Bào mòn... sức lao động (kỳ 3)

Ngày 5/8/2020 tại cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, những người đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã khước từ quyền bỏ phiếu và bỏ về giữa chừng. Lần đầu tiên các lãnh đạo của Tổng LĐLĐVN tỏ thái độ quyết liệt đến thế.

Cuộc sống công nhân trong phòng trọ chật hẹp.
Cuộc sống công nhân trong phòng trọ chật hẹp.

Kỳ 3: Lương và mức sống tối thiểu

Cuộc họp sáng 5/8/2020 tại Hà Nội của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự định bỏ phiếu với phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Tại đây, ý kiến đa số cho rằng, do tình hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 nên tạm hoãn không tăng lương tối thiểu năm 2021. Phía Tổng LĐLĐVN cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2021 nên lùi đến đầu năm 2021, khi cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn làm căn cứ cho việc xem xét. Khi đề xuất này không được chấp nhận, đại diện Tổng LĐLĐVN đã bỏ về giữa chừng, không tham gia bỏ phiếu.

Đã hơn 10 năm qua, cuộc họp hằng năm của Hội đồng Tiền lương quốc gia thường diễn ra theo một kịch bản khá giống nhau: phía Tổng LĐLĐVN đại diện cho những người lao động luôn đề nghị tăng lương tối thiểu ở mức khá nhanh để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động; phía đại diện người sử dụng lao động luôn chỉ chấp nhận mức tăng “nhỏ giọt” với lý do đội chi phí sản xuất, mất lợi thế cạnh tranh. Cuối cùng Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu cho mức trung bình giữa đòi hỏi của phía Tổng LĐLĐVN và mức đề nghị phía đại diện người sử dụng lao động.

Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, theo đó sẽ tăng mức lương tối thiểu vùng đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây là cam kết chính trị mạnh mẽ từ cơ quan quyền lực chính trị cao nhất của đất nước. Cũng phải nói thêm rằng, đây là một mục tiêu không dễ dàng.

Mức sống tối thiểu

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia có trách nhiệm xác định nhu cầu sống tối thiểu (được hiểu là mức sống tối thiểu). Theo đó, nhu cầu sống tối thiểu gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm (tính trên 45 mặt hàng thiết yếu bảo đảm 2.300 kalo/ngày); nhu cầu phi lương thực, thực phẩm; chi phí nuôi con. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, hoặc là cần nâng cao lương tối thiểu, hoặc là ngược lại kìm giữ mức sống tối thiểu (theo lý thuyết) càng thấp càng tốt?

Năm 2018, khi xác định nhu cầu sống tối thiểu, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia chọn tỷ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%). Còn Tổng LĐLĐVN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm chiếm 55%). Chỉ với khác biệt này, mức sống tối thiểu theo Hội đồng Tiền lương đã thấp hơn mức của Tổng LĐLĐVN đề nghị 300.000 đồng.

Chiều ngày 10/7/2019, một ngày trước phiên họp chốt mức tăng lương tối thiểu, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động với sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tại cuộc tọa đàm, mức lương tối thiểu năm 2020 phải tăng ít nhất 8% để bảo đảm mức sống tối thiểu.

Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 11/7/2019, Hội đồng thống nhất bỏ phiếu với tỷ lệ 11/13 phiếu bầu. Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 với mức tăng bình quân 5,5%. Theo Hội đồng Tiền lương quốc gia, phương án này bảo đảm yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW  năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Như vậy là khi những nỗ lực kinh tế bất thành, vấn đề có thể giải quyết ổn thỏa bằng đa số phiếu?!

Thực tế cho thấy còn có khoảng cách rất lớn giữa tình hình tại các địa phương so với vài phần trăm chênh lệch đó. Ở hầu khắp các tỉnh, lãnh đạo Liên đoàn lao động thẳng thắn bày tỏ ý kiến: lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 60-70% mức sống tối thiểu thực tế. Trưởng văn phòng đại diện phía nam của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Phạm Anh Thắng khẳng định, gia đình ông có một khu nhà trọ cho công nhân thuê nên rất hiểu đời sống công nhân. Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu ở địa phương. Để giải quyết bất cập giữa đánh giá của Hội đồng Tiền lương quốc gia, người lao động chỉ có một cách là làm thêm giờ liên tục để khỏi chết đói theo nghĩa đen. Và điều này chính là hợp với ý muốn của những người sử dụng lao động.

Bào mòn... sức lao động (kỳ 3) -0
Bảng lương của những công nhân một công ty sản xuất linh kiện điện tử. 

