Yêu cầu cấp thiết của xã hội

Xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào thiết kế nhà ở và công trình công cộng tại các khu đô thị mới. Đây là một sự phát triển tích cực. Tuy nhiên, việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà đầu tư bất động sản hay giới kiến trúc sư, mà hơn hết, là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các cơ quan quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Diamond Lotus Riverside (Thành phố Hồ Chí Minh) được thiết kế, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED, là một trong năm công trình xanh tốt nhất năm 2020 theo bình chọn của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Nguồn: PHUC KHANG CORPORATION
Dự án Diamond Lotus Riverside (Thành phố Hồ Chí Minh) được thiết kế, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED, là một trong năm công trình xanh tốt nhất năm 2020 theo bình chọn của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Nguồn: PHUC KHANG CORPORATION

Những con số khiêm tốn

Ở Việt Nam, xu hướng phát triển công trình xanh, kiến trúc xanh hình thành từ những năm đầu thế kỷ 21, hòa cùng xu hướng chung của thế giới.

Kiến trúc xanh hay công trình xanh về bản chất là giống nhau. Điểm khác biệt là tiêu chí của công trình xanh mang tính định lượng, được xác định cụ thể bằng thuật toán, đo đếm bằng số liệu thông qua máy móc và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ; còn tiêu chí của kiến trúc xanh mang tính định tính, đề cao sáng tạo của kiến trúc sư, dùng thủ pháp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường (gạch không nung, tre, gỗ…) và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra (như năm tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam). Kiến trúc xanh còn có tính văn hóa (kế thừa và phát huy), tính xã hội, tính cộng đồng rất cao (phổ cập, ứng dụng).

Trong thực tế, không ít công trình được gắn mác “xanh, sinh thái”, nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho môi trường hay xã hội. Không ít công trình chỉ “xanh” ở bề nổi, lạm dụng trồng cây xanh lên mái, hay mặt tiền mà không hề có sự chăm sóc, bảo dưỡng, vận hành hợp lý. Ngoài ra, còn lạm dụng các loại thiết bị và vật liệu kiến trúc nhập khẩu đắt tiền, gây tốn kém nguồn năng lượng và chi phí đầu tư lớn, mà không hề có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ một môi trường sống thật sự “xanh” hơn, theo đúng bản chất của nó.

Khi lập dự án một khu đô thị, hay một công trình kiến trúc bất kể quy mô lớn hay nhỏ, thấp tầng hay cao tầng; xây dựng ở khu vực đồng bằng, hay vùng trung du, miền núi, nhiều kiến trúc sư luôn định hướng theo kiến trúc xanh, công trình xanh, thậm chí cả khu đô thị xanh. Nhưng trong số hàng nghìn vạn công trình lớn nhỏ được xây dựng trên cả nước trong khoảng 20 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 400 công trình được công nhận là công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng trên dưới 10 triệu m2 (Báo cáo của Bộ Xây dựng). Còn số công trình được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận qua các kỳ trao giải Kiến trúc xanh cũng mới chỉ đạt con số khiêm tốn chưa quá 50. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Bởi hiện nay trên thế giới, phát triển bền vững, phát triển xanh được coi là kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có kiến trúc-xây dựng.

Nước ta đang trong thời kỳ đô thị hóa nhanh, với gần 40% dân số cả nước sống trong các đô thị. Theo đà phát triển ấy, kiến trúc cũng đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và bản sắc. Đây là thành tựu rất đáng tự hào. Nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu ngày càng khốc liệt, phức tạp hơn như lũ lụt, nước biển dâng, sóng thần, động đất, sạt lở, xói mòn đất… từ đó đặt ra cho các nhà quản lý và quy hoạch đô thị yêu cầu phải có những kịch bản, biện pháp ứng phó kịp thời và chủ động. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong các đô thị, việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng thiếu kiểm soát, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị và phương tiện giao thông công cộng còn yếu kém, không đồng bộ, thiếu không gian xanh, không gian công cộng… dẫn đến hiệu ứng nhà kính, đảo nhiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, không an toàn, thiếu tính bền vững. Việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng và phát triển đô thị còn rất hạn chế (đặc biệt là vật liệu xây dựng không nung), nếu không nói là chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp xây dựng. Đây là điều cần phải làm rõ để tháo gỡ.

Ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Trong đó nêu rõ, đến năm 2015 vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% và đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ 30-40%, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Hơn 10 năm qua, mặc dù ngành xây dựng đã rất cố gắng triển khai quyết định của Thủ tướng, nhưng còn lúng túng bởi nhiều hạn chế, từ công nghệ sản xuất đến đưa sản phẩm vào thực tế xây dựng, như: Vật liệu không nung có giá thành cao (do đặc thù sản xuất); khi sử dụng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật chuyên biệt; thói quen sử dụng vật liệu xây truyền thống (gạch nung); khí hậu nước ta khắc nghiệt ảnh hưởng đến chất lượng công trình khi sử dụng vật liệu không nung… Vì thế, vật liệu xanh (bao gồm gạch không nung) hiện vẫn chiếm thị phần rất khiêm tốn trong thị trường vật liệu xây dựng ở nước ta.

Phát triển kiến trúc trong tầm nhìn dài hạn

Theo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các công trình kiến trúc phải bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nước, tiết kiệm năng lượng. Định hướng đặt ra nhiều nội dung cụ thể: Đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần sớm rà soát, đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế pháp luật về kiến trúc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đối với các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực kiến trúc, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kiến trúc. Thêm nữa, cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong kiến trúc, các công nghệ kỹ thuật xây dựng theo xu hướng bền vững, công trình xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, tiên tiến, hiện đại...