Cách làm xoay chuyển nông nghiệp Sơn La

Đã vượt qua giai đoạn bấp bênh, vụ đói, vụ no, tỉnh Sơn La đang nổi lên như một "hiện tượng kinh tế nông nghiệp" với bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Song song với việc đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì công tác xây dựng thương hiệu gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu… được chính quyền và người dân Sơn La rất chú trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2020. Nguồn: TH
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2020. Nguồn: TH

Những sản phẩm tiên phong

Trong năm 2018, sản phẩm chè của huyện Thuận Châu đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận "Chè Phổng Lái Thuận Châu", trở thành động lực để bà con mở rộng diện tích, phát triển vùng chè nguyên liệu lên gần 800ha. Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái cho biết: Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu đã giúp sản phẩm chè Phổng Lái nói chung và sản phẩm chè của hợp tác xã nói riêng khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Hợp tác xã đang bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi/năm cho bà con và sản xuất 600 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Tiếp đó, tháng 7/2020, sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Dẫn chúng tôi lên thăm vườn xoài xanh ngát, trĩu quả trên đỉnh đồi, ông Quàng Văn Xuân - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, vui mừng chia sẻ: "Huyện Yên Châu có gần 600ha xoài tròn, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Riêng hợp tác xã chúng tôi có hơn 60ha xoài tròn, toàn bộ diện tích nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý. Từ khi được Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý xoài tròn Yên Châu, sản phẩm xoài tròn đã tạo được thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, nhờ đó giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng". Trong quá trình mở rộng sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Tiến đã thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm xoài sấy dẻo, được chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Đến nay, quả xoài tươi và sản phẩm xoài sấy dẻo được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh và điểm du lịch trong cả nước, doanh thu mỗi năm tăng từ 25% đến 30%.

Đầu tháng 6/2021, Sơn La chính thức ra mắt thương hiệu Mận hậu Ruby Sơn La với mong muốn tạo một vị thế mới cho trái mận, cũng như nông sản đặc trưng của tỉnh. Tháng 7/2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "nhãn Sơn La" cho sản phẩm quả nhãn tươi và long nhãn của tỉnh. Trước đó, cuối năm 2017, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài…

Xác định sản phẩm chủ lực, đặc thù

Bắt đầu từ năm 2016, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp triển khai 24 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh, trong đó có một dự án cấp quốc gia và 23 dự án cấp tỉnh. Đến hết năm 2022, Sơn La đã có 24 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Ba sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là cà-phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu; 18 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; ba sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La và khoai sọ Thuận Châu.

Nằm trong chương trình nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, tỉnh Sơn La đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận đạt từ 250 đơn trở lên, số văn bằng bảo hộ được cấp tăng từ 1,5 lần so giai đoạn 2015-2020. Hỗ trợ tạo lập và quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể từ 30 sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Sơn La hiện có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường: Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường khác, với diện tích hơn 4.600ha, gồm những loại cây ăn quả chủ yếu như: xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc-ca…, tổng sản lượng gần 50.000 tấn. Sau khi được chứng nhận nhãn hiệu, các sản phẩm nông sản của Sơn La tiếp tục khẳng định được lợi thế, vươn xa hơn trên thị trường. Đến nay, Sơn La có 17 sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu sang thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Từ hướng đi đúng, cách làm bài bản đã làm xoay chuyển ngành nông nghiệp Sơn La. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, tỉnh đã tăng cường công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản. Tính từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã cấp mới 42 dự án, với số vốn đăng ký hơn 8.412 tỷ đồng. Sơn La có nhiều nhà máy gắn với vùng nguyên liệu tập trung, tạo mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Công tác xây dựng thương hiệu cho nông sản được xác định là không ngừng nghỉ. Chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu, lợi ích cũng như hiệu quả khi xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của mỗi cơ sở; đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng, hậu kiểm các sản phẩm mang thương hiệu, các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực trong thực hiện cam kết theo quy định để giữ vững uy tín của thương hiệu", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ chia sẻ.