Bào mòn... sức lao động (kỳ 1)

Hơn 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch chỉ tính từ tháng 7 đến 15/9. Cho đến nay khoảng một phần ba lao động vẫn chưa quay trở lại. Mức lương không đủ để người lao động tiếp tục cuộc mưu sinh khổ ải và rủi ro vì dịch Covid-19. Và rất gần với nguy cơ bần cùng hóa là hàng triệu người vẫn đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều tra của nhóm phóng viên báo Thời Nay tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay sau đợt đại dịch lần thứ 4.

Công nhân trong một dây chuyền sản xuất.
Công nhân trong một dây chuyền sản xuất.

Kỳ 1: Cơn khát làm thêm giờ

Sau thời gian giãn cách, phong tỏa do đại dịch Covid-19 đang bùng nổ một cơn khát làm thêm giờ trong cả những người sử dụng lao động và chính những người lao động. Cả hai phía đều cố bù đắp thời gian gián đoạn sản xuất do đại dịch bằng cách làm thêm giờ. Có vẻ như đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm sẽ sớm được thông qua. Tuy nhiên, đề xuất này nguy cơ đã lỗi thời bởi nhiều doanh nghiệp đã âm thầm thực hiện làm thêm từ 800 đến hơn 1.000 giờ/năm.

Người người làm thêm giờ

Trong gần hai tháng khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, chúng tôi không tìm được bất cứ doanh nghiệp sản xuất dây chuyền nào mà không làm thêm giờ! Trên lý thuyết, tuân thủ Luật Lao động một cách hình thức tốt nhất là các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công cho các đối tác lớn ở nước ngoài. Họ thường giám sát khá chặt chẽ điều kiện làm việc của người lao động trong nước. Nếu phát hiện vi phạm Luật Lao động, đơn đặt hàng có thể bị hủy. Nhưng kế hoạch kiểm tra, giám sát của đối tác nước ngoài luôn phải thông báo trước cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công, việc tổ chức đối phó với đoàn kiểm tra, giám sát là có thể và thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi. Hầu hết các doanh nghiệp này đều kê khai làm thêm không quá 1,5 giờ/ngày, không quá 40 giờ/tháng. Ngay cả với cách kê khai như vậy, việc làm quá hơn 400 giờ/năm là hoàn toàn có thể. Thông tin từ một nguồn xin giấu danh tính cho biết, ở thời điểm cuối năm 2021 này, hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn ở một số tỉnh phía bắc đều tăng cường làm thêm giờ để đạt tiến độ đã ký kết với đối tác. Để đối phó với sự kiểm soát từ phía đối tác cũng như cơ quan chức năng, mỗi khi bắt đầu làm việc, những câu trả lời dành cho “người lạ” khi được hỏi sẽ được bên công ty phát qua loa phóng thanh tại mỗi phân xưởng, dây chuyền. Đương nhiên, những câu trả lời đã “nằm lòng” của người công nhân khi ấy sẽ là điều phi thực tế. Việc hướng dẫn công nhân trả lời cho đúng luật ấy không loại trừ ở những phân xưởng, nhà máy tại các tỉnh miền nam, miền trung.

Cần lưu ý rằng, theo Luật Lao động 2019, việc làm thêm giờ phải không quá 4 giờ/ngày; 40 giờ/tuần và 200 giờ/năm. Trong một số ngành nghề đặc biệt, việc làm thêm giờ mỗi ngày, số giờ làm thêm trong năm vẫn có thể tới 300 giờ!

Anh L.V.T là cán bộ của Công ty Lee Hing (Khu Công nghiệp Phố Nối B - Hưng Yên) cho biết, công ty có hơn 200 lao động, trang thiết bị hiện đại, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng, mỗi ngày thường làm thêm 2 giờ. So với pháp luật hiện hành và tình trạng làm thêm giờ phổ biến, đây là mức tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, khi kể về lịch sản xuất hằng ngày, anh buột miệng: ca làm đêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng…! Có nghĩa là giờ làm thêm thực mỗi ca là 4 giờ và mỗi người lao động có thể làm thêm tới 1.000 giờ/năm.

