Bào mòn... sức lao động (Kỳ 2)

Kỳ 2: Định mức sản phẩm, điểm mấu chốt của tiền công làm thêm giờ

Một số định mức sản phẩm mà nhóm phóng viên thu thập được.
Một số định mức sản phẩm mà nhóm phóng viên thu thập được.

Để định giá mức tiền công làm thêm giờ của người lao động, chúng ta cần biết chi phí tiết kiệm được nhờ làm thêm giờ như khấu hao nhà xưởng, máy móc, chi phí quản lý, tiết kiệm bảo hiểm… Những thông số này được thể hiện đầy đủ trong báo cáo kế toán được gọi là định mức sản phẩm.

Trong suốt chuyến khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố hầu hết các Liên đoàn Lao động và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đều nhất trí với cách đặt vấn đề: Có thể nâng tiền công làm thêm giờ hơn mức 150% hiện nay. Dù không thảo luận chung song câu trả lời của các địa phương cũng thống nhất rằng: Tất cả phụ thuộc vào năng lực đàm phán thỏa ước lao động của công đoàn cơ sở. Chúng ta đều biết rằng từ xưa tới nay mọi cuộc đàm phán giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa bao giờ là bình đẳng bởi những lợi thế tuyệt đối tự nhiên của giới chủ. Vũ khí mạnh nhất của người lao động chính là đình công lại đang bị hạn chế bởi chính sách giữ ổn định xã hội để thu hút đầu tư.

Giúp người lao động có những luận cứ đủ vững chắc bảo vệ quyền lợi của mình là mục đích của nhóm phóng viên Báo Thời Nay. Muốn như vậy, phải xác định được chi phí tiết kiệm được so với tiền công làm thêm giờ trong từng dây chuyền sản xuất với từng loại sản phẩm và vào từng thời điểm khác nhau. Qua trao đổi, một chuyên gia ngành thuế đã điểm chỉ ngắn gọn: Tất cả nằm trong định mức sản phẩm!

Định mức sản phẩm là quy định mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy móc… để hoàn thành một sản phẩm nào đó.

Cuộc săn lùng định mức sản phẩm

Trước đây, định mức sản phẩm luôn là một phần trong hồ sơ thuế của mọi doanh nghiệp sản xuất. Từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 trở đi theo Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính (sửa đổi bổ sung Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC) cho phép doanh nghiệp tự xây dựng định mức tiêu hao theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm giải trình quyết toán thuế tại doanh nghiệp, định mức sản phẩm trở thành tài liệu nội bộ của doanh nghiệp và nghiễm nhiên được coi là mật!

Ngày 20/11/2021, nhóm phóng viên Báo Thời Nay làm việc với Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt. Tổng công ty này là sự tiếp nối của một thương hiệu từ thời kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. Như chính ông Việt chia sẻ: Dù đã cổ phần hóa từ năm 2004 nhưng đến nay rất nhiều đặc trưng của chủ nghĩa xã hội vẫn còn đậm nét trong chăm sóc đời sống công nhân và tổ chức sản xuất. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đơn đặt hàng còn ứ nhiều nhưng doanh nghiệp chỉ làm thêm 1,5 giờ mỗi ngày, không quá 40 giờ mỗi tuần. Nhờ đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, năng suất lao động tăng gấp 3 so với 20 năm trước. Chi phí nhân công chiếm phần lớn giá thành 65%.

Khi đoàn công tác ngỏ ý xin một mẫu định mức sản phẩm bất kỳ, ông Việt thoáng giật mình: Đây là thông tin không “public” (trích nguyên văn). Có nghĩa là không công khai! Nhưng vì là chỗ thân tình, ông chuyển sang tâm sự rất nhiều về tăng năng suất lao động nhờ tăng cường thiết bị và đào tạo tay nghề cho công nhân.

Trong số gần 100 doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố, tình trạng không công khai định mức sản phẩm cũng diễn ra tương tự như tại Tổng Công ty May 10. Chỉ duy nhất một doanh nghiệp nhỏ ngành may với hơn một trăm lao động trên địa bàn huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam cung cấp. Ngoài ra, Công ty cổ phần Trường An ở Hải Phòng cũng cam kết cung cấp định mức sản phẩm. Hầu hết các định mức sản phẩm thu thập được của nhóm phóng viên đều phải thông qua các cục thuế địa phương với lý do là để so sánh năng lực sản xuất cùng một ngành hàng tại các địa phương khác nhau.

