Bước ngoặt giữa kỳ

Không có “làn sóng đỏ”
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ sớm tại Hội đồng bầu cử hạt Franklin, Columbus, Ohio 1/11/2022. Ảnh: REUTERS/GAELEN MORSE
Người dân Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ sớm tại Hội đồng bầu cử hạt Franklin, Columbus, Ohio 1/11/2022. Ảnh: REUTERS/GAELEN MORSE

Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đầu tháng 11 đã ngã ngũ với việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm quyền kiểm soát hai viện Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa giành ít nhất 218 ghế cần thiết để chiếm đa số trong Hạ viện sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Mike Garcia giành chiến thắng tại California.

Trong khi đó, không cần biết kết quả cuộc đua ở Georgia được tổ chức lại vào ngày 6/12 (vì cả hai ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa ở đây đều chưa đạt được 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng), đảng Dân chủ đã nắm 50 ghế tại Thượng viện, đủ để kiểm soát cơ quan này do lẽ lá phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris - người của đảng Dân chủ - sẽ có tính quyết định trong trường hợp hai phe cùng có 50 phiếu biểu quyết.

Vấn đề nằm ở chỗ tương quan lực lượng sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua sẽ có tác động như thế nào đến chính trường Mỹ trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Mỹ J.Biden?

Chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - người của đảng Dân chủ - vốn có tinh thần quyết liệt chống đối ông Donald Trump của đảng Cộng hòa thời ông này làm Tổng thống.

Ấy thế nhưng chiến thắng ở Hạ viện của đảng Cộng hòa lại bị phủ bóng đen bi quan bởi vì thật ra, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, người ta đã dự đoán rằng đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng áp đảo đảng Dân chủ, giành quyền kiểm soát tuyệt đối không chỉ ở Hạ viện mà còn cả ở Thượng viện. Bầu cử giữa kỳ luôn là một thách đố khó vượt qua đối với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm do lẽ cử tri luôn nhìn vào những khiếm khuyết trong điều hành công việc của nửa nhiệm kỳ vừa trôi qua và có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ đảng đối lập với hy vọng sẽ có những sự đổi mới về chính sách để sửa chữa những khiếm khuyết đó.

Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, đảng Dân chủ được dự đoán là ​​sẽ bị tổn thất nặng nề. Nhiều tín hiệu đáng lo như mức độ ủng hộ ông Biden ở mức thấp, đảng Dân chủ không thể hiện tốt về kinh tế. Vậy nhưng “làn sóng đỏ” của đảng Cộng hòa kiểm soát hoàn toàn Quốc hội đã không xảy ra. Giờ đây, đảng Dân chủ đã có thể tạm thời “thở phào” nhẹ nhõm vì phe Cộng hòa sẽ khó có cơ hội hơn để hạn chế hay ngăn chặn các sáng kiến lập pháp của Tổng thống Joe Biden trong hai năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Bởi vậy, kết quả mà đảng Cộng hòa giành được trong cuộc bầu cử giữa kỳ là một-chiến-thắng-không-như-kỳ-vọng và nó sẽ tác động rất lớn đến đường hướng chính sách của đảng Cộng hòa trong cuộc đấu quyền lực với đảng Dân chủ trong những năm trước mắt.

Người Cộng hòa nhắm vào ông Biden

Tuy nhiên, dù không đạt kỳ vọng về một “làn sóng đỏ” phủ bóng ở cả hai viện Quốc hội Mỹ nhưng việc giành quyền kiểm soát Hạ viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có khả năng khiến Nhà trắng phải hứng chịu những cuộc điều tra không ngừng. Chỉ mươi ngày sau khi có kết quả bầu cử, Đảng Cộng hòa đã tuyên bố điều tra Tổng thống Biden và giao dịch kinh doanh của gia đình ông sẽ là ưu tiên giám sát hàng đầu khi họ tiếp quản Hạ viện.

“Tại Quốc hội nhiệm kỳ mới, Ủy ban Giám sát Hạ viện sẽ đánh giá tình trạng mối quan hệ của Tổng thống Joe Biden với các đối tác nước ngoài của gia đình ông ấy và liệu ông ấy có phải là Tổng thống bị nguồn tiền từ nước ngoài gây ảnh hưởng hoặc làm lung lay hay không”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa James Comer, thành viên hàng đầu trong Ủy ban Giám sát Hạ viện, nói trong một cuộc họp báo tại tòa nhà quốc hội.

Theo ông Comer, người dự kiến trở thành lãnh đạo Ủy ban Giám sát Hạ viện, ủy ban sẽ điều tra các báo cáo ngân hàng và khiếu nại của những người tố giác ẩn danh cho thấy mối liên hệ giữa Tổng thống J.Biden và các hoạt động kinh doanh của con trai ông, Hunter Biden. Ông này khẳng định ủy ban đã nhận được hai báo cáo hoạt động đáng ngờ do các ngân hàng lớn đệ trình.

Cuộc điều tra của đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ bắt đầu vào năm tới, khi lịch trình chính trị Mỹ hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Các nghị sĩ Cộng hòa vạch ra cuộc điều tra này theo đúng các điều khoản dường như lặp lại cáo buộc của đảng Dân chủ chống lại ông Trump. Trước đây, khi còn nắm giữ Hạ viện, đảng Dân chủ đã tiến hành các cuộc điều tra về giao dịch kinh doanh của cựu Tổng thống Trump và gia đình ông.

