Bệnh viện công khó tự chủ toàn diện

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin cho thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện sau hai năm thí điểm. Hai năm chưa phải là dài, nhưng cũng khá đủ thời gian để có thể rút ra kết luận. Thí điểm, về bản chất, là để kiểm nghiệm xem trên thực tế một mô hình thể chế, một cơ chế-chính sách công có vận hành hay không.
0:00 / 0:00
0:00
Khám sàng lọc cho người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh | TRẦN HẢI
Khám sàng lọc cho người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh | TRẦN HẢI

Chính vì vậy, thí điểm và thôi thí điểm là chuyện rất bình thường. Hơn thế nữa, về mặt lý thuyết, tự chủ toàn diện rất khó khả thi đối với các bệnh viện công.

Tự chủ toàn diện của một bệnh viện công là tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức-bộ máy, nhân sự và tài chính. Phân chia ra thì như vậy, nhưng những sự tự chủ này lại liên quan chặt chẽ với nhau và liên quan nhiều nhất đến tự chủ về tài chính. Thiếu tiền, thì mọi sự tự chủ khác chỉ còn là những tuyên ngôn trên giấy. Tự chủ tài chính chia thành bốn bậc: cao nhất là bệnh viện công tự lo toàn bộ chi phí thường xuyên và đầu tư; thứ nhì là bệnh viện công lo chi phí thường xuyên, còn đầu tư Nhà nước lo; thứ ba là bệnh viện công lo một phần chi phí thường xuyên, còn lại Nhà nước lo toàn bộ; bậc thứ tư là bệnh viện công không thu được gì, Nhà nước lo toàn bộ chi phí.

Tự chủ toàn diện mà Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã thí điểm trong hai năm qua là ở cấp độ cao nhất. Về mặt lý thuyết, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu như tất cả các chi phí này được đưa đầy đủ vào các dịch vụ khám, chữa bệnh. Nhưng làm như vậy, giá dịch vụ khám, chữa bệnh lập tức tăng lên rất cao và Bảo hiểm Y tế cũng như đại đa số người dân sẽ khó lòng chi trả được.

Để giảm bớt chi phí đầu tư, các bệnh viện công này đã hợp tác với tư nhân để mua sắm các máy móc, thiết bị hiện đại theo hình thức hợp tác công tư. Với cách làm này, chi phí đầu tư không tăng nhanh đột biến, nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn phải tăng lên. Về nguyên tắc, chi phí khấu hao, chi phí vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư vẫn phải được đưa vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ngoài ra, do lợi ích được chia cho cả hai bên và áp lực phải khấu hao tài sản càng nhanh, càng tốt, những khuyến khích méo mó cũng rất dễ bị kích hoạt như việc chỉ định những tầm soát, những chụp chiếu không cần thiết.

Tóm lại, để tự chủ về tài chính, bắt buộc các bệnh viện công sẽ phải tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh, để tự chủ về tài chính toàn diện, bắt buộc phải tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh một cách toàn diện. Không cho phép tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, mà bắt phải tự chủ tài chính thì chẳng khác nào trói chặt chân tay một người và bắt người đó phải tự chủ mà bơi lội. Tuy nhiên, nếu tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh để tự chủ toàn diện, thì Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K không còn là những thiết chế cung cấp dịch vụ công nữa. Việc tăng giá sẽ xung đột nghiêm trọng với những nguyên tắc cơ bản của dịch vụ công. Xin phân tích hai nguyên tắc cơ bản có liên quan trực tiếp ở đây là quyền tiếp cận bình đẳng và giá cả dịch vụ công phải phù hợp.

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện công của Nhà nước nên tất cả mọi công dân Việt Nam đều phải được quyền tiếp cận như nhau, không thể có chuyện chỉ cung cấp dịch vụ cho những người giàu hoặc những người ở Thủ đô. Để mọi công dân đều có thể tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của hai bệnh viện này, thì nguyên tắc giá cả dịch vụ công phù hợp phải được tuân thủ. Giá cả lại chỉ có thể phù hợp khi Nhà nước chia sẻ bớt một phần chi phí cho người dân. Cân đối giữa chi phí của người dân và chi phí của Nhà nước là một cân đối động. Thu nhập của người dân ngày càng cao, thì mức chia sẻ của Nhà nước có thể ngày càng thấp. Điều cần lưu ý ở đây là thu nhập của từng người dân với thu nhập bình quân đầu người là hai thứ khác nhau. Một người ăn một con gà, và một người đứng nhìn, vẫn có bình quân mỗi người ăn nửa con gà. Ở một nước có thu nhập trung bình như nước ta, thì mức chia sẻ của Nhà nước chưa thể thấp là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài ra, một nước càng chủ nghĩa xã hội, mức chia sẻ này phải càng lớn.

Tóm lại, kiến nghị cho dừng thí điểm tự chủ toàn diện của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là hoàn toàn hợp lý. Nếu có điều gì cần rút kinh nghiệm, thì đó là: Trước khi thí điểm bất kỳ việc gì, cần phải chứng minh được là nó khả thi về mặt lý thuyết.