Bông hoa rừng ở Nausri

Tây Nguyên tháng 3, hoa cà-phê nở trắng triền đồi. Cao nguyên B’Lao xưa, nay là thành phố trẻ Bảo Lộc (Lâm Đồng) vào mùa đẹp nhất trong năm. Xuôi quốc lộ 20, cách trung tâm phố thị xứ trà B’Lao chừng 5 km, buôn làng Nausri sáng tươi trong nắng chiều. Không khó để tìm nhà Ka Thuyền, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nausri, bông hoa rừng trên miền cao nguyên đất đỏ.

Ka Thuyền triển khai phong trào “Chi hội phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Ka Thuyền triển khai phong trào “Chi hội phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

“Vì sự tiến bộ của phụ nữ đồng bào dân tộc mình thôi, anh biết đó, làm công tác phụ nữ thôn không có phụ cấp. Thấy buôn làng mình ngày càng đổi mới, phát triển là vui rồi”, Ka Thuyền mở lời, khi tôi gợi chuyện.

Hương cà-phê thoảng đưa, tôi tiếp chuyện. Cơ duyên nào đưa em đến với công tác phụ nữ? “Qua những lần xã, thôn mời đi nghe chuyện về hoạt động của hội phụ nữ, thấy được cái hay, cái tốt. Em nghĩ, trong khả năng của mình có thể tham gia được, để chung tay cùng chị em buôn làng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, thế là đăng ký vào tổ chức hội thôi”, Ka Thuyền nói.

Ka Thuyền sinh năm 1983, là con út trong gia đình người Cơ Ho có 11 anh chị em. Xưa, vùng đất bên dòng Đạ Rnga có tên gọi khá đặc biệt Nausri (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) nghèo khó lắm, phần lớn cuộc sống cư dân Cơ Ho, Mạ ở đây đều gắn với rừng, kiếm sống từ rừng và làm lúa nước. Nausri theo cắt nghĩa của người già trong buôn là cái bàu nước đầy tràn, hay ruộng ở bàu nước (ruộng lầy; nao là bàu nước, “sri” có thể là phát âm của “srê” - ruộng). Ở vùng đất B’Lao xưa, rất nhiều địa danh có chữ lao, nau, t’lau hay t’lao… nghĩa là bàu nước, tùy theo phương ngữ từng vùng. Quê nghèo và gia đình Ka Thuyền cũng thế. Chuyện đi học thời đó là điều xa xỉ, nhưng với sự cố gắng nỗ lực, Ka Thuyền cũng đã biết cái chữ, học đến lớp 5.

Cũng như nhiều thiếu nữ trong thôn, đến tuổi trăng tròn, Ka Thuyền đã “bắt chồng”, sinh con và cuộc sống mưu sinh cứ thế cuốn lấy lứa tuổi đẹp nhất của người phụ nữ. Mỗi ngày, họ lấy mặt trời làm thước đo thời gian lên rẫy, xuống suối. Cuộc sống lặng lẽ trôi khi nắng tắt sau núi. “Chuyện xưa không kể hết, giờ khác lắm rồi, buôn làng sạch đẹp, nhà cửa khang trang… và các phong trào phụ nữ đã đóng góp khá nhiều cho buôn làng ngày một đổi thay”, Ka Thuyền lái câu chuyện.

Tháng 3 Tây Nguyên, trời trong xanh như suối ngàn. Cùng Ka Thuyền rảo bước quanh buôn làng mới thấy được sự đổi thay thật sự trên vùng quê nông thôn mới. Trước ngôi nhà mới khang trang của chị Sy Din, Ka Thuyền bộc bạch: “Đây là kết quả của phong trào “phụ nữ giúp nhau xây nhà đẹp” ở Nausri, hơn 300 triệu đó. Sau 5 năm triển khai, đã có 25 ngôi nhà của hội viên phụ nữ được xây dựng khang trang, trị giá mỗi căn từ 100 đến hơn 300 triệu đồng. Trong tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng, hội viên giúp nhau được hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, đã góp phần thay đổi bộ mặt thôn buôn và thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc”. Mô hình “phụ nữ giúp nhau xây nhà đẹp” ở Nausri là sự sáng tạo, nhạy bén, rất hợp thực tiễn, được hội viên phụ nữ nhiệt tình ủng hộ và trở thành mô hình “điểm” của phong trào hội phụ nữ Lâm Đồng.

Ka Thuyền kể, mô hình được hình thành rất tình cờ. Hôm đó, chị Ka Nhất sang nhà Ka Thuyền chơi và nói dự định làm nhà nhưng chưa đủ tiền, chị em ai cho mượn hôm sau Ka Nhất sẽ giúp lại. “Bắt” được ý tưởng, Ka Thuyền triển khai ngay mô hình “phụ nữ giúp nhau xây nhà đẹp”. Ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu, không lấy lãi, xoay vòng giúp nhau. “Ai có tiền nhàn rỗi thì giúp người khác, chi hội phụ nữ đứng ra làm đầu mối. Cứ thế, nguồn vốn cứ đầy đặn từng ngày và những ngôi nhà mới hình thành”, Ka Thuyền hào hứng.

