“Anh Văn Dung ơi anh đang đi đâu…”

Căng-tin trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, một buổi trưa thường tình ồn ào và đậm đặc những gương mặt nổi bật. Nhạc sĩ Văn Dung ngồi cùng Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (lúc đó) Trọng Bằng. Có lúc thêm Phó Chủ tịch Hồng Đăng, cả Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - nhà văn Ngô Thảo và nhiều văn nghệ sĩ quen tên quen mặt nữa.

Ký họa chân dung nhạc sĩ Văn Dung của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhạc sĩ Văn Dung của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Ông Trọng Bằng sẽ sàng chừng mực, ông Hồng Đăng dí dỏm với hàng tá các mẩu chuyện thực hư hư thực, ông Ngô Thảo tất bật gắp gắp tiếp tiếp cho mọi người, ông Văn Dung hóm hỉnh, hoạt bát, luôn thu hút chung quanh bằng điệu cười rất sảng khoái và sự quảng giao thân thiện cùng vô số giai thoại văn nghệ khiến người nghe đầy háo hức... Và rồi thể nào ông cũng tự hát: “Anh Văn Dung ơi anh đang ở đâu” theo đúng giai điệu ca khúc “Bài ca đường chín chiến thắng” của chính ông...

Thời gian, nhãng đi cũng 20 năm suýt soát, những nhân vật một thời của sân 51 Trần Hưng Đạo đều đã người thì ốm đau tật bệnh như nhạc sĩ Hồng Đăng, người lặng lẽ ở nhà tĩnh dưỡng tuổi già như nhạc sĩ Trọng Bằng và vừa mới tức thời, nghe nhà văn Ngô Thảo thảng thốt trên facebook cá nhân: “Anh Văn Dung ơi! Anh đang ở đâu? Nhận tin anh ra đi, quá bất ngờ và đau đớn. Sống vui vẻ, lạc quan, luôn mang niềm vui cho bạn bè, tài hoa mà hòa đồng, nhiều nhạc phẩm luôn sống với đời. Covid-19 và tuổi tác, hội bạn bè dần tan ra. Không liên lạc để biết tới tạm biệt nhau. Chỉ biết cầu chúc anh lên đường thanh thản. Kìa, bao bạn bè thân thiết đang đón chờ anh”... 

Nhạc sĩ Văn Dung sinh năm 1936 tại Hà Nội, học trường báo chí, làm báo trước khi trở thành nhạc sĩ. Ông đi dần từ công việc thường lệ, biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, viết lời giới thiệu giản đơn cho các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh rồi được phân công làm chuyên mục “Khắp nơi ca hát” khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng của một thời đất nước còn bộn bề thiếu thốn. Sau này hồi ức lại tháng năm rộn ràng tươi sáng ấy, nhạc sĩ Văn Dung từng nói, với một cái xe đạp leo lên toa tàu hỏa, ông và các đồng nghiệp của mình đã tới nhiều địa phương, vùng miền, nhiều nhà máy xí nghiệp khơi dậy, phát hiện, dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ nghiệp dư nhưng lan tỏa mạnh mẽ tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống. “Khắp nơi ca hát” cũng là cái nôi ươm mầm lộ sáng của nhiều ca sĩ thành danh sau này. Làm việc trong môi trường ngập tràn âm nhạc, được trực tiếp cận kề gần gũi với các nhạc sĩ tài danh thuở đó, Văn Dung đã tự học tự tích lũy và bắt đầu sáng tác. Từ những ca khúc đầu tiên đầy sức chiến đấu như “Giải phóng quân ta ra đi” hay được viết theo đơn đặt hàng “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” đều hào hùng, nhiệt huyết, dễ nghe dễ thuộc nên có thể vì thế công chúng vẫn nhớ và hát đến tận bây giờ. Quá trình tự học của Văn Dung không chỉ nhạc lý, mà cả bể sâu khôn cùng văn hóa, triết học, tôn giáo... Hiểu biết, lịch thiệp nên Văn Dung giao du nhiều, quan hệ lắm, ông ở đâu chỗ nào cũng có thể là người cầm cái, gắn kết xích gần mọi người với nhau, đúng như cách nhạc sĩ Huy Du nói về ông: “Người chơi được với cả thiên hạ”... Chơi, gần gũi, quan sát và luôn quan tâm, ghi nhớ tới bạn bè, Văn Dung thuộc tính thuộc nết từng người, có tới cả những chi tiết mà đôi khi chính chủ nhân cũng từng quên mất. Ngồi ở quán nước vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Văn Dung rổn rảng cười nhắc đến nhà văn Ngô Thảo: Bạn bè Ngô Thảo nhiều người mong được... chết trước Ngô Thảo để ông ấy xắn tay lo tang lễ cho chu đáo, bởi ông nhà văn gốc Vĩnh Linh (Quảng Trị) có tiếng là người trước sau, luôn chỉn chu dồn tâm cho những chuyện nghĩa tử... Hay trong những cuộc tụ họp, ông dễ dàng “giao việc” cho doanh nhân này doanh nhân kia, cũng toàn những người “vua biết mặt chúa biết tên” để giúp người này giúp người khác, cũng đều trên tình bằng hữu nể trọng. Tố chất ấy giúp Văn Dung trong cương vị Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã nhiệt tình và tạo được nhiều hiệu quả thiết thực để đến khi thôi nhiệm vụ, về nghỉ ngơi ông vẫn được yêu mến tín nhiệm với chức danh Chủ tịch danh dự... 

