Công nghệ hóa đào tạo báo chí

Đào tạo báo chí đang đứng trước những áp lực phải thay đổi để thích ứng với đòi hỏi của nền báo chí đang chuyển đổi số và công nghệ hóa sâu sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Viện SJC thực hành kỹ thuật truyền hình. Ảnh: Duy Anh
Sinh viên Viện SJC thực hành kỹ thuật truyền hình. Ảnh: Duy Anh

Trong lần gặp gỡ, chào đón tân sinh viên mới vào học ngành truyền thông đa phương tiện của một cơ sở đào tạo lớn trong lĩnh vực báo chí truyền thông, một bạn sinh viên băn khoăn với câu hỏi: Hành trang của em nên là những gì trong bối cảnh nghề báo thay đổi quá nhanh chóng hiện nay?

Các diễn giả hôm đó nói về rất nhiều kiến thức, phương pháp, kỹ năng cần có của nghề nghiệp này, như truyền thống từ trước đến nay. Nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến thách thức lớn nhất mà sinh viên cần đối diện, cũng như ngành học cần trang bị cho các em, đó là khả năng làm chủ công nghệ và hơn thế, chứng minh được “tính người” (human) của các bạn trong thời đại mà robot và trí tuệ nhân tạo (AI) rất có thể sẽ tiếm quyền sản xuất phần lớn nội dung thông tin.

Công nghệ dẫn dắt báo chí?

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI đang nhanh chóng ảnh hưởng tới toàn bộ quy trình sản xuất tin tức từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai thực hiện cho đến phân phối nội dung theo hướng cá nhân hoá nhu cầu, hành vi người dùng.

Công nghệ này còn có thể hỗ trợ nhà báo kiểm chứng và xác thực thông tin. Ví dụ, nhóm kỹ sư The Washington Post đã phát triển một công cụ gọi là Modbot với tính năng máy học (machine learning) để lọc và loại bỏ các bình luận có nội dung không phù hợp. Tại Việt Nam, với khoảng 420.000 bình luận trung bình mỗi tháng của độc giả, VnExpress đã sử dụng các thuật toán từ AI để thẩm định sao cho các bình luận xuất hiện trên trang báo tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của tòa soạn.

Thực tiễn cho thấy, các tòa soạn ngày càng chú trọng đẩy mạnh khai thác công nghệ AI nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các định dạng nội dung cũng như gia tăng các trải nghiệm mới lạ và giá trị cho độc giả.

Các chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng nói rằng, thế giới mà chúng ta sống đang được dẫn dắt bởi công nghệ và dữ liệu. Điều này đồng nghĩa với việc mọi ngành công nghiệp cần phải thích nghi và chấp nhận những tiến bộ công nghệ để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngành tin tức cũng không ngoại lệ.

Công nghệ hóa đào tạo báo chí ảnh 1

TS Phan Văn Kiền (ngồi giữa), Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông hướng dẫn sinh viên thực hành xử lý ảnh công nghệ số. Ảnh: Duy Anh

Thách thức chuyển đổi đào tạo theo hướng đầu tư công nghệ

Từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong các diễn đàn về nghề báo mấy năm gần đây chính là “trí tuệ nhân tạo”. Nhưng phần lớn các thảo luận mới chỉ dừng lại ở việc AI có thể làm gì, thách thức như thế nào, liệu nó có thay thế con người hay không, mà ít, hoặc chưa bàn đến những khả thể mới mà AI có thể tạo ra.

Nói như một nhà báo, tổng biên tập một tờ báo lớn trong nước, thì, công nghệ nói chung và AI nói riêng có thể mang lại cho người làm báo những khả năng sáng tạo không có giới hạn. Để AI trở thành “đồng minh” thì nhà báo phải hiểu và biết cách làm chủ công nghệ này.

Hai năm trước, trong môn học “Truyền thông đa phương tiện”, sinh viên Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC), thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã trình bày về việc sử dụng AI cho các dự án thông tin về du lịch, môi trường, giáo dục. Cách đặt vấn đề của các bạn rất mới, thú vị. Vừa báo cáo vừa khoe rằng: Chúng em dùng “con AI” này để thiết kế tổng thể, “con AI” kia để viết nội dung, dựng video, mô hình hóa. Những “con AI” mà các bạn dùng đang cập nhật trên thị trường, chỉ có điều phải dùng “hàng chùa” - tức là bản không đầy đủ, vì không có tiền mua bản quyền ứng dụng. Sản phẩm của các bạn làm ngạc nhiên thầy cô thế hệ trước, nếu không kịp cập nhật, nghiên cứu, có thể còn “đi sau” cả học trò thuộc thế hệ những người trẻ “ghiền công nghệ”.

TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng SJC chia sẻ rằng: “Thách thức lớn hiện nay với các cơ sở đào tạo báo chí là phải làm hai việc cùng lúc: vừa nghiên cứu chuyên sâu để duy trì tính hàn lâm, học thuật, vừa phải liên tục thay đổi, cập nhật để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp báo chí hiện nay. Điều này khiến các đơn vị đào tạo rất vất vả khi liên tục phải thay đổi, nâng cấp chương trình đào tạo và giảng viên, cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu thực hành của người học”.

Việc đào tạo theo hướng thực hành nghề nghiệp trước đây được triển khai khá bài bản, mặc dù cũng tốn kém và phức tạp: xây dựng hệ thống studio, trường quay, phòng dựng, máy móc thiết bị, âm thanh, ánh sáng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở buộc phải chuyển hướng tập trung vào công nghệ nhiều hơn.

Thay đổi nội dung và phương thức đào tạo

TS Kiền cũng cho biết, gần nhất, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã kịp thời đưa môn học Công nghệ truyền thông số vào chương trình đào tạo. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới nhất của lĩnh vực này vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Big Data, công nghệ AI, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường...

Cùng quan điểm này, TS Triệu Thanh Lê, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho biết: “Khoa đã thay đổi chương trình đào tạo và vẫn liên tục cập nhật, không chia theo loại hình báo chí chuyên ngành nữa, mà đào tạo báo chí đa phương tiện. Người học khi tốt nghiệp có thể làm việc với nhiều phương tiện truyền thông khác nhau và trên nhiều nền tảng. Khoa cũng luôn chú trọng việc thực hành cho sinh viên thông qua việc sử dụng trang thiết bị hiện đại và hoạt động thực tế từ sớm tại các cơ quan báo chí, truyền thông. Từ năm học tới, Khoa đưa vào giảng dạy môn Ứng dụng AI trong báo chí và truyền thông, ngoài ra, lâu nay Khoa cũng đưa các môn tự chọn như Phân tích dữ liệu, Tư duy lập trình, Ứng dụng Web cho báo chí vào giảng dạy. Khoa chú trọng các kiến thức liên ngành, đặc biệt là với khối công nghệ thông tin để người học hiểu và vận dụng được công nghệ hiện đại trong công việc của mình”.

TS Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dạy: “Đối với giảng viên, cần cập nhật thường xuyên kiến thức về công nghệ và xu hướng báo chí truyền thông mới, để phục vụ công tác giảng dạy. Giảng viên phải là người đi đầu trong việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để truyền đạt cho sinh viên”.

Cân bằng giữa đào tạo “số” và đào tạo “con người”

Theo thống kê của người viết, ở các cơ sở đào tạo chuyên về báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), và một số địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên…, tỷ trọng các học phần mới bổ sung liên quan đến số, công nghệ số dao động từ 10-15% trong chương trình đào tạo.

TS Trần Duy, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, cơ sở vừa đào tạo Truyền thông đa phương tiện, vừa mới đào tạo cả báo chí, cho rằng: “Việc đào tạo thiên hướng công nghệ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các cơ sở đào tạo báo chí không bị tụt hậu với thời đại. Tuy nhiên, vẫn cần phải chú trọng các khối kiến thức nền tảng, căn cốt của nghề báo”.

Trở lại câu hỏi của bạn sinh viên ở đầu bài viết về hành trang lập nghiệp. Các cơ sở đào tạo báo chí nói riêng và truyền thông thời đại số nói chung, có lẽ nhìn thấy một thách thức còn lớn hơn cả việc ứng dụng công nghệ số vào chương trình đào tạo: Đó là làm thế nào để nhấn mạnh và tôn vinh đầy đủ giá trị nhân văn và yếu tố con người trong việc truyền dạy nghề báo, trước bối cảnh công nghệ số đã trở thành một lực lượng vật chất có tính khách quan của thời đại này.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI đang nhanh chóng ảnh hưởng tới toàn bộ quy trình sản xuất tin tức từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai thực hiện cho đến phân phối nội dung theo hướng cá nhân hoá nhu cầu, hành vi người dùng.