Từ những nguồn tin
Bỏ mọi việc để tập trung ở Ban Thời Nay, chúng tôi nhận nhiệm vụ tìm hiểu thông tin về việc một số quốc gia khu vực Đông Nam Á cho phép trồng thử nghiệm cây cần sa (ở nước ta, loại cây này nằm trong danh sách một trong các loại ma túy, cấm mua bán, vận chuyển và sử dụng). Lần này, sẽ phải đi công tác xa, nhiều nơi mới có thể thực hiện loạt bài điều tra "những nẻo đường… cần sa".
Tìm hiểu ban đầu, nhiều nguồn tin tin cậy cho biết, trong thời điểm đó, đã có Thái Lan và Lào là hai quốc gia cho phép thử nghiệm trồng cây cần sa cho mục đích thương mại. Vậy làm sao tiếp xúc với các đầu mối có thể đưa nhóm tới những nơi trồng cần sa? Tìm đâu ra người hiểu biết về nó? Ai là người đủ tin tưởng để có thể đưa nhóm đi? Ai lo "an ninh" cho nhóm? "Đối tác" nào có đủ uy tín để giúp nhóm xâm nhập các đường dây vận chuyển, mua bán, trồng cây cần sa ở địa bàn… nước bạn?
Đó là những câu hỏi cần phải giải đáp trước khi lên đường.
Nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, một số cục hải quan các tỉnh miền trung và miền Tây Nam Bộ. Từ đó nhận được vài thông tin khá "mơ hồ" về việc có thực tế là nhiều tổ chức đang trồng cây cần sa tại nước ngoài, từ đó biến nước ta có nguy cơ trở thành địa bàn tiêu thụ, trung chuyển đi các nước khác trên thế giới. Nguy cơ là có thật, nhưng thực tế ra sao, về cơ bản cơ quan chức năng chúng ta chưa nắm rõ, bởi khi ấy cũng chỉ mới bắt đầu vào mùa thu hoạch đầu tiên kể từ khi nước bạn cho phép trồng loại cây này để làm thương mại.
Đã từng có những thời gian đi Lào, Thái Lan, một "đầu mối" có thâm niên hàng chục năm qua lại hai nước này nhận trách nhiệm "câu móc" cho nhóm xâm nhập thực tế tại Lào. Một nhóm "đầu lĩnh" có nguồn gốc từ Hải Phòng cũng đã chấp thuận sẽ tìm cách để phóng viên có thể vào các farm - trang trại trồng cần sa tại Thái Lan với tư cách "khách mời đặc biệt" nhằm tìm cơ hội đầu tư.
Ði Lào…
Đêm trước khi lên đường, trong cuộc chia tay tại Hà Nội, chúng tôi nhận "khẩu quyết" làm hành trang đi đường "nhớ làm việc hết sức an toàn, nếu có vấn đề gì nguy hiểm thì dừng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ…".
Sang tới đất Lào, nhóm phóng viên đã "biến hình" thành những doanh nhân Việt kiều từ Ukraine sang Lào nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư trồng, nuôi và thu hái cây cần sa.
Sau nhiều lần tiếp cận với người được giới thiệu là "người vận chuyển" của các đối tượng trồng cần sa. Vượt nhiều thử thách. Khi đối tượng không chấp nhận gặp mặt, có lúc hẹn gặp rồi… không tới, chỉ gửi qua "người vận chuyển" lời nhắn "có thể nhận hàng tại Lào, nếu muốn có thể nhận tại Việt Nam nhưng giá cao hơn nhiều. Tiền trả trước, nếu bị bắt hàng thì chấp nhận chia đôi thiệt hại. Yêu cầu để có thể gặp nhau bàn bạc là xuất ngay khoản tiền 100 nghìn USD để mua hàng. Lô hàng đã được chuẩn bị sẵn. Không thì… khỏi gặp".
Yêu cầu này xem ra phù hợp đám… tội phạm buôn cần sa nhưng bất khả thi với nhóm phóng viên. Đào đâu ra từng ấy tiền chỉ để ra vẻ cần mua đống hàng cấm ấy? Phóng viên chứ đâu phải điều tra viên? Không thể báo cáo cơ quan xin tiền dù chỉ là giả vờ mua… hàng cấm.
Bàn bạc mãi, "người vận chuyển" mới đồng ý để cho những người bạn từ Ukraine gặp mặt "ông chủ" với lý do là cần tìm người… hợp tác chứ không phải là buôn cần sa đơn thuần. "Ông chủ" là một người Mỹ gốc Lào xuất hiện từ phía sau lưng nhóm phóng viên sau khi đã quan sát kỹ động thái của từng người. Yêu cầu cho "xem hàng" được đáp ứng bằng những ba-lô cần sa to tướng. Những clip ghi hình quá trình ươm, trồng và thu hoạch cây cần sa cũng đã được chuyển lại cho phóng viên.
Tuy nhiên, việc đưa người vào trang trại đã bị hủy bỏ ngay ngày hôm sau. Người Mỹ biến mất sau khi gửi lại lời nhắn: "Chỉ chấp nhận giao tiền - hàng. Người lạ không được vào trang trại". "Họ sợ các anh cướp hàng" - "người vận chuyển" chỉ nói vậy.
Cũng trong quá trình tiếp cận, thông tin tin cậy cho biết: cần sa không được trồng nhiều ở bắc Lào, nó nằm ở Laksao, phía tây dãy Trường Sơn, giáp với Hà Tĩnh, Việt Nam. Nhóm phóng viên tận mắt chứng kiến những kiện cần sa từ phía thủ đô Vientiane được vận chuyển tới vài địa chỉ phía bắc theo đường bộ hoặc đường bưu điện.
