Bảo đảm "sức khỏe" thị trường lao động

Sự chuyển động của thị trường lao động thế giới đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với thị trường lao động trong nước. Đã đến lúc, công tác quy hoạch nguồn nhân lực cần được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp hơn, với những giải pháp mang tính liên ngành để đáp ứng và đón đầu cơ hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nhân lực cần chú trọng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ảnh: THU NGA
Đào tạo nhân lực cần chú trọng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ảnh: THU NGA

Lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền. Tuy nhiên, việc quy hoạch các khu công nghiệp vẫn chưa khoa học, còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ chiếm 25%-26% tổng lực lượng lao động. Các khu công nghiệp vẫn chủ yếu thu hút lao động giá rẻ, chưa qua đào tạo bài bản. Thực tế, trong các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, chưa có "quy hoạch" về lực lượng lao động. Đại bộ phận lao động đang làm việc tại đó (80%) là lao động nhập cư, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, ý thức về sự chuyên nghiệp còn thấp. Vì vậy, chất lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Cụ thể hơn, phải xây dựng "bản đồ công nghiệp" của Việt Nam để làm cơ sở xây dựng phương án cung ứng lao động, phân bổ và sử dụng lao động trên toàn quốc. Thực chất, đây là hệ thống giải pháp phối hợp liên ngành, từ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, ngành nghề đến giáo dục, đào tạo, bảo đảm "sức khỏe" của cả thị trường lao động và nền kinh tế.

Đồng quan điểm ấy, ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Quy hoạch- Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết thêm, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng, phát triển các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, phù hợp theo xu thế chung của khu vực và thế giới với quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng, các lĩnh vực sản xuất tập trung chuyên sâu, chuyên ngành và chuyên biệt.

Thay đổi toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Dự thảo "Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt, tạo nền tảng phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực, đáp ứng được mục tiêu trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quy hoạch đưa ra chín nhóm giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện tại. Đó là: Giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị; khoa học công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động (vận hành, quản trị); tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện.

Dự kiến đến năm 2030 sẽ không còn trường trung cấp công lập; mỗi tỉnh, thành phố chỉ có một trường cao đẳng công lập cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trường trên địa bàn; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập sẽ được thu hút đầu tư để phát triển, đưa số cơ sở này chiếm 45% tổng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2030. Đồng thời hoàn thiện hệ thống trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập tại các đơn vị hành chính cấp huyện nhằm thúc đẩy dạy nghề, học nghề ở các địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nước ta đang xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, theo đó cũng cần phải thực hiện các giải pháp đào tạo để lực lượng lao động đáp ứng được tiêu chuẩn của mô hình đó. Lực lượng lao động trong các khu công nghiệp cần được đào tạo tăng tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề. Thời gian tới, cần bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ.

Ở góc độ đào tạo, TS Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chia sẻ: Công nhân là người tạo nên sức sống và năng suất lao động ở các khu công nghiệp. Một khi công tác quy hoạch khu công nghiệp và lao động được hợp lý sẽ tạo động lực để công nhân trình độ cao được làm việc trong những khu công nghiệp sinh thái, bảo đảm được thị trường lao động phát triển ổn định, bền vững.

Theo nhiều chuyên gia, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải được quy hoạch sát nhu cầu sử dụng lao động của các địa bàn, ngành nghề phù hợp Quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế, có tính đến các ngành chủ lực, then chốt và bảo đảm an ninh, quốc phòng.