Mức lương tối thiểu

Suốt thời gian tìm hiểu về tiền công làm thêm giờ, chúng tôi nhận thấy: Nếu người sử dụng lao động sẵn lòng trả tối thiểu 150%, 200%, 300% cho mỗi giờ lao động làm thêm thì phải chăng mức giá trả cho mỗi giờ lao động trong 8 giờ chính thức là quá thấp?!

Có nhiều ý kiến của cả những người có trách nhiệm giải thích rằng, năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, thua cả vài chục lần so với một số nước trong khu vực và vì vậy lương thấp là đương nhiên. Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phía nam trước đây có hai nhiệm kỳ công tác tại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc cho biết: Lao động Việt Nam rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Nếu chọn giữa lao động Việt Nam, Thailand, Indonesia, bao giờ chủ Hàn Quốc cũng ưu tiên chọn Việt Nam. Giá nhân công là 8 USD/giờ làm việc chính thức. Tại tỉnh Bắc Ninh, nhờ định hướng thu hút đầu tư ưu tiên cho ngành điện, điện tử từ nhiều nhiệm kỳ trước, hiện nay giá lao động rất cao. “Tuyển dụng làm bất cứ việc gì, thu nhập khởi điểm không được 7,5-8 triệu đồng/tháng thì không có ai làm, văn hóa lớp 4 cũng được nhận. Đấy là mức thu nhập chỉ trong 8 giờ chính thức, còn đã làm thêm giờ thì phải từ 15-20 triệu đồng”-ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý lao động Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết.

Thật khó tin rằng, những lao động Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc hoặc những lao động mới chỉ tốt nghiệp THCS, thậm chí tiểu học ở Bắc Ninh lại có năng suất vượt trội những lao động ngành dệt may, da giày tại Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nghệ An… thậm chí cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mức lương chỉ cỡ 20 nghìn đồng/giờ làm chính thức. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ: Cứ thấy doanh nghiệp lúc nào cũng kêu khó khăn, thậm chí lỗ nhưng vẫn cứ mở rộng nhà máy, thuê thêm công nhân mới biết là không phải vậy. Phải khẳng định rằng, năng suất lao động của nước ta chưa cao một phần do năng lực người lao động, một phần do trình độ tổ chức sản xuất và trang thiết bị công nghệ, mà phần này hoàn toàn là lỗi của người sử dụng lao động, tức là chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên năng suất lao động của chúng ta không thấp đến mức như nhiều người vẫn nói. Rõ ràng những đồn thổi năng suất lao động quá thấp đã được thêu dệt sắp đặt nhằm phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nào đó trong những cuộc mặc cả mua bán sức lao động.

Một lập luận thường dùng của các đại diện người sử dụng lao động là trong hơn 10 năm qua, tốc độ tăng lương tối thiểu lớn hơn tốc độ tăng GDP. Vì vậy phải kìm hãm tốc độ tăng lương tối thiểu từ nay về sau. Lập luận này chỉ đúng nếu lương tối thiểu ban đầu tương đương với mức sống tối thiểu. Với mức lương tối thiểu ban đầu thấp thua xa mức sống tối thiểu như ở nước ta, tốc độ tăng lương tối thiểu như thời gian qua là chưa đủ và thực tế đã khẳng định như vậy.

Trong các công ty dệt may, da giày

Trong đợt khảo sát, chúng tôi ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp dệt may, da giày. Đây là nhóm doanh nghiệp thu hút số đông người lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam với 3,4 triệu lao động. Chính vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may luôn là thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia. Đây cũng là nhóm ngành được coi là thu nhập thấp nhất, vất vả nhất. Như vậy là để tìm hiểu mức sống tối thiểu của người lao động, chúng tôi khảo sát trực tiếp đời sống số đông những người có thu nhập thấp nhất, thay cho việc khảo sát qua rổ hàng hóa như Ban kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Công ty Regina Miracle International Việt Nam tại Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng là doanh nghiệp ngành may của Trung Quốc với khoảng hơn 30 nghìn lao động. Khi chúng tôi đến làm việc, công ty vẫn đang treo biển thông báo cần tuyển 10.000 lao động. Về cơ bản, mỗi công nhân làm trong công ty này có mức lương khá ổn định ở mức trên dưới 8 triệu đồng/tháng. Khi trả lời chúng tôi, mỗi công nhân đều “được” làm thêm giờ như nhau là 1,5 giờ. Tất cả đúng như với những gì mà pháp luật cho phép (các công nhân đều “hết sức” nhấn mạnh tới việc hợp pháp của giờ làm thêm trong công ty họ).

