Bản sắc

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại

Làm thế nào để ánh sáng mặt trời có thể chiếu rọi tới tận gian thờ trong cùng của ngôi đền khổng lồ được khoét sâu giữa lòng núi, vào chính xác hai ngày cố định trong năm? Và làm thế nào để luồng ánh dương hiếm hoi ấy chỉ tỏa sáng rực rỡ trên ba bức tượng linh thiêng mà chừa lại đúng Ptah - vị thần vĩnh viễn tồn tại trong bóng tối?
0:00 / 0:00
0:00
Mặt tiền Ngôi đền Lớn (Great Temple) với bốn pho tượng khổng lồ cao tới 20 mét.
Mặt tiền Ngôi đền Lớn (Great Temple) với bốn pho tượng khổng lồ cao tới 20 mét.

Điểm đến hấp dẫn bậc nhất Ai Cập

Hơn 3.300 năm trước, những bộ óc kiến trúc sư siêu việt của nền văn minh Ai Cập cổ đại đã tìm được lời giải hữu hiệu, cho đề bài dường như không tưởng kể trên. Người cổ đại đã tính toán ra sao, đã thiết kế thế nào để hằng năm, vào đúng ngày sinh 22/2 và ngày đăng quang 22/10 của Ramesses II, điều kỳ diệu nhường ấy có thể hiện diện ở Abu Simbel? Đó là câu hỏi lớn chưa tìm ra lời đáp, ngay cả với lớp hậu sinh thuộc thế kỷ XXI hôm nay.

Ramesses II hay còn gọi là Ramesses Đại đế là vị Pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập, thời gian trị vì từ 1279 tới 1213 trước Công nguyên (TCN). Không chỉ là bậc đế vương vĩ đại và quyền lực nhất, tên tuổi ông còn được tụng ca nhiều nhất, được gắn với những chiến thắng lẫy lừng cùng những công trình kiến trúc đồ sộ được xếp vào hàng kiệt tác như các ngôi đền thờ Abydos, Ramesseum hay Luxor, Karnak...

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 1

Vẻ uy nghi của Ramesses II trên mặt tiền ngôi đền lớn của Khu phức hợp đền thờ Abu Simbel.

Ông đã in đậm dấu ấn một kiến trúc sư vĩ đại khi cùng cha mình - Seti I biến Thebes trở thành một thành phố tinh thần linh thiêng. Ông đã biến Abu Simbel trở thành một trong những “bảo tàng ngoài trời” lớn nhất thế giới, thu hút số lượng du khách rất lớn tìm đến thưởng lãm và không ngớt trầm trồ, kinh ngạc mỗi năm.

Nằm sát biên giới phía Nam của Ai Cập, cách thành phố Aswan tới 280 km, Abu Simbel được tạo tác trực tiếp trên các khối đá sa thạch ở hình dạng thô, sau đó được đội ngũ điêu khắc tay nghề cao hoàn thiện theo quy chuẩn xây dựng thời bấy giờ. Được khởi công vào thế kỷ XIII TCN, phải mất tới hai chục năm ròng rã, công trình vĩ đại này mới được hoàn thành. Một quần thể gồm hai ngôi đền được tạc thẳng vào đá núi chính là nơi vị Pharaoh cùng người vợ yêu - hoàng hậu Nefertari bày tỏ lòng tôn kính tới những vị thần tối cao như Thần Mặt trời Amon-Re, Thần bổn mạng của nhà vua Re-Horakhte hay Nữ thần của tình mẫu tử Hathor.

Nhìn từ xa, Đền Lớn (Great Temple) phô bày vẻ đẹp kỳ vĩ trên phông nền xanh thẳm của bầu trời với bốn bức tượng khổng lồ cao tới 20 mét trấn giữ toàn bộ mặt tiền mang dáng ngồi uy nghiêm tuyệt đẹp của vị Pharaoh hiển hách. Tiếc là phần trên của bức tượng thứ hai đã bị phá hủy sau một trận động đất, những mảnh vỡ nằm dưới đất, ngay lối cổng vào.

Ngôi đền lớn sở hữu chiều cao 30 mét, chiều rộng 35 mét, lối vào nối liền ba sảnh với chiều sâu khoảng 56 mét gây ấn tượng cực mạnh với tám pho tượng nhà vua được tạo hình, chạm khắc tinh xảo.