Từ định mức sản phẩm có thể chỉ ra ngay tỷ lệ chi phí nhân công trên giá thành sản phẩm, không tính đến nguyên vật liệu. Đây là thông tin quyết định giúp người lao động đàm phán tiền công giờ làm thêm.

Định mức sản phẩm như một vũ khí thương thuyết

Nhìn vào định mức sản phẩm ta có thể thấy ngay mức nhân công và các định mức chi phí khác không tính đến nguyên vật liệu. Nếu tỷ lệ nhân công trên các chi phí khác là 2/1, tương ứng 67% giá thành thì mỗi giờ làm thêm theo pháp luật hiện hành người công nhân được hưởng 150% tiền lương trong giờ làm việc chính thức, người chủ doanh nghiệp hưởng 100% lợi nhuận/sản phẩm như trong giờ làm chính thức. Trong tất cả các định mức sản phẩm thu thập được, tỷ lệ nhân công/giá thành thấp hơn mức 67%. Như vậy là khi người lao động làm thêm giờ, lợi nhuận thu được của chủ doanh nghiệp tăng cao hơn so với trong thời gian làm việc chính thức. Tỷ lệ nhân công trên giá thành sản phẩm càng thấp, lợi nhuận của chủ doanh nghiệp chiếm đoạt được nhờ làm thêm giờ càng tăng. Ở đây luôn giả thiết là tiền công giờ làm thêm luôn bằng 150% tiền lương giờ chính thức.

Có lẽ điều này chính là động lực sâu thẳm, mạnh mẽ nhất cho tình trạng làm thêm giờ tràn lan bất chấp sự chừng mực, tỉnh táo của Bộ luật Lao động hiện hành.

Có một hiện thực mà chúng tôi nhận thức rõ trong suốt cuộc khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố là hầu hết người lao động không phản đối việc làm thêm giờ. Ở những bài sau, chúng tôi sẽ làm rõ thêm quan điểm này.

Trở lại với việc làm thêm giờ, thái độ không phản đối của người lao động là cơ sở để người sử dụng lao động thực hiện việc làm thêm giờ tràn lan và kéo dài. Quan điểm đúng về vấn đề này là ủng hộ làm thêm giờ nếu phần siêu lợi nhuận của làm thêm giờ được phân chia hợp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động. Có ý kiến đề xuất mức tiền công giờ làm thêm nên được trả lũy tiến sau mỗi giờ làm thêm. Một số khác lại cho rằng cần thay đổi hệ số tăng  ít nhất của giờ làm thêm. Hệ số 150%, 200% hoặc 300% (so với lương 8 tiếng/ngày) của giờ làm thêm hoàn toàn có thể nâng hẳn lên một vài chục phần trăm.

Định mức sản phẩm có thể giúp chỉ ra mức tiền công giờ làm thêm hợp lý đó. Nếu người lao động hoặc công đoàn cơ sở không có điều kiện tiếp cận thông tin định mức sản phẩm, Liên đoàn Lao động ngành, Liên đoàn Lao động địa phương và cả Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần hỗ trợ thông tin về những định mức sản phẩm tương tự để giúp công đoàn cơ sở có căn cứ đàm phán thỏa ước lao động tập thể. Một người lao động làm thuê, một công đoàn cơ sở là tập hợp những người làm thuê nếu được các tổ chức công đoàn cấp trên hậu thuẫn chắc chắn sẽ đủ tự tin và có căn cứ vững chắc để đạt được một thỏa thuận công bằng với chủ doanh nghiệp-người sử dụng lao động.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là Nhà nước và các tổ chức xã hội cần giám sát chặt chẽ việc làm thêm giờ kéo dài trong các doanh nghiệp. Thực tế chứng minh rằng ngay cả khi thu nhập tăng đáng kể, việc làm thêm giờ kéo dài vẫn dẫn đến suy kiệt không thể hồi phục được ở người lao động.