Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21:

Chờ đợi xướng tên

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh các lùm xùm liên quan Cục Điện ảnh còn chưa hạ nhiệt. Nhưng trước tiên, hãy mừng vì mỗi năm, chúng ta đều có nhiều phim để chọn lựa hơn, dòng phim đa dạng hơn.

“Song Lang” là bộ phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật dù không thành công về doanh thu. Ảnh: TL
“Song Lang” là bộ phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật dù không thành công về doanh thu. Ảnh: TL

Phim nhà nước trở lại

Hoàn cảnh LHP năm nay làm người ta nhớ tới LHP Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên năm 2011, khi mà cả Cục trưởng lẫn Phó Cục trưởng Điện ảnh đều xin từ chức sau vụ thất thoát 42 tỷ đồng. Khi ấy, Cục Điện ảnh đã có ngay một người thay thế khá hiệu quả là quyền Cục trưởng Ngô Phương Lan. Bà Lan, với tư cách là người hiếm hoi giàu chuyên môn về phê bình điện ảnh, đã lèo lái một kỳ LHP nhiều tranh cãi.

Với LHP năm nay, sự xuất hiện của bốn phim nhà nước trong danh sách dự thi cuối cùng, là một tín hiệu đầy xúc động. Xúc động trước hết, là mô hình xã hội hóa 70% vốn nhà nước, 30% vốn tư nhân đã có hiệu quả, có phim ra rạp, dù rằng kỳ tích “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chưa lặp lại. Phải nhắc lại là suốt giai đoạn 2015 - 2017, Cục Điện ảnh không thể giải ngân hết kinh phí được Chính phủ giao đặt hàng phim. Theo quy định của Luật Ngân sách, hết thời hạn cho phép mà không có kịch bản đáp ứng yêu cầu thì kế hoạch tài chính bị hủy bỏ.

Xúc động nữa là cả bốn phim có đề tài đa dạng, cả những nội dung hiếm thấy ở dòng phim nhà nước như “Thạch Thảo” (đạo diễn Mai Thế Hiệp), “Hợp đồng bán mình” (đạo diễn Trần Ngọc Phong). Mặc dù để được duyệt chi, các nhà làm phim cũng phải nâng lên đặt xuống kịch bản nhiều lần. Như trường hợp “Hợp đồng bán mình”, đạo diễn Trần Ngọc Phong tiết lộ: “Để làm một bộ phim vừa được duyệt và phải ra rạp được khán giả chấp nhận và tạo doanh thu phòng vé, kịch bản đã phải chỉnh sửa 12 lần, quay phim trong hai tháng nhưng mất hai năm để chuẩn bị”. “Hợp đồng bán mình” cũng là sự trở lại sau 5 năm kể từ “Đường xuyên rừng” của Công ty cổ phần phim Giải Phóng.

Nhàn nhạt và thử nghiệm

Không phải năm nào LHP cũng có Bông sen vàng. Và thiếu vàng, chưa chắc đã là một kỳ LHP thất bại. Năm nay, hạng mục phim truyện điện ảnh của LHP có 16 phim được chọn dự thi cuối cùng. Ngoài “Tháng năm rực rỡ” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là một phim làm lại (remake) thì các phim khác đều rộng cửa tranh giải Bông sen. Có điều “so bó đũa, chọn cột cờ”, phim nhàn nhạt chiếm đa số.

Danh sách nhàn nhạt có thể kể tới “Khi con là nhà” của Vũ Ngọc Đãng. Phim Vũ Ngọc Đãng có chất riêng, nhưng mấy năm qua, cái chất ấy cứ lẩn quất đâu đó chứ chưa bật lên được như thời kỳ đầu. “100 ngày bên em” (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) và “Lật mặt: Nhà có khách” (đạo diễn Lý Hải) dù có cả một chiến dịch giải cứu phim Việt giữa cơn bão Avengers vẫn chấp nhận thua bom tấn Hollywood. Ngoài việc thua về danh tiếng, phải thừa nhận cả hai phim dễ thương, nhưng ở mức tròn trịa mà thôi. Victor Vũ rất có duyên với các giải thưởng Cánh diều. “Người bất tử” của anh là một phim xem được. Có điều nếu so các tác phẩm quá thành công trước đó, “Người bất tử” năm nay kém gây ép-phê hơn rất nhiều.

“Cua lại vợ bầu” (đạo diễn Nhất Trung), “Anh thầy ngôi sao” (đạo diễn Đức Thịnh) thuộc dòng hài đã quá quen thuộc. “Hạnh phúc của mẹ” (đạo diễn Huỳnh Đông) bị vụ lùm xùm trước đó của Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn ám ảnh nên cũng không mấy hút khách, vả lại kịch bản phim cũng khá dễ đoán.

Trong số bốn phim nhà nước, chỉ có “Thạch Thảo” được công chiếu, ba phim còn lại mới ra mắt có giới hạn. Khó chờ đợi gì ở câu chuyện tình gà bông trong “Thạch Thảo”. Đó là một phim điển hình nhạt nhẽo khó gọi thành tên.

Giữa các sự nhàn nhạt, những thử nghiệm từ nhỏ đến lớn đều trở nên nổi bật. Bộ phim hành động đánh nhau đến quên ăn cơm “Hai Phượng” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) sẽ là ứng cử viên đầu tiên cho phim hay nhất khi phim này hiện đang đại diện Việt Nam “chinh chiến” ở Oscar 2020. Diễn xuất của Ngô Thanh Vân cũng là một lựa chọn nổi trội giữa các diễn viên còn lại. Ứng cử viên đáng kể có thể nhắc tới nữa là “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là một người trẻ may mắn khi được tiếp cận nhiều dự án nhà nước, và có vẻ khá biết tận dụng may mắn ấy. Phim của Vũ không mới như tuổi Vũ cần có. Nhưng trong mặt bằng chung, “Truyền thuyết về Quán Tiên” không dở. Vả lại, Vũ cũng đã quen mặt với Bông sen rồi. Thậm chí Thúy Hằng với vai Mùi trong phim này cũng có thể coi là một đối thủ của Ngô Thanh Vân cho ngôi vị Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

“Song Lang” (đạo diễn Leon Le) là một thử nghiệm, dù là thử nghiệm thất bại về doanh thu. Nhưng phim nhận được sự ưu ái của giới chuyên môn bởi sự nghiêm túc làm nghề. Một phim khác cũng nên nhắc tới là “Thưa mẹ con đi” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), một phim độc lập hiếm hoi tranh giải. Phim gọn gàng, rõ ràng, đề tài mới mẻ (với điện ảnh Việt thôi). Nếu “Thưa mẹ con đi” có giải, đó sẽ là sự động viên lớn cho các nhà làm phim độc lập.