Những năm gần đây, quan niệm này đang thay đổi, đặc biệt trong giới trẻ. Cuộc sống luôn vội vã với bao nghiệt ngã xô cuốn trong miệt mài mưu sinh cho nên kiểu du lịch khám phá chớp nhoáng trở nên phổ biến, gọi nôm là đi ”phượt”. Tuyết mới rơi ở Sa Pa? Lên đường! Hoa vừa nở ở Tây Bắc, lên đường... Mà chỉ nói riêng về hoa thôi, đã vô khối chuyện.
Hoa tam giác mạch ở Hà Giang.
Festival hoa Đà Lạt vừa kết thúc đầu năm 2016 nhưng chẳng biết từ bao giờ, Đà Lạt đã được gọi là ”thành phố ngàn hoa”. Cho đến lúc này, chưa có thành phố thứ hai nào ở nước ta vinh dự có cái tên thơ mộng và quyến rũ như vậy. Hoa chính là căn cước thẩm mỹ, cũng là thương hiệu của Đà Lạt. Mỹ nhân ắt phải đẹp, nhưng còn phải có nét nào đó nổi bật nhất: Ánh mắt, nét cười, làn da, dáng điệu hay sức cuốn hút vô thanh, vô hình không thể gọi tên...? Cho nên, dù là “thành phố ngàn hoa” thì dường như nhắc đến Đà Lạt người ta ngay lập tức nhớ tới dã quỳ. Đi trên đèo D’ran mùa hoa dã quỳ, gặp lúc trời nổi gió, bạn sẽ thấy một thảm vàng dập duyền cuộn sóng, dắt nhau trôi vào mênh mông, giống như đang có phép thần tiên trước mắt vậy.
Nhắc đến dã quỳ, không thể không nhớ đến những cánh đồng bạt ngàn hướng dương ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Vốn được trồng để chế biến thức ăn cho bò, chắc người trồng cũng không thể ngờ một ngày đẹp trời, hoa hướng dương lại tạo ra sức hút ma mị như vậy. Trên diện tích vài chục héc-ta, có đến cả triệu “bông mặt trời” tươi cười khoe sắc. Thiên hạ nô nức đổ về, chụp ảnh đăng lên phây-búc, thời của mạng xã hội mà, cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm. Có những hôm, con đường đi ngang qua cánh đồng hoa tắc tới hơn 10 km, đến mức Tập đoàn TH True Milk phải dành hẳn 7 héc-ta đất đang trồng trọt làm chỗ đỗ xe cho du khách.
Ngược lên Tây Bắc, đã qua mùa hoa tam giác mạch, nhưng năm ngoái, Hà Giang có một khởi đầu khó quên với lễ hội hoa đầu tiên. Những bông hoa li ti trăng trắng, tim tím, hồng hồng len lỏi trên những khoảnh đất hiếm hoi giữa bốn bề đá núi, tự nhiên như cỏ dại. Và chính sự tương phản giữa một trinh nguyên, hoang dã của hoa với khắc nghiệt, xù xì của đá đã mang đến rung cảm về sức sống, lòng nhân từ, nhu cầu che chở và sẻ chia. Khi được trồng trên diện rộng, những thảm hoa tam giác mạch làm nên một liên kết mong manh tuyệt vời khiến lòng người mềm lại, khắc khoải hoài niệm. Cảm giác tương tự khi bắt gặp những thảm hoa cải trắng tràn qua những gốc đào, gốc mận, phủ kín những quả đồi trên cao nguyên Mộc Châu dịp cận kề năm mới. Bí mật nằm ở đâu? Phải chăng đó là sự kết hợp liên hoàn rực rỡ khiến ta lọt thỏm, choáng ngợp, ngơ ngác...
Ngày còn là sinh viên, lần đầu tiên tôi được nghe nhạc giao hưởng, lại ở nhà hát Bolshoi, Moskva. Thú thật là tôi không hiểu gì cả và đành phải nhờ một người bạn khi ấy đang học ở Nhạc viện Traikovsky giải thích. Người bạn ấy đã nói một cách đơn giản, đó là đừng cố hiểu khi không thể, hãy thử lắng nghe âm thanh và những cảm xúc khác nhau được đánh thức trong tâm hồn ta, bất kể đó là chuyện vui hay buồn, quá khứ hay hiện tại, thậm chí cả những dự cảm về tương lai. Sau này, thi thoảng có cơ hội nghe nhạc giao hưởng, tôi vẫn thường áp dụng bài học vỡ lòng ấy. Và sự kết hợp kỳ diệu của các nhạc cụ luôn đem lại những “giao hưởng” tuyệt vời giữa thanh âm và tâm hồn, tùy theo hiểu biết, trí tuệ, trải nghiệm thẩm mĩ của mỗi người. Lúc này đây, tôi chợt liên tưởng tới một dàn nhạc giao hưởng các loài hoa. Tam giác mạch, dã quỳ, hướng dương, cải trắng, cải vàng, hoa đào, hoa mận, hoa lê..., có dàn giao hưởng hoa nào diễm lệ hơn thế? Làm sao kể hết được những đường hoa theo mùa, quanh năm, trải dài từ nam chí bắc, từ đồng bằng tới miền núi cao của đất nước mình. Làm gì có tour du lịch nào tuyệt vời hơn thế?
Hoa cải trắng trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Tiếc người đến với hoa bây giờ tuy đông đảo nhưng vẫn còn ở tình trạng ngẫu hứng, a dua, tự phát. Đã xảy ra những giẫm đạp lên tam giác mạch ở Hà Giang, ”đấm đá” không thương tiếc hoa hướng dương ở Nghệ An và gần đây làm tan hoang cánh đồng hoa ven Hồ Tây, Hà Nội. Ứng xử với hoa cũng như ứng xử với mỹ nhân, không dễ. Không thể “màu mè chè tươi” hay ngông nghênh “trẻ trâu” được! Phải tinh tế, dịu dàng, cẩn trọng, nâng niu, thật lòng yêu thương mới mong hoa đáp lại...
Những người làm du lịch có nghĩ đến một thương hiệu mang tên các loài hoa không? Khi ấy hoa không chỉ là hoa, mà còn là cơ hội khám phá văn hóa, những vùng đất, đời sống, tâm hồn Việt..., nơi lưu giữ những giá trị bất biến của quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa. Những tour du lịch theo các mùa hoa chắc chắn sẽ mới mẻ, hấp dẫn, văn minh và vô cùng hiệu quả, thật đấy!
Tôi chợt liên tưởng tới một dàn nhạc giao hưởng các loài hoa. Tam giác mạch, dã quỳ, hướng dương, cải trắng, cải vàng, hoa đào, hoa mận, hoa lê..., có dàn giao hưởng hoa nào diễm lệ hơn thế?