An toàn vệ sinh lao động

Cần giải pháp trước mắt và lâu dài

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng bảy nghìn vụ tai nạn lao động. Đâu là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại, tạo dựng môi trường an toàn, thân thiện trong lao động, sản xuất?
0:00 / 0:00
0:00
Chủ sử dụng lao động cần nhiều biện pháp để người lao động có môi trường làm việc an toàn.
Chủ sử dụng lao động cần nhiều biện pháp để người lao động có môi trường làm việc an toàn.

NHỮNG năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng quy mô và các hoạt động sản xuất, là nguy cơ dẫn đến gia tăng các vụ tai nạn lao động. Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), dù Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành từ lâu và các cơ quan chuyên môn đều có những hướng dẫn cụ thể, nhưng không phải đơn vị, doanh nghiệp nào cũng quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp không có biện pháp phòng, chống rủi ro; không tập huấn cho người lao động biện pháp giữ gìn an toàn lao động; thiếu đầu tư phương tiện và đồ bảo hộ. Đó là chưa kể đến việc, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là thiếu tổ chức kiểm tra để chỉ ra các sai phạm và có biện pháp khắc phục.

TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: để xảy ra nhiều tai nạn lao động có trách nhiệm rất lớn của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Trách nhiệm này được quy định cụ thể, rõ ràng tại Bộ Luật Lao động và Luật An toàn, vệ sinh lao động. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp… lại làm ngơ. "Hiện nay cả nước có khoảng 300 nghìn doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp này cần có cán bộ có chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các công việc theo quy định, đồng thời phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài trách nhiệm tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt, bên sử dụng lao động còn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động. Đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn lao động", ông Nguyễn Anh Thơ phân tích.

Trước mắt, năm 2024, Cục An toàn lao động thực hiện các mục tiêu về công tác an toàn vệ sinh lao động, ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn; phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hằng năm là 4% đến năm 2025.

Tầm vĩ mô, theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, năm 2024 và các năm tiếp theo, rất cần các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; chú ý hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê tai nạn lao động tại các bệnh viện.

Nhiều chuyên gia cho biết, hiện nay thị trường lao động đang cần tuyển một lượng lớn nhân lực ngành bảo hộ lao động, song nguồn cung lại rất khan hiếm. Cũng bởi, cả nước chỉ có Trường đại học Công đoàn và Trường đại học Tôn Đức Thắng đào tạo cử nhân, kỹ sư chuyên ngành bảo hộ lao động, chỉ tiêu đào tạo hằng năm tại các trường hiện nay còn rất hạn chế. Ông Đặng Xuân Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động kiến nghị, trong tầm nhìn dài hạn, rất cần đầu tư vào công tác đào tạo, bởi với quy mô như hiện nay, mỗi năm thị trường lao động có thể cần tới hàng nghìn kỹ sư chuyên ngành bảo hộ lao động mà công tác đào tạo hiện thời chưa đáp ứng được.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, những năm tới đây cần đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ bảo đảm an toàn môi trường lao động, tiến tới đạt chuẩn quốc tế, khu vực.