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 2

Lối vào Ngôi đền Lớn gây ấn tượng với tám pho tượng Ramesses II được tạo hình tuyệt đẹp - Ảnh: Reddit.

Gian cuối là không gian thờ tự linh thiêng, với bốn bức tượng ngồi thành hàng ngang. Nhà vua đội vương miện kép của hai miền thượng và hạ Ai Cập mang ý nghĩa người đứng đầu của một Ai Cập thống nhất sánh vai cùng ba vị thần Amon-Re, Re-Horakhte và Thần bóng tối Ptah.

Du khách sẽ tốn thêm một khoản chi phí khá lớn nếu muốn có mặt tại gian thờ này, đúng vào ngày 22/2 và 22/10 hằng năm. Nếu vào ngày thường, giá vé tham quan là 400EGP/khách nước ngoài thì với hai dấu mốc đặc biệt kể trên, vé đội lên 700EGP (khoảng 560 nghìn đồng), chưa kể phí di chuyển, phí lưu trú đều tăng vọt. “May mắn lắm mới có thể chứng kiến khoảnh khắc ngắn ngủi đó, bởi lượng người đổ đến rất đông mà không gian này vốn dĩ khá nhỏ” - anh Ayman, hướng dẫn viên địa phương của đoàn cho biết.

Ngôi đền Nhỏ (Small Temple) cách đó không xa là nơi nhà vua dành tặng người vợ được sủng ái nhất - Hoàng hậu Nefertari. Trong lịch sử Ai Cập cổ đại, bà là người phụ nữ thứ hai được quân vương dành tặng riêng một ngôi đền. Người may mắn đầu tiên là cái tên khá quen thuộc, Nữ hoàng Nefertiti - vợ của Pharaoh Akhenaten.

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 3

Mặt tiền Ngôi đền Nhỏ (Small Temple) - món quà mà vị Pharaoh vĩ đại dành tặng người vợ được sủng ái nhất - Hoàng hậu Nefertari -Ảnh: Getty Images

Có kích thước nhỏ hơn với chiều cao 12 mét, rộng 28 mét, mặt tiền ngôi đền có tới sáu bức tượng, bốn của vua và hai của hoàng hậu với kích thước gần như tương đương, thần thái gương mặt sinh động mang lại hiệu ứng thẩm mỹ tuyệt đẹp.

Cả hai công trình đều mang lại cho du khách cảm giác choáng ngợp vì tầm vóc kỳ vĩ, tạo hình mỹ cảm cùng độ tinh xảo của những phù điêu chạm khắc phủ kín mọi cây cột, mảng tường.

Lang thang chiêm ngưỡng từng chi tiết trang trí của ngôi đền lớn, ta như ngược thời gian quay về với trận chiến Kadesh năm 1274 TCN, nơi Ramesses Đại đế kiêu hãnh chiến thắng bao kẻ thù, từ người Nubia, người Libya đến người Hittite...

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 4

Hình ảnh những tù binh của trận chiến Kaidesh được lưu lại trên bức tường bên ngoài Ngôi đền Lớn.

Đắm chìm trong những nét khắc mềm mại, nữ tính trong ngôi đền nhỏ, ta được ngắm nhìn cặp đôi hoàng gia trong những nỗ lực dâng tặng vật phẩm nhằm thờ phụng nữ thần Hathor quyền năng tối thượng.

Abu Simbel cũng là nơi hiếm hoi mà người dân Ai Cập có thể bày tỏ lòng tôn kính với vị vua hiển hách, ngay khi ông còn đang tại vị trên ngai vàng.

Không biết từ dấu mốc nào, Abu Simbel bị cát bỏng sa mạc chôn vùi hầu hết. Năm 1813, dấu vết ít ỏi lộ ra trên bề mặt đã thu hút sự chú ý của một du khách Thụy Sĩ nhưng phải đợi 4 năm sau đó, việc khai quật hệ thống đền thờ mới chính thức được khởi động bởi nhà thám hiểm Giovanni Belzoni. Ngôi đền được đánh thức và trở thành kho báu nổi tiếng nhất của vùng Thượng Ai Cập từ đó.

