Tăng chế tài xử lý hành vi lừa đảo trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử đã trở thành một trong những kênh bán hàng hữu dụng thời gian qua. Song, đó cũng là môi trường mà các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Chỉ khi có công cụ pháp lý đủ mạnh, cộng với sự cảnh giác của người dân mới đủ sức chặt đứt mối nguy này.
0:00 / 0:00
0:00
Thương mại điện tử là kênh mua sắm tiện lợi, nhưng người dân cần cảnh giác để tránh rủi ro. Ảnh: PHÚ XUYÊN
Thương mại điện tử là kênh mua sắm tiện lợi, nhưng người dân cần cảnh giác để tránh rủi ro. Ảnh: PHÚ XUYÊN

Chiêu trò cũ nhưng đầy tinh vi

Bức xúc vì bị lừa khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử, anh Nguyễn Trung Dũng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã làm đơn kiến nghị với lực lượng chức năng. Anh Dũng cho biết, do cần một số thiết bị y tế dùng cho con nhỏ và người thân, đã tìm kiếm, mua trên trang DungnghiVN. Tuy nhiên, sau khi nhận, anh mới tá hỏa là hàng không đúng với những gì người ta quảng cáo. Khi gọi theo số điện thoại được cung cấp, hết lần này đến lần khác, anh Dũng nhận được lời hứa sẽ kiểm tra lại hàng, rồi cuối cùng số điện thoại đó cũng không thể liên hệ nữa.

Là nạn nhân dưới hình thức khác, chị Lê Thị Dung ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) lại bị các đối tượng lập sàn thương mại điện tử Shopee giả, sau đó nhắn tin, thông báo đã trúng thẻ quà tặng trị giá 12 triệu đồng. Để nhận thưởng, đối tượng hướng dẫn chị truy cập vào trang web www.mobilebankingshopee.vn, chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền. Sau khi chị Dung nhấn vào đường link này thì tiếp tục nhận được yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng cá nhân, gồm cả mã OTP. Chị Dung, tâm sự: "Do thiếu hiểu biết, tôi đã làm theo, vì thật sự tôi cũng đã mấy lần mua hàng của Shopee. Cũng may, trong tài khoản của tôi chỉ có vài triệu đồng. Nếu không thì…".

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua đã liên tục ghi nhận nhiều phản ánh, người dân nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của các sàn thương mại để hỗ trợ giải quyết sự cố hoặc thông báo trúng phần thưởng, với mục đích lừa đảo. Mặc dù chiêu trò cũ, nhưng được tổ chức rất tinh vi, bài bản, vì thế vẫn nhiều người bị lừa. Kẻ xấu thường mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng, gửi tin nhắn hoặc gọi điện tri ân khách hàng nhân các ngày đặc biệt. Sau khi thiết lập liên lạc, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu khách hàng tham gia vào các nhóm trên Zalo hoặc Telegram, trong đó có Admin tự xưng là Giám đốc công ty hoặc cán bộ chăm sóc khách hàng. Từ đây, đối tượng lừa đảo sẽ gửi một khoản tiền nhỏ cho khách hàng gọi là tiền trúng thưởng hoặc khuyến mãi, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để nhận các ưu đãi lớn hoặc đặt cọc.

Nhiều chuyên gia cho hay, hiện có nhiều kiểu lừa đảo, nhưng phổ biến nhất là mua hàng này nhưng lại bị đổi sang hàng khác. Thí dụ có người mua quần áo thì chỉ nhận được đống vải vụn; mua hàng xịn nhưng chỉ nhận được hàng giả. Người mua hàng hiện nay luôn có tâm lý thích tham khảo bằng cách tìm review của các khách mua trước, kẻ lừa đảo đã lợi dụng, dàn cảnh để "bẫy" khách. Hình thức phổ biến thứ hai là kẻ xấu tiếp cận người thiếu kiến thức hoặc ham lợi để lừa trúng giải, trúng phần thưởng...

Thiết lập lưới bảo vệ hiệu quả

Trước sự nhức nhối của nạn lừa đảo qua sàn thương mại điện tử, các cơ quan chức năng, công an các tỉnh, thành phố đã điều tra, xử lý nhiều trường hợp, thậm chí đường dây móc nối, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng, đồng thời khuyến cáo người dân, khi nhận bất cứ cuộc gọi hoặc tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội thông báo may mắn được nhận quà tặng tri ân, trúng thưởng, cộng tác viên việc nhẹ lương cao... từ các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn, cần cảnh giác, xác minh rõ ràng. Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, phải báo ngay cho cơ quan công an.

Năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn, các website thương mại điện tử tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm; lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng. Thời gian qua, Bộ Công thương đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Để có chế tài kiểm soát, xử lý hiệu quả hơn, Bộ Công thương cho biết sẽ khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Maybank Investment Bank, cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế quản lý để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, người tiêu dùng phải tự mình nâng cao trình độ, chủ động "miễn dịch" với lừa đảo khi tham gia thương mại điện tử, cập nhật các thông tin, chính sách của nhà nước, tiếp thu những cảnh báo của các cơ quan chức năng.

Một vấn đề khác, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài buộc các sàn thương mại điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, tránh trở thành "kênh" cho kẻ xấu lợi dụng.