Hạn, mặn gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long

Cần giải pháp đồng bộ để thích ứng

Tình trạng hạn, mặn ngày càng gay gắt là thách thức với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả Thành phố Hồ Chí Minh, khi Nam Bộ bước vào cao điểm mùa khô. Trong bối cảnh El Nino đang quay lại, các nhà khoa học khuyến cáo cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thích ứng.
0:00 / 0:00
0:00
Cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (tỉnh Kiên Giang), giúp kiểm soát xâm nhập mặn. Ảnh: Huy Phong
Cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (tỉnh Kiên Giang), giúp kiểm soát xâm nhập mặn. Ảnh: Huy Phong

Chủ động mọi tình huống

Những ngày đầu tháng 3/2024, độ mặn đo được tại vàm Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang), cách cửa sông khoảng 56 km, là 0,48g/l. Nếu để độ mặn này lấn sâu vào nội đồng theo kênh Nguyễn Tấn Thành, sẽ uy hiếp hàng trăm nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các vùng cây ăn trái giá trị cao như sầu riêng, rau màu phía trong. Vì vậy, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho gần 100.000 ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An, ngày 1/3, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức đóng cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành. Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền tây, chỉ sau cống Cái Lớn-Cái Bé (tỉnh Kiên Giang).

Tại Hậu Giang, ngày 4/3, nồng độ mặn xâm nhập từ Biển Tây vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ tăng cao, có nơi ở mức 9,5‰. Dự báo nồng độ mặn tại tỉnh này còn tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng triều cường (con nước cuối tháng Giêng âm lịch) và gió đông bắc (Biển Đông). Cơ quan chức năng yêu cầu các địa phương có mặn xâm nhập khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng với trà lúa đang ngậm sữa, trổ, chín. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính, để khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cục đã phối hợp, theo dõi các dự báo sớm để đưa ra kế hoạch thích ứng phù hợp. Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Ở những vùng có đê bao và cống đập sẽ tiến hành đóng cống khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Khi mặn rút theo các đợt triều cường, nước ngọt về sẽ tranh thủ bơm trữ nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng, vườn. Đối với những khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn nghiêm trọng, Cục khuyến cáo người dân chuyển đổi từ sản xuất lúa sang hoa màu và các loại cây chịu hạn, mặn. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương điều chỉnh cơ chế hoạt động của các công trình thủy lợi tại đồng bằng sông Cửu Long, từ ngăn mặn, trữ ngọt để sản xuất lúa sang điều tiết mặn-ngọt.

Cần giải pháp đồng bộ để thích ứng ảnh 1

Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đo độ mặn trên các tuyến sông

Giải pháp tích trữ nguồn nước

Theo dự báo của Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Nam Bộ: Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mức độ khá cao và cao hơn năm 2023, tuy nhiên sẽ không gay gắt như những năm xuất hiện El Nino trước đây, như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sắp tới sẽ tập trung vào các đợt triều cường ở đầu và giữa tháng, bên cạnh đó còn phụ thuộc lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công đưa về.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, phân tích: Xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long cần phân biệt hai vùng. Thứ nhất, vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, là nơi ranh giới xâm nhập mặn, là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển - khi nào sông yếu thì biển lấn sâu. Thứ hai, vùng bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt, vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô.

Với vùng cửa sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn có sự dao động ngắn hạn, ranh giới mặn dịch chuyển vào-ra thất thường theo hoạt động đóng-xả của các đập thủy điện Mê Công phía thượng nguồn, cũng như con nước lớn-ròng. Người dân có thể theo dõi và tranh thủ lấy nước ngọt từ thượng nguồn về. Vùng cần lưu ý hơn là vùng bán đảo Cà Mau, có thể thiếu hụt nước từ đầu tháng 3 trở đi, khi vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô kéo dài đến tháng 5, cần tập trung nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt.

Trong khi đó, PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) vừa có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn các tỉnh ven biển gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang, cho biết: "Chính quyền địa phương và người dân đã ứng phó hạn, mặn qua việc vụ lúa đông xuân xuống giống từ rất sớm, nên đã kịp thu hoạch trước khi mặn xâm nhập. Đây là giải pháp né mặn. Mặt khác, từ kinh nghiệm mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, một số hộ đã bỏ tiền ra mua túi vải chứa nước (loại 5, 10, 25 m3) lót dưới mương chứa nước. Cùng đó, nông dân biết cách rải rơm, cỏ trên ruộng để chống bốc hơi nước. Giữ được độ ẩm trong đất cũng là cách giảm bớt tình hình xâm nhập mặn. Về lâu dài, cần khôi phục vùng trũng trữ nước tự nhiên, thí dụ vùng Đồng Tháp Mười hay tứ giác Long Xuyên trước đây, nay người dân làm đê bao để tăng vụ, nên không còn chức năng ấy".

Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, bây giờ ở Bến Tre trồng dừa nhiều đến nỗi người dân không gọi là vườn dừa mà gọi là rừng dừa. Rễ dừa hút nước nuôi thân, đưa vào trái rất ngọt và còn giúp giữ ẩm, giữ nước cho đất. Nhìn rộng ra, các cánh rừng giúp giữ nước cho đất, giữ ẩm. Do đó việc bảo vệ các khu rừng ở một số nơi cũng là cách giúp giảm tình trạng xâm nhập mặn cho đất liền .