức thông cảm: Quê nhà mà! Bãi biển Đồng Châu (Thái Bình) nổi tiếng một thời, đi vào câu hát thì nay đã hoàn toàn xóa sổ. Khách về Thái Bình sang bãi tắm Cồn Vành cho thỏa lòng nhớ biển. Ngoài đặc sản phi lao, sóng biển, khách còn được “tặng” thêm những vỏ bim bim, túi ni-lông, vỏ hộp xốp đựng đồ ăn suốt chiều dài bãi tắm. Bãi tắm Quất Lâm và Hải Thịnh (Nam Định) nhiều lời “mời chào” lộ liễu, khách du lịch tử tế lại thấy mình kệch cỡm.

Vẻ đẹp bị đánh cắp

Đầu năm, lễ hội chùa Hương chen chúc thành quen. Và một điều nữa cũng thành quen mắt đó là cảnh bán thịt thú rừng nhan nhản. Qua ngày thơ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám người ta mới nhận ra rằng một di tích cổ kính đang bị lòe loẹt hóa. Lên cao nguyên đá Hà Giang để thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của đá. Vậy nhưng, nơi đây đang xây dựng nhiều hạng mục cưỡng bức cảnh quan. Chợ bê-tông, lợp tôn mọc lên như nấm sau mưa. Sao không làm cái chợ xây tường bằng đá, lợp ngói. Chưa hết, ven đường các tấm biển bê-tông của ngành thuế, ngành kiểm lâm thật hoành tráng. Có cần thiết phải dựng lên những tấm biển như thế ở nơi này không?

Đến suối cá thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), ngay tại cửa soát vé, người cầm loa cứ nói oang oang nhắc việc mua vé (?!)... mà có ai trốn vé đâu? Đến nơi cá thần linh thiêng thì đương nhiên cần sự tĩnh lặng. Thế nhưng, ngay tại cửa hang cá thần có hai cái bàn quay số trúng thưởng. Họ cũng dùng loa nói liên chi hồ điệp. Cờ bạc mà như kiểu bán máy xay sinh tố, nồi nấu lẩu, dao thái đa năng trong các hội chợ. Ở một nơi du lịch thế này có nên nhiều lời nhức tai và đánh bạc ăn thua nhiều như thế không? Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) nổi tiếng với những nhà sàn, mái lợp cỏ. Nay đã lùi về quá khứ, nhường chỗ cho ngói và tôn. Giếng nước trong xanh ở đền Cô Chín (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) được khách du lịch tâm linh thả xuống vô vàn là trứng vịt!

Giếng Tiên (Phú Quốc, Kiên Giang) bị nhiều người lấy sơn viết vào đá để lưu lại kỷ niệm, doanh nghiệp nước mắm An Thới quây tường xi-măng, viết chữ quảng cáo. Công trình kiến trúc bằng đá vĩ đại: Tường Lũy dài 130 km, mới được công nhận di tích quốc gia 113 km thuộc Quảng Ngãi, còn 17 km thuộc Bình Định thì chưa công nhận. Bán đảo Thanh Đa - Bình Quới (TP Hồ Chí Minh) có vẻ đẹp hoang sơ nhờ dòng chảy uốn khúc của sông Sài Gòn. Ở đây mọc lên ba khu du lịch có tên là Bình Quới và quá nhiều hàng, quán ăn, nhan nhản dịch vụ câu cá, câu tôm. Các dịch vụ du lịch trong không gian hẹp mà giống nhau đến mức nhàm chán. Qua phà Bình Khánh về với huyện Cần Giờ, một rừng sác mênh mông trải dài và đẹp, nơi đây là căn cứ cách mạng, nhiều khu du lịch biển, rừng. Thế nhưng, điều đáng bàn là bảy cây cầu bắc qua sông trên con đường xuyên qua rừng đều thiết kế giống nhau, sơn mầu giống nhau. Lan-can thì cao quá che mất tầm nhìn, thiếu hẳn cái nhìn trong tổng thể cảnh quan.

Còn nhiều địa danh du lịch trên cả nước bị khai thác ồ ạt, đánh mất vẻ đẹp vốn có. Mong sao ngành du lịch chấn chỉnh lại các điểm du lịch. Nếu không, một mai lại hối tiếc.

“Ngang tai, chướng mắt” du lịch ảnh 1

Bến Vân Đồn. Ảnh: HẢI BÌNH

“Ngang tai, chướng mắt” du lịch ảnh 2

Người dân ném tiền xuống giếng ở Văn Miếu, Hà Nội.