Kiến thức sách vở lẫn những hiểu biết sâu rộng về đời về người luôn là lợi thế để Văn Dung viết nên những ca khúc theo sát sự kiện, bám dòng chảy cuộc sống nhưng thực ra luôn trữ tình và có tính biểu tượng cao. Vẫn với tác phong của người làm báo, đi từ “Khắp nơi ca hát” đến các điểm nóng của đất nước ngay trong thời đạn bom khói lửa, ông chịu khó rong ruổi thực tế, ghi dấu chân ở các vùng chiến sự ác liệt bậc nhất một thời: Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào... Từ những chuyến công tác ấy, Văn Dung đã có thành quả, nói không ngoa là những ca khúc để đời: Bài ca đường chín chiến thắng, Đường Trường Sơn xe anh qua... “Ơi cô gái Trường Sơn/Bao đêm em đi mở đường/Cho từng chuyến xe anh qua/Vang giọng hát em ngân xa/Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/ Dù bom rơi mưa giông nắng lửa/ Vượt hiểm nguy em băng băng qua/ Mở đường xe anh ra tiền tuyến”, những lời ca và giai điệu dặt dìu tình cảm đã đưa “Đường Trường Sơn xe anh qua” trở thành một trong số những bài hát được yêu thích hàng đầu về con đường huyền thoại nói riêng và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước hào hùng của dân tộc nói chung. Văn Dung cũng là trường hợp đặc biệt, một nhạc sĩ không được đào tạo bài bản về âm nhạc, nhưng đã thành công với các ca khúc có kết cấu chặt chẽ, vững vàng, đa dạng và phong phú, gợi cảm cả về giai điệu lẫn ca từ. “Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn, Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn, Nghe sấm dội cả non ngàn, Nghe bão nổi cả đôi miền”... tiếng réo rắt mừng thắng trận ở “Bài ca đường chín chiến thắng” với tiết tấu nhanh luôn được bản thân Văn Dung và bạn bè ông nhại để chọc ghẹo, tự trào chính tác giả: “Anh Văn Dung ơi anh đang đi đâu”...

Và giờ thì nhạc sĩ Văn Dung đã thật sự ra đi, đi về một nơi thật xa. Nhưng nói như nhà văn Ngô Thảo, ở “nơi đó” có nhiều chiến hữu đang đón đợi Văn Dung, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hay những đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Cầm Phong. Gia tài Văn Dung để lại cho gia đình, cho công chúng âm nhạc là những “Bài ca đi cùng năm tháng”, những bài ca mà mỗi lúc cất lên, sẽ chạm khắc vào vùng ký ức của nhiều người. Lúc sinh thời nhạc sĩ Văn Dung thường kể, lần đầu được vinh dự chọn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông hòa cùng dòng người xếp hàng từ sáng tới trưa. Đến lượt Văn Dung, ông bị cảnh vệ giữ lại nhắc nhở: Anh ra ngoài cắt tóc và cạo râu đi. Lúc đó Văn Dung tóc râu đang để dài.

Buồn vì chưa thỏa ước nguyện viếng Lăng Bác cùng bao người, nhưng đứng trong dòng người nhích từng bước, được ngắm những bông hoa trong vườn Bác, Văn Dung chợt bật ra giai điệu cho ý tưởng thường trực trong đầu ông từ lâu: “Vinh quang thanh niên được Bác chăm lo như rừng hoa lớn lên dưới cờ cách mạng” và khoảnh khắc hy hữu ấy, bài hát “Những bông hoa trong vườn Bác ra đời”, được coi như ca khúc thành công bậc nhất của nhạc sĩ Văn Dung. “Những bông hoa trong vườn Bác/Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/… Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm”. “Những bông hoa trong vườn Bác” được nhiều nữ ca sĩ thu âm, và người để lại ấn tượng sâu đậm là ca sĩ Tuyết Nhung, phu nhân nhạc sĩ Văn Dung. Công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, có công việc gắn kết gần gũi với chồng, bà trong mắt bạn bè ông, luôn là điểm tựa vững chắc cho người chồng ưa giao du, mải vui bạn bè, ưa xê dịch. Nhạc sĩ Văn Dung được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ngay đợt đầu tiên năm 2001, và ghi nhận nữa, là những ca khúc của ông, những ca khúc cách mạng còn được ngay cả những người trẻ nghe và hát.