Anh Trần Anh Phúc, công nhân Công ty Sangwoo, một doanh nghiệp may của Hàn Quốc trong khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: Từ thứ hai đến thứ sáu, anh làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng đến 8 giờ 30 phút tối, tính cả thời gian ăn và nghỉ trưa. Thứ bảy, anh làm việc 8 tiếng và chủ nhật được nghỉ hoàn toàn.

Tại Đồng Nai, trong buổi làm việc với nhóm phóng viên Thời Nay, anh Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Năm 2017-2018, qua thanh tra, giám sát phát hiện có cả những doanh nghiệp cho người lao động làm thêm giờ từ 900 đến hơn 1.000 giờ/năm. Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp vào loại nhất cả nước. 

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nơi các lực lượng thanh tra, giám sát lao động trung ương và Hà Nội cùng hoạt động, vẫn có nhiều biển quảng cáo tuyển dụng lao động với mức thu nhập tương ứng mời chào làm việc 11-12 giờ mỗi ngày, cả làm đêm và chủ nhật. 

Có thể nói không ngoa rằng số giờ làm thêm do pháp luật quy định chỉ có một giá trị tượng trưng mờ nhạt, như một mốc so sánh xem các doanh nghiệp đã vượt mức cho phép bao nhiêu!

Bào mòn... sức lao động (kỳ 1) -0
Bảng quảng cáo tuyển dụng của một công ty cung ứng lao động. 

Những hệ lụy

Những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm hàng trăm năm công nghiệp hóa trên thế giới đã chỉ ra rằng việc kéo dài thời gian lao động mỗi ngày sẽ đưa đến tình trạng suy kiệt thể chất không thể phục hồi đối với người lao động. Hầu hết người lao động trong các dây chuyền giản đơn như dệt may, da giày, thủy sản hay sản xuất linh kiện điện tử dần bị loại bỏ trước tuổi 40 vì không đủ sức khỏe đáp ứng cường độ lao động cao với yêu cầu tăng giờ làm triền miên. 

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, trong cuộc khảo sát của Hội đồng Tiền lương quốc gia tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú-Hậu Giang, doanh nghiệp này có khoảng 15.000 lao động nhưng mỗi năm chỉ có vài người về hưu theo đúng độ tuổi, còn lại nghỉ trước tuổi 35 với trợ cấp thất nghiệp.

Khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố của nhóm phóng viên Thời Nay cho thấy, không có doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng lao động trên tuổi 35. Tại Khu công nghiệp Đồng Nai, Công ty Teakwang Vina đang có nhu cầu tuyển dụng 5.000 lao động để bù đắp số thiếu hụt sau thời kỳ giãn cách do đại dịch Covid-19. Mặc dù sẵn lòng trả 4 triệu đồng môi giới cho một lao động nhưng công ty dứt khoát không nhận lao động trên 35 tuổi. Nếu chỉ làm việc 8 giờ mỗi ngày, mọi công nhân đều có thể làm việc tới 60 tuổi. Nhưng các doanh nghiệp không tuyển dụng lao động chỉ đến làm việc 8 giờ/ngày. Vì vậy những lao động trên 35 tuổi dù có tay nghề, kinh nghiệm cũng không có cơ hội kiếm được việc làm trong các công xưởng công nghiệp. 

“Làm thêm giờ tạo ra siêu lợi nhuận!”

Đây là công thức đã được Các Mác (Karl Marx) khẳng định trong bộ Tư bản. Bộ sách là nền tảng tư tưởng của giai cấp vô sản và những người cộng sản. Tại đoạn trích báo cáo của các thanh tra công xưởng ở Anh thời giữa thế kỷ 19, được Các Mác dẫn lại: Đối với nhiều chủ xưởng, lợi nhuận siêu ngạch kiếm được nhờ lao động quá mức thời gian do luật pháp quy định là một sự quyến rũ quá lớn khiến họ không thể chống cự lại nổi (bộ Tư bản, tập 1 phần 1 trang 309, dòng 6 từ trên xuống). Chúng tôi sẽ không dẫn lại chi tiết những lập luận tài tình, khoa học của nhà tư tưởng vĩ đại ấy, bởi nhiều người sẽ phản bác bằng một câu đơn giản: Thời trước khác, bây giờ khác! Bằng số liệu thực tế, chúng tôi sẽ chứng minh sự bóc lột ấy đã được mềm mại hóa, trở nên tinh vi hơn, vì vậy hiệu quả hơn. Về bản chất, vấn đề vẫn luôn là như vậy!