Sức hút từ chiến dịch giải cứu ngoạn mục

Nhiều năm qua, khu phức hợp đền thờ Abu Simbel vẫn sừng sững phô bày vẻ uy nghi giữa sa mạc mênh mông, vẫn trở thành thỏi nam châm tỏa ra sức hút không thể cưỡng lại với mọi du khách chọn xứ sở Kim tự tháp làm điểm dừng chân khám phá.

Để đến được Abu Simbel, tất cả đều phải rời du thuyền từ 4 giờ sáng, phải di chuyển bằng xe ô-tô xuyên qua gần 600 km sa mạc khô nóng cho cả hành trình đi và về kéo dài tới 10 tiếng đồng hồ. Cộng với khoản phí từ 100-120 USD/người, kỳ quan miền biên viễn này luôn là điểm đến đắt đỏ nhất, lộ trình di chuyển vất vả nhất trong chuyến đi.

Thế nhưng Abu Simbel luôn chật kín, ngày cao điểm đón tới cả chục nghìn người. Ngoài những giá trị tự thân kể trên, sức hút không thể cưỡng lại của Abu Simbel phần lớn nhờ vào chiến dịch giải cứu có một không hai mà UNESCO từng triển khai tại đây hơn nửa thế kỷ trước.

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 5
Những bức tượng khổng lồ được cắt thành nhiều khối và di dời trong chiến dịch giải cứu do UNESCO khởi xướng. Ảnh | Olow Anderson - Wikipedia Commons

Ngắm Abu Simbel kỳ vĩ ngày nay, không nhiều người biết nó đã từng được vận chuyển từ dưới lòng hồ Nasser ngập nước để di dời lên một vị trí an toàn. Muốn làm được điều này, ngôi đền đã được chia thành 1.070 khối, mỗi khối nặng khoảng 20-30 tấn, được đánh số, vận chuyển tới kho lưu trữ và cuối cùng được lắp ráp lại (gần như hoàn hảo đến mức nhìn mắt thường khó có thể nhận ra) trên một vách đá nhân tạo, cao hơn 64 mét và lùi vào khoảng 180 mét so với vị trí ban đầu.

Năm 1960, việc xây dựng đập thủy điện High Aswan đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự tồn vong của Abu Simbel, khi nước hồ Nasser dâng cao sẽ nhấn chìm toàn bộ ngôi đền. Và lần đầu tiên, UNESCO đã triển khai một chiến dịch giải cứu ngoạn mục.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của tổ chức uy tín này, 113 quốc gia quyết định hỗ trợ bằng cả tiền bạc và kiến thức chuyên môn. Không thể tránh khỏi những luồng dư luận trái chiều, trong đó có cả ý kiến “sử dụng 36 triệu USD cho công tác bảo tồn di tích hay triển khai hoạt động xóa đói giảm nghèo sẽ mang tính nhân văn hơn” - ông Ana Luiza Thompson Flores, Giám đốc Văn phòng UNESCO tại Venice cho biết.

May mắn thay, “những di tích hay cảnh quan thực sự có giá trị phổ quát nổi bật được nhân loại công nhận cần phải được giữ gìn” là quyết định cuối cùng và Chiến dịch quốc tế bảo vệ di tích tại Nubia được phát động trên phạm vi toàn cầu.

Nhờ sự chung tay đồng lòng, Abu Simbel đã được di dời an toàn vào năm 1968 và chính thức trở thành Di sản văn hóa thế giới vào năm 1979. Thành công của chiến dịch khiến nỗ lực bảo tồn di sản chung của UNESCO trở thành tâm điểm chú ý của cả cộng đồng, đã thúc đẩy sự phát triển của Công ước Di sản thế giới và tạo đà cho hàng loạt chiến dịch gìn giữ di sản mang tính bước ngoặt tại nhiều quốc gia khác như Italia, Pakistan, Indonesia...

Một dấu son trong lịch sử phát triển khiến UNESCO đặc biệt tự hào, khi gìn giữ và trao truyền vẹn nguyên kỳ quan vô giá này cho muôn đời hậu thế!

Abu Simbel - Kiệt tác kiến trúc của Ai Cập cổ đại ảnh 6

Gian thờ với chỉ 3/4 bức tượng được chiếu sáng 2 ngày trong năm.