Ðể thêm những mùa quả ngọt

Với những nhà báo yêu nghề, được làm việc, dấn thân là một niềm vui thích. Cùng với đó, nhiều người với nỗ lực cá nhân đã gặt hái được giải thưởng trong các cuộc thi của trung ương, bộ, ngành và địa phương. Mỗi mùa "quả ngọt" đã tạo thêm động lực giúp các nhà báo tiếp tục thắp sáng đam mê, bền bỉ bám nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Alăng Ngước tác nghiệp tại các nhà giàn DK1.
Alăng Ngước tác nghiệp tại các nhà giàn DK1.

Phát hiện, tôn vinh các tác phẩm chất lượng cao

Hằng năm, từ cấp trung ương tới bộ, ngành đều có hàng chục cuộc thi, giải thưởng báo chí được tổ chức. Chưa kể, ở các địa phương cũng thường phát động cuộc thi, giải thưởng, nhằm phát hiện những tác phẩm báo chí chất lượng cao để tôn vinh, góp phần khích lệ và nâng cao vị thế của người làm báo.

Nhà báo Hoàng Văn Chiên (Báo điện tử Dân Việt) chia sẻ: Kinh nghiệm để có thể đạt được những giải báo chí uy tín, là ngay từ khi chuẩn bị thực hiện các bài viết đã phải lựa chọn kỹ đề tài, lập kế hoạch thực hiện, xây dựng thành loạt bài chất lượng cao, tâm huyết. Sau khi tác phẩm đăng tải cần theo dõi diễn biến mới để cập nhật thông tin, phản hồi tích cực, gây hiệu ứng xã hội, đi đến tận cùng của sự việc. Làm được vậy, có thể tự tin dự giải.

Ðể thêm những mùa quả ngọt ảnh 1
Nhà báo Hoàng Văn Chiên trong một chuyến công tác vùng cao.

Công tác tại Báo Lào Cai với thâm niên 15 năm, nhà báo Trần Tuấn Ngọc đã gặt hái được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ. Anh thường đi sâu vào mảng đề tài miền núi, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao, biên giới để phản ánh những khó khăn, trở ngại, những vấn đề đang đặt ra. Đồng thời ghi nhận những tấm gương điển hình, những cách làm hay, sáng tạo của đồng bào để lan tỏa giá trị ấy trong cộng đồng. Anh cũng có những bài báo về kết quả nổi bật khi triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở nơi vùng cao, biên giới, đem lại những đổi thay cho cộng đồng. Nhà báo Trần Tuấn Ngọc, tâm sự: "Khi bước chân vào nghề báo, một nhà báo nhiều kinh nghiệm của Báo Lào Cai chia sẻ với tôi rằng, để có được tác phẩm xứng đáng tham gia các cuộc thi, cùng với khâu chọn đề tài thì việc xây dựng đề cương cho các tuyến bài, trực tiếp đi cơ sở tác nghiệp, gặp gỡ nhân vật, cảm nhận hơi thở cuộc sống để đưa vào tác phẩm cũng rất quan trọng. Với mỗi nhà báo, được tôn vinh mang đến sự khích lệ lớn".

Alăng Ngước, người dân tộc Cơ Tu xuất thân ở vùng núi huyện Đông Giang (Quảng Nam), đã tự thắp đam mê nghề báo từ thời niên thiếu. Ngước bắt đầu viết báo từ những năm học cấp 2. Anh nhớ như in bài báo đầu tiên được đăng trên báo Thiếu nhi Dân tộc (chuyên san Báo Thiếu niên tiền phong) là vào năm học lớp 8. Rồi Ngước đạt giải thưởng cuộc thi "Phòng tránh tai nạn thương tích cho thanh thiếu niên toàn quốc" do Báo Gia đình&Xã hội phối hợp UNICEF và Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tổ chức khi còn đang học lớp 8 và năm lớp 11. Cuối năm học 12, Ngước được đi dự Hội trại Phóng viên nhỏ-Phóng viên Tuổi hồng xuất sắc toàn quốc lần thứ ba do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức.