Bộ Luật Lao động 2019 của Việt Nam có quy định về tiền công làm thêm giờ: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết. Đây là bước tiến lớn so với thời kỳ của Các Mác bởi tiền công làm thêm giờ có mức tăng lũy tiến khá cao. Làm việc với nhóm phóng viên Thời Nay, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: mức 150%, 200%, 300% của nước ta khá phổ biến trong luật lao động của các quốc gia trên thế giới, một số nước cao hơn một chút, một vài quốc gia khác có thể thấp hơn. 

Trong ngành thống kê có một nguyên tắc bất thành văn: con số tròn, đẹp là kết quả không chính xác! Với người lao động chỉ thêm vài phần trăm trong những hàng trăm phần trăm ấy, thu nhập của họ cũng có thể rất khác. Khi được hỏi căn cứ để đưa ra những tỷ lệ “đẹp” như trong Bộ luật Lao động, ông Hưng cho biết: “Chắc chắn là đã có những cân nhắc kỹ lưỡng của các chuyên gia, vả lại thông lệ quốc tế và ở nước ta trước nay đều thế cả. Nếu muốn biết rõ hơn, đoàn công tác nên làm việc với Vụ Pháp chế của Bộ”.

Thật ra, cơ sở cho việc tăng tiền công cho giờ làm thêm không quá bí hiểm đến thế. Khi làm thêm giờ, chủ doanh nghiệp tận dụng được nhà xưởng, máy móc, không tăng thêm chi phí quản lý, bảo hiểm… Đây là cơ sở cho việc tăng thêm tiền công cho mỗi giờ làm thêm. Mặt khác, khi người lao động làm thêm giờ, khả năng tái tạo sức lao động của họ bị suy giảm. Chính vì lẽ đó người sử dụng lao động cần phải trích một phần lợi nhuận từ làm thêm giờ để bù đắp cho người lao động. Viện phó Viện Công nhân công đoàn Nhạc Phan Linh xác nhận lập luận này nhưng khi được hỏi: Luật quy định các mức lương tối thiểu 150%, 200%, 300% và qua khảo sát số liệu thực tế từ khắp cả nước hầu hết các doanh nghiệp chỉ áp dụng mức tối thiểu. Vấn đề là có thể nâng tiền công làm thêm giờ lên trên mức tối thiểu được không? Căn cứ của việc nâng mức tiền công? Đâu là mức tiền công làm thêm giờ thỏa đáng với người lao động mà vẫn bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho người sử dụng lao động?

Ông Nhạc Phan Linh trả lời: “Đây là cách đặt vấn đề hợp lý nhưng hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho vấn đề này, hẹn trả lời vào một dịp khác”.

Một cách cảm quan, với cơn khát làm thêm giờ âm ỉ và dữ dội trước, trong  và sau đỉnh dịch Covid-19 có vẻ như những quy luật được Các Mác phát hiện vẫn còn đôi chút hiệu lực trong thời đại chúng ta. Mặt khác, khi luật quy định các mức 150%, 200%, 300% cho mỗi giờ làm thêm, có vẻ như nhân công chỉ chiếm phần không lớn trong giá thành sản phẩm. Có nghĩa là vẫn còn dư địa cho tăng lương, tăng tiền công giờ làm thêm của người lao động! 

(Còn nữa)

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương là đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Vụ Lao động-Tiền lương và Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động, tiền lương theo quy định của pháp luật.

Về tiền lương, Vụ Quan hệ lao động và Tiền lương có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng trình Bộ LĐ-TB&XH:

- Tiền lương tối thiểu;

- Nguyên tắc xây dựng định mức lao động, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương;

- Tiền lương trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;

- Tiền lương, thưởng và thù lao đối với người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước; xác định chi phí lao động trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích

- Tiền lương đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.