Công ty Pouchen tại TP Hồ Chí Minh là doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất giày với gần 60 nghìn công nhân. Chị N.T.T, quê Trà Vinh, đã làm việc cho công ty được 11 năm. Do là lao động có thâm niên nên lương cơ bản hằng tháng của N.T.T được khoảng 8 triệu đồng. Nếu làm thêm giờ theo mức của công ty (tăng ca 1 giờ/ngày) sẽ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Còn chị N.T.H, quê ở Thanh Chương, Nghệ An cùng làm công nhân Pouchen cho biết thêm: Tuy giờ làm thêm ít nhưng mức trả cho giờ làm thêm rất thấp, chỉ khoảng 13 nghìn đồng/giờ. Đã vậy thu nhập của N.T.H còn thấp hơn do không có nhiều thâm niên. Hai vợ chồng cùng hai đứa con ở trọ, tiền chi phí sinh hoạt cho cả gia đình chi ly lắm mới vừa mức thu nhập. Hiển nhiên tích lũy không có, nếu đau ốm bệnh tật thì đến đâu hay đến đó!

Nhìn chung các lao động dệt may, da giày đều có lương và thu nhập xấp xỉ như lao động tại hai doanh nghiệp trên, có nghĩa là vượt mức lương tối thiểu khá cao. Trên thực tế tìm được doanh nghiệp chi trả lương xấp xỉ mức lương tối thiểu cho người lao động là khá ít, đơn giản là rất ít người lao động chấp  nhận mức thu nhập ít ỏi như vậy.

Công ty Haivina tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An là doanh nghiệp ngành may của Hàn Quốc có mức lương khởi điểm đúng bằng mức lương tối thiểu vùng. Anh Lê Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn của Công ty Haivina cho biết: Công ty hiện có khoảng 3.000 lao động, tổng thu nhập bình quân lao động cả làm tăng ca là 6 triệu đồng/tháng, lương cơ bản 8 tiếng cho công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng IV khoảng gần 4 triệu đồng/tháng, tăng ca từ 1-1,5 giờ/ngày, lương tăng ca được trả theo Luật Lao động. Ở đây công ty không làm đêm nhưng đột xuất có nhiều đơn hàng thì vẫn làm buổi đêm, khối lượng công việc nhiều thì vẫn tăng ca.

Anh Sơn chia sẻ thêm, các công nhân mới vào làm chưa có tay nghề sẽ được đào tạo, mức lương trả cho công nhân trong thời gian đào tạo và công nhân chính thức là như nhau, chỉ kém các công nhân làm lâu năm có thêm tiền bậc tay nghề để thu hút lao động. Đồng thời những lao động mới sẽ được công ty hỗ trợ thêm kinh phí về nhà ở cùng với một số loại hình hỗ trợ khác. Mỗi công nhân mới ở vùng sâu, vùng xa thậm chí được hỗ trợ nhiều hơn những công nhân sinh sống quanh khu vực công ty đang hoạt động.

Nếu thông tin này là chính xác thì có một số vấn đề cần làm rõ: khi công ty trả lương người lao động học việc cũng bằng lương của công nhân chính thức thì hoặc ông chủ là người tốt bụng nhưng cũng có thể là người lao động chính thức đang bị dìm giá lao động.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đến 1 triệu đồng/tháng cho những công nhân vùng núi cao (trong khi giá thuê nhà trọ chỉ 700-800 nghìn đồng/tháng). Trong khi những công nhân vùng thấp và ở quanh nhà máy không có nhu cầu thuê nhà cũng xứng đáng được hưởng thêm vào thu nhập 1 triệu đồng đó. Ngay cả việc công ty xây nhà ở cho công nhân vài chục căn mỗi năm trên con số hàng nghìn công nhân có nhu cầu cũng vậy: Phúc lợi có tính “nhỏ giọt” sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong chính những người lao động. Có thông tin cho rằng, các doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn có một thỏa ước ngầm về kìm giữ tiền lương cho người lao động ở mức thấp. Những khoản hỗ trợ ngoài lương chính là cách “lách” thỏa ước ngầm để thu hút người lao động. Làm việc với nhóm phóng viên Báo Thời Nay, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết: 

Khó có thể khẳng định về “liên minh” để dìm giá lao động trên địa bàn nhưng việc các doanh nghiệp thường xuyên liên lạc, trao đổi, tham khảo lẫn nhau là điều chắc chắn.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, vào thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều rất thiếu lao động. Họ sẵn sàng bỏ kinh phí khá lớn để tuyển dụng từng lao động ở xa, nhưng hình như họ “vướng nhau” gì đó nên không thể tăng lương để thu hút người lao động, mặc dù tăng lương và nâng cao những hỗ trợ phúc lợi mới là cách thu hút, giữ chân người lao động tốt nhất!

Rõ ràng có nhiều bằng chứng cho thấy lương tối thiểu và thu nhập của người lao động nước ta đã bị dìm giá ở mức thấp trong suốt một thời gian dài!

(Còn nữa)