Cần những giải pháp đồng bộ

NDO - Xử lý dứt điểm nạn lấn chiếm hè phố là điều vô cùng khó. Khó bởi thói quen đã "thâm căn cố đế" của người dân và nhiều vướng mắc trong quản lý. Ðể hè phố thoáng, đẹp và người dân nghèo vẫn có chỗ mưu sinh là điều không dễ làm trong một sớm một chiều. Phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần đã ghi lại một số ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp
Ông Nguyễn Hoàng Giáp

* Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Cần thống nhất, mục đích của hè phố là dành cho người đi bộ. Khi xử lý hàng quán tự phát trên 268 tuyến phố nội thành cũng cần những giải pháp khác nhau. Chính quyền và các đoàn thể xã hội cần có những chính sách hiệu quả hơn nữa để quy hoạch, sắp xếp cho những dân nghèo lâu nay vẫn sống dựa vào hè phố. Thành phố nên đầu tư xây thêm chợ cho người nghèo vào đó buôn bán. Vấn đề bảo đảm an toàn giao thông là cần thiết, nhưng cũng cần ổn định đời sống cho người dân.

* Ông Phạm Văn Thời, Phó Trưởng công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Giải quyết vấn đề buôn bán trên hè phố, thành phố nên có quy định cụ thể khu nào cấm hẳn, khu nào cấm theo thời gian cho chặt chẽ. Theo đó, phải có luật cụ thể quy định vi phạm vấn đề nào thì phạt bao nhiêu. Mức xử phạt vi phạm đánh đồng ở mức 25 triệu đồng là không khả thi. Cần chia nhỏ mức xử phạt, đối tượng nào thì xử thế nào. Người buôn bán nhỏ, hàng hóa bị thu có giá trị thấp nên khi bị bắt luôn có tư tưởng "bỏ của chạy lấy người", và sẽ lại tìm cách đến khu phố khác mưu sinh.

* Ông Nguyễn Ðăng Khoa, Trưởng phòng quản lý Ðô thị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Ðiển hình của lấn chiếm hè phố là phố Triệu Việt Vương. Chỉ trên một đoạn không dài mà có biết bao nhiêu quán cà-phê, quán ăn san sát mọc lên. Họ có quyền kinh doanh, buôn bán, có quyền xin cấp giấy phép kinh doanh. Việc cấp phép kinh doanh bừa bãi, trong giấy phép lại không quy định về chỗ để xe của các quán hàng đó nên sinh ra những bất cập. Người ta có thể kinh doanh ở trong ngõ, nhưng lại chiếm luôn hè phố làm chỗ để xe. Thế thì không ảnh hưởng đến người đi đường, đến mỹ quan đô thị mới là lạ.

* KTS Tôn Ðại, Chủ tịch Hội KTS cao tuổi Hà Nội: Chính hoạt động buôn bán hè phố làm cho đô thị trở nên sinh động và mang bản sắc. Chúng ta nên xem xét cho một số hàng rong tồn tại một số đường phố, nhất là phố cổ để tạo nên mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữ lại được "cái hồn" của phố xưa đó là một nét độc đáo của bản sắc đô thị Việt Nam. Dẫu biết rằng dẹp nạn bày bán hè phố và giữ gìn "nhan sắc" cho phố là việc khó khăn đã làm cho các cơ quan hữu quan đau đầu, nhưng chưa phải đã hết cách.