Chưa biết các cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống J.Biden có đưa đến kết quả nào không nhưng chắc chắn nó sẽ khiến Tổng thống Mỹ không thể toàn tâm toàn ý hướng vào việc thực hiện các ưu tiên chính sách nhằm cải tiến hình ảnh của đảng Dân chủ và hướng tới một kết quả tích cực tại cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra năm 2024.

Ông Trump kích hoạt chạy đua vào Nhà Trắng

Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ còn có tác động trực tiếp đến cuộc đua tranh đến chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

Ngày 15/11, ông Donald Trump kích hoạt cuộc chạy đua vào Nhà trắng lần thứ ba, tạo tiền đề cho cuộc chiến đề cử đầy cam go của đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bằng việc chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đệ trình văn bản ứng cử cho cơ quan bầu cử Mỹ vào ngày 12/11, trước khi công bố công khai chạy đua vào Nhà trắng năm 2024.

Trước hàng trăm người ủng hộ tại dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida, cựu Tổng thống 76 tuổi phát biểu: “Sự trở lại của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ”.

Cho dù không đạt được kỳ vọng trong việc kiểm soát cả hai viện Quốc hội nhưng việc những người Cộng hòa “đánh chiếm” thành công Hạ viện cho thấy sự trở lại của hệ tư tưởng kiểu Donald Trump mà cựu Tổng thống có thể sẽ sử dụng đối với các cộng sự của mình trong hội nghị của đảng Cộng hòa. Tại hội nghị này, ông Trump sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis.

Trước khi bầu cử giữa kỳ diễn ra, ông Trump còn được xem là ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc chạy đua bên phía đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri Cộng hòa, cách biệt rất xa so với ông Ron DeSantis.

Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Thống đốc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa rồi, ông DeSantis đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với ông Trump xuống còn rất ít, thậm chí một số cuộc khảo sát còn cho thấy ông DeSantis dẫn trước ông Trump.

Nhận rõ mối nguy cơ từ phía ông DeSantis, ông Trump đã tăng cường chỉ trích người từng là một đồng minh trung thành trong đảng Cộng hòa mà cựu Tổng thống khẳng định, nhờ sự ủng hộ của ông đã giúp ông này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thống đốc bang Florida năm 2018.

Tham vọng được đảng Cộng hòa đề cử làm đại diện cho đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 của ông Trump còn vấp phải trở ngại lớn khi nhiều thành viên Cộng hòa chủ chốt đổ lỗi cho ông Trump về việc đảng này đã không giành được chiến thắng như kỳ vọng trước những người Dân chủ. Việc ông Trump công khai bảo trợ một số ứng viên đảng Cộng hòa, những người đã đi theo con đường tương tự cựu Tổng thống nhưng sau đó không thể giành chiến thắng đã khiến ông mất điểm khá nhiều trong con mắt của các thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Biden không vội vàng

Ông Biden chưa vội vàng chính thức tuyên bố sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 nhưng kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ tốt hơn mong đợi đối với đảng Dân chủ đã thúc đẩy khả năng này tăng lên đáng kể. Trước tuyên bố của cựu Tổng thống Trump rằng ông này sẽ bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đăng dòng tweet: “Ông Donald Trump đã làm thất vọng nước Mỹ”. Dòng tweet này được đăng kèm với một video tổng hợp nói rằng ông Trump “dung dưỡng những kẻ cực đoan”, “tấn công quyền phụ nữ” và “kích động một đám đông bạo lực” nhằm cố lật ngược sự thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Biden, người vừa bước sang tuổi 80, đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu ông có muốn tiếp tục công việc trong thêm một nhiệm kỳ nữa hay không. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, một cuộc thăm dò do Edison Research thực hiện cho CNN và các trang tin tức khác cho kết quả 7/10 cử tri độc lập và 9/10 cử tri đảng Cộng hòa nói rằng họ không muốn Tổng thống Biden tham gia cuộc đua vào Nhà trắng năm 2024. Trong khi đó, có tới 6/10 cử tri đảng Dân chủ tham gia khảo sát nghĩ rằng ông Biden nên tái tranh cử.

Nhưng vẫn có những người nhiệt tình ủng hộ ông Biden tái tranh cử mà một trong số đó là bà Nancy Pelosy, người mới từ chức Chủ tịch Hạ viện do lẽ đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát cơ quan này. “Ông ấy làm được rất nhiều điều tuyệt vời. Ông ấy gửi tiền vào túi mọi người, tiêm vắc xin cho họ, đưa trẻ em trở lại trường học, giúp mọi người quay lại làm việc và đó chỉ mới là bắt đầu”, bà Pelosi nói trong một bài phỏng vấn trên đài ABC.

Ông Biden cho biết có ý định tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024 nhưng chỉ chính thức đưa ra quyết định vào đầu năm tới, sau khi đã tham khảo ý kiến người thân trong gia đình. Nếu quyết định ra tranh cử, ông sẽ là đương kim Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ tham gia vào cuộc đua đòi hỏi rất nhiều sức lực và tiền bạc này.