Bảo đảm an toàn giao thông cho xe buýt

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội, các đơn vị vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã cải thiện được rõ rệt cả về chất lượng phương tiện lẫn số lượng tuyến. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn từ xe buýt, như một thứ "hung thần xa lộ", vẫn còn là nỗi lo lắng đối với người dân Thủ đô khi tham gia giao thông.

Cần những giải pháp toàn diện để nâng cao tính an toàn của xe buýt khi tham gia giao thông.
Cần những giải pháp toàn diện để nâng cao tính an toàn của xe buýt khi tham gia giao thông.

Thiếu an toàn vì ...

Không ít chủ phương tiện cá nhân đã gặp phải cảnh như chị Nguyễn Thanh Thủy (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Tôi thường đi làm qua ngã sáu Ô Chợ Dừa. Có mấy lần tôi rẽ sang Xã Ðàn thì bị xe buýt cắt ngang đầu xe, may mà không ngã!". Hay như tháng 8 vừa qua, một hành khách nữ đã phản ánh vụ việc lái, phụ xe buýt số 42 lộ trình Bến xe Giáp Bát - Ðức Giang thản nhiên vừa ăn, vừa uống bia trên xe gây phản cảm, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nhiều chuyến xe buýt đã "phóng" trên đường với tốc độ cao, nhất là khi đi trong các khu vực có mật độ phương tiện đông, gây nguy hiểm cho các phương tiện chung quanh.

Hiện trên toàn thành phố có hơn 6.500 lái xe và nhân viên phục vụ VTHKCC bằng xe buýt - lực lượng trực tiếp, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm ATGT. Thế nhưng, như TS Phan Lê Bình nhận định: Nguyên nhân dẫn tới việc tài xế xe buýt phải "đua" trên đường là do họ bị khống chế thời gian. Họ phải gắng về bến đúng giờ, bảo đảm yêu cầu đúng giờ, đúng tuyến của hành khách, trong bối cảnh hệ thống đường của Hà Nội nhỏ hẹp, chật chội, rất dễ dẫn tới bị tắc nghẽn.

Ðặc thù các tuyến giao thông trên địa bàn TP Hà Nội chủ yếu theo hình thức hỗn hợp. Xe buýt khi muốn đến được bến đón/trả khách phải chuyển làn nhiều lần, băng cắt qua các lớp phương tiện cá nhân, rất dễ gây va chạm, tai nạn. Hơn nữa nhiều khi xe buýt khi vào bến dù đã bật xi-nhan xin rẽ nhưng các phương tiện cá nhân khác cũng không nhường đường. Ngay cả với xe buýt nhanh BRT, mặc dù đã có làn đường riêng nhưng vào giờ cao điểm vẫn bị các phương tiện cá nhân khác lấn làn, dễ khiến lái xe buýt không phản ứng kịp, hoặc không chạy đúng giờ quy định.

Nỗ lực cải thiện toàn diện

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị, cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2019, qua công tác kiểm tra giám sát đã phát hiện và lập 582 biên bản vi phạm hợp đồng. Theo đó, vẫn còn tình trạng lái xe chưa chấp hành tốt luật giao thông, và dễ vi phạm với các lỗi như chạy quá tốc độ, không bật thiết bị giám sát hành trình bảo đảm kỹ thuật, không xé vé, niêm yết thông tin chưa đồng bộ...

Cũng theo chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình, bên cạnh việc nâng cao ý thức đội ngũ lái xe, về lâu dài, cần xây dựng làn đường riêng cho xe buýt nhằm bảo đảm việc vận hành diễn ra thuận lợi. Với vấn đề này, TP Hà Nội đã có kế hoạch sẽ rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô-tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn.

Riêng đối với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị doanh nghiệp nòng cốt trong VTHKCC bằng xe buýt, hiện đã có nhiều phương án hành động cụ thể như: Thắt chặt quy định trong tuyển chọn, sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tác hại của rượu bia đến các lái xe, phụ xe; thi hành kiểm tra toàn diện và xử phạt nghiêm khắc các sai phạm…

Chất lượng kỹ thuật, an toàn, vệ sinh… của mỗi chiếc xe buýt cũng luôn là vấn đề được quan tâm. Trung bình một ngày, mỗi chiếc xe buýt phải hoạt động liên tục từ bốn giờ sáng đến 23 giờ, vì vậy, công tác bảo dưỡng kỹ thuật như hệ thống phanh xe, điều hòa, cửa lên/ xuống, hệ thống xả khói… là việc mà các đơn vị như Transerco luôn đặt lên hàng đầu nhằm phát hiện kịp thời sự cố, hỏng hóc. Tất cả đều được chú trọng, vì sự an toàn của người dân Thủ đô.