Hơn 10 năm công tác tại Báo Quảng Nam, Ngước liên tục được Ban Biên tập phân giao nhiệm vụ, phụ trách các mảng quân sự, lâm nghiệp và miền núi. Bởi lợi thế của anh là tác nghiệp ở địa bàn miền núi, có nguồn tin rộng và chất lượng. Hằng năm, Ngước dành phần lớn thời gian để triển khai các tác phẩm chuyên sâu theo "đơn đặt hàng" của Ban biên tập. Những năm gần đây, anh thử sức mảng đề tài gai góc hơn, khó hơn. Những loạt bài của anh đều gắn với nhiệm vụ chính trị, cổ vũ các mô hình hay, ý nghĩa của đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi xứ Quảng thông qua việc làm hữu ích của họ cho cộng đồng xã hội, từ hiến góp đất đai, đẩy lùi hủ tục, cho đến vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới… Những tác phẩm này là "tài nguyên" để anh chọn tham gia các giải báo chí trong tỉnh và toàn quốc; nhiều trong số đó đã cho kết quả như mong đợi.

Ðể thêm những mùa quả ngọt ảnh 2
Nhà báo Trần Tuấn Ngọc (thứ hai, từ phải sang) trong một

chuyến công tác.

Nuôi dưỡng đam mê để khẳng định mình

Vào mỗi mùa giải, nhiều cơ quan chú trọng đầu tư tâm huyết, thời gian, kinh phí để có tác phẩm chất lượng dự thi. Khi gặt hái được thành công, ngoài niềm hãnh diện của tác giả, mỗi cơ quan báo chí cũng khẳng định được vị thế của mình. Song, như Đại tá, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, tâm sự, hiện vẫn còn một số tác phẩm đạt giải thưởng báo chí chưa được đồng nghiệp tâm phục, khẩu phục về đúng, trúng, hay. Theo anh Hải, muốn có tác phẩm tốt, nhà báo không được và không nên chỉ nghĩ đến giải thưởng. Phải cầm bút như một sự thôi thúc lương tâm, vì bạn đọc, nhân dân yêu cầu; vì nhà báo thấy mình cần lên tiếng để xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng sản, cho biết thêm: "Tôi có tham gia giám khảo một số cuộc thi, và nhận thấy hầu hết tác phẩm đạt giải xứng đáng, nhưng một số lại là cơ cấu, nên chất lượng chưa cao. Nó khiến cho các tác giả không đạt giải phải suy nghĩ".

Nhà báo Nguyễn Tri Thức cũng đề xuất, để đổi mới hệ thống giải thưởng, tạo sinh khí cho nghề, có thể phát động các giải thưởng do bạn đọc bình chọn. Đó là tạo cuộc thi cho bạn đọc bình luận, phân tích về các tác phẩm đã đạt giải cao. Họ đánh giá tác phẩm hay ở đâu, đáng học ở chỗ nào, đâu là bài học khai thác thông tin, kinh nghiệm về mặt trình bày... Khi có thêm sự tham gia đánh giá của bạn đọc thì tác phẩm sẽ được lan tỏa thêm.

Nghề báo có những đặc thù riêng so với nhiều nghề nghiệp khác trong xã hội. Khi một tác phẩm được đăng báo, tên tác giả (bút danh) luôn gắn liền với tác phẩm. Sau những cống hiến thầm lặng, có lẽ niềm vui lớn nhất của những nhà báo chân chính là tên tuổi của mình được nhiều bạn đọc biết và nhớ tới, được xã hội trân trọng và tôn vinh. Nhiều nhà báo cho rằng, với người làm báo, để xây dựng thương hiệu cho mình, cũng như góp phần vào sự phát triển của cơ quan, không có cách nào khác là phải không ngừng nỗ lực để viết ra những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc. Tác phẩm đó dù là cổ vũ cho cái đẹp, cái tốt, hay phản biện, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, cái sai trái cũng đều phải hướng tới mục tiêu góp phần vào sự phát triển của xã hội.