Không giấu được niềm vui, chị Sy Din kể, trước đây, sáu người trong gia đình chị sống trong căn nhà gỗ xuống cấp, mùa mưa thật khốn khó. Khi triển khai mô hình “phụ nữ giúp nhau xây nhà đẹp”, Chi hội cho vay gần 100 triệu đồng không tính lãi, cùng số tiền tích góp được, gia đình chị đã có được ngôi nhà mới khang trang. “Gia đình đã hoàn trả xong tiền vay, vui lắm. Cảm ơn Ka Thuyền và chị em đã giúp đỡ. Tới đây, khi chị em Nausri có nhu cầu xây nhà, mình lại chung tay để buôn làng thay toàn nhà đẹp”, Sy Din chia sẻ.

Nausri là một trong sáu thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Bảo Lộc, thôn có hơn 380 hộ sinh sống; chi hội phụ nữ có 193 hội viên, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. “Ka Thuyền à, giỏi lắm. Nó biết phát huy truyền thống gia đình, khéo thuyết phục nên phụ nữ buôn làng nghe và làm theo. Triển khai được nhiều phong trào đóng góp cho sự phát triển của buôn làng”, trưởng thôn Nausri, già làng K’Nhân hòa câu chuyện.

Người già trong buôn kể rằng, ông nội Ka Thuyền là già làng K’Nhái đã có công khai mở buôn “bàu nước đầy tràn” bên dòng Đạ Rnga này. Sau đó, già làng K’Nhiễu, bố Ka Thuyền tiếp nối mạch nguồn, cùng bà con người Cơ Ho, Mạ… xây dựng buôn làng, ông đã về với rừng Yàng hơn bảy năm. Và K’Nhân là chú ruột Ka Thuyền. Già K’Nhân bảo “phát huy truyền thống gia đình” là vậy.

Bông hoa rừng ở Nausri -0
 Ka Thuyền (thứ tư, bên trái) cùng hội viên chăm sóc mô hình “đường hoa” tại thôn Nausri.

Năm 2015, trong lần tham gia nghe chính quyền, hội phụ nữ thành phố tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc… Thấy được điều hay, Ka Thuyền quyết tâm chung tay xây dựng buôn làng, chị đăng ký tham gia chi hội phụ nữ thôn Nausri. Sau đó một năm, chị được chị em tín nhiệm bầu làm “thủ lĩnh” chi hội. Không phụ lòng tin, Ka Thuyền bắt tay triển khai nhiều phong trào, mô hình thu hút đông đảo chị em tham gia và đạt hiệu quả cao, như “Phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”; “Chi hội phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới”; “Phòng chống Bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em”; “Tổ phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xây nhà đẹp”; mô hình “con đường không rác”, “đường hoa”… và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Từ những mô hình thiết thực và các phong trào thi đua yêu nước của chi hội phụ nữ thôn Nausri, đã góp phần làm nên dáng vóc buôn làng hôm nay. Những cung đường làng sạch đẹp, hai bên đường hoa nở bốn mùa; thôn không có tệ nạn xã hội, chỉ còn hai hộ nghèo là neo đơn, bệnh tật; những gia đình hội viên phụ nữ khó khăn, vất vả một thời, nay trở nên khấm khá, như gia đình Ka Thốp, Ka Danh, Ka Brês, Ka Chỉu, Sy Din, Ka Phượng… “Chi hội đã thành lập và duy trì các tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, xây dựng mô hình “5 giúp 1”... nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Những sáng kiến của Ka Thuyền rất hay và thực tế, được chị em và dân làng ủng hộ nhiệt tình”, chị Ka Phượng cho hay.

Trước khi đến Nausri để tìm hiểu tấm gương “thủ lĩnh” phụ nữ buôn làng, tôi đã được Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bảo Lộc Nguyễn Bùi Thị Minh Hiền thông tin: “Ka Thuyền vinh dự có tên trong đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đó. Đây là tấm gương năng động, nhiệt huyết, sáng tạo, triển khai hiệu quả các mô hình và phong trào thi đua yêu nước, đã được các cấp hội phụ nữ ghi nhận, trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen”.

Trên cung đường trải nhựa chạy dọc buôn làng, những nhành hoa cà-phê tinh khôi bên đường khẽ đong đưa, tôi hỏi Ka Thuyền: Điều gì làm nên thành công các mô hình? “Chính là sự đồng lòng, tinh thần trách nhiệm của ban chấp hành chi hội và sức mạnh đoàn kết của toàn thể hội viên. Cùng với đó là sự khéo léo trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục và quan trọng là kết quả”, Ka Thuyền chia sẻ.

Chiều, chia tay miền đất tốt tươi bên dòng Đạ Rnga hiền hòa, khó có thể quên hình ảnh những thôn nữ vây quanh nghe Ka Thuyền kể chuyện buôn làng. Nhìn từ xa, như bông hoa giữa miền sơn nguyên Nausri bồng bềnh mây trắng.