Trong một trang trại cần sa ở Thái Lan. |
Sang Thái Lan và vào trang trại…
Từ nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho biết, ở Thái Lan có nhiều "farm" trồng cây cần sa do những người Việt Nam phụ trách. Các chuyên gia trồng cần sa đã từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây tìm cơ hội làm ăn.
Về cơ bản, trang trại tại Thái Lan được xây dựng quy mô, bài bản. Nó quy mô tới mức vấn đề an ninh đối với "farm" luôn được đặt lên hàng đầu vì nguy cơ bị cướp, phá hoặc bị "zích" thâm nhập tìm hiểu khả năng nuôi, trồng, thu hoạch. Sức cạnh tranh của mỗi farm phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ mỗi chuyên gia, nên khả năng nuôi cây, chăm bón nó luôn được mỗi "farm" giữ kín.
Để có thể đi ngang qua từng "farm" thì không khó, nhưng chỉ cần xuất hiện trước cổng mỗi "farm" này không đầy nửa phút, lực lượng bảo đảm "an ninh" cho "farm" sẽ xuất hiện với tinh thần sẵn sàng… chiến đấu. Việc đẩy đuổi người lạ không phải của mấy người mặc áo bảo vệ nói giọng bản địa. Nó do những "đại ca" có tên tuổi trong giới giang hồ người Việt đảm trách.
Chấp nhận sự soi mói từng ly từng tí của tất cả các ánh mắt trong trang trại là điều tất yếu. Nhưng để vượt qua cảm giác khó thở khi luôn có những ánh mắt cực kỳ thiếu… thiện cảm ở ngay phía sau lưng thì thật khó. Làm sao để cho họ cảm thấy an toàn khi có sự xuất hiện của người lạ? Chúng tôi biến mình thành một thành viên của "farm"... Khi người ta vào khu vực ươm, bạn cùng có mặt như một người sẵn sàng nâng niu từng cây giống. Khi vào vườn thu hoạch, bạn biến mình thành một anh nông dân cùng nhau khuân từng ôm cây chất lên xe bán tải để đưa vào khu vực sấy, từ đó lại đưa cây vào phòng tách phấn, vận chuyển vào kho…
Khi đủ quen biết và tin tưởng, anh sẽ trở thành bạn của những người nông dân gốc Việt nhưng mang nhiều quốc tịch trong "farm". Những câu chuyện về giới trồng cần sa tại Anh quốc, Tiệp Khắc (trước kia), tại Canada hay ở Australia thật sự là câu chuyện thú vị về cuộc sống muôn màu của những người nông dân từng trải.
Để thực hiện tuyến bài này, lãnh đạo Báo Nhân Dân và Ban Thời Nay luôn quán triệt rằng cần cố gắng tìm hiểu thật đầy đủ, kỹ càng và có cái nhìn khách quan đối với quan điểm của từng quốc gia trong khu vực. Quan trọng hơn cả là làm sao vẽ nên bức tranh toàn cảnh của thực trạng, từ đó làm rõ nguy cơ ma túy - cần sa và các loại sản phẩm được bào chế từ nó xâm nhập vào Việt Nam rồi ra thế giới. Gióng lên hồi chuông báo động từ khi nguy cơ này vẫn còn đang tiềm tàng ở ngoài biên giới nước ta.
Những cú điện bất ngờ…
Buổi sáng sớm, quãng tháng 11, hay tháng 12/2023 (sau khi loạt bài "Những nẻo đường cần sa" đã được khởi đăng hồi tháng 8/2023) tôi nhận cuộc điện thoại khá bất ngờ, "báo cho cậu tin mừng, rằng Chính phủ của Thái Lan sẽ không cho phép sử dụng cần sa vào mục đích giải trí. Như vậy, mối lo trước mắt của chúng ta tạm thời đã được giải tỏa".
Thông thường, cứ mỗi lần nghe điện thoại từ "chỉ huy", chúng tôi đều hiểu rằng sẽ có một đề tài "quả tạ" rơi vào đầu. Giống như cảm giác đầu tiên khi nghe "lệnh triệu tập" về cơ quan để giao đề tài "cần sa" cho nhóm. Nhưng cuộc điện thoại lần này không thế. Nó là một cuộc thoại chúc mừng.
Tôi vào mạng, khi ấy tờ Vnexpress dẫn tin từ Bangkok Post cho hay, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Cholnan Srikaew ngày 15/11/2023 thông báo dự luật quản lý cần sa vốn không được Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 5/2023 đang được viết lại, do những lo ngại về việc lạm dụng dẫn đến gây nghiện. Cuối tháng 2 vừa qua, trả lời Reuters, Bộ trưởng Y tế Cholnan Srikaew cho biết Thái Lan sẽ cấm sử dụng cần sa để giải trí vào cuối năm 2024, nhưng vẫn tiếp tục cho phép sử dụng chất này cho mục đích y tế.
Tôi vẫn nhớ status - trạng thái của một cô bạn quen trên facebook "Lê Thanh Lương", để tâm niệm rằng "khi bạn được làm những điều mình thích, ấy là tự do. Khi bạn thích những điều mình làm, ấy là hạnh phúc". Điều hạnh phúc nhất là khi bạn có cơ hội tham gia một cuộc điều tra mà bạn biết rõ rằng, việc làm ấy thật sự có ý nghĩa cho người thân và cho Tổ quốc. Và chúng tôi, sẽ vẫn chờ đợi những cuộc điện thoại từ phía "chỉ huy" của Báo Nhân Dân, để luôn sẵn sàng lên đường, vì hạnh phúc khi ấy là đối mặt với thách thức của cuộc hành trình còn đang… phía trước.