Bài toán khó vẫn cần đáp án

Có tới 60-70% số vận động viên cấp tỉnh thuộc diện chính quy, có thâm niên tập luyện thi đấu và thành tích, khi giải nghệ lập tức rơi vào cảnh “tay trắng”, phải tự bước “vào đời” lại từ đầu. Nhiều năm nay, câu chuyện hướng nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng bậc nhất của thể thao Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Hùng Dũng nỗ lực trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm chuẩn bị cho các dự định tương lai. Ảnh: Minh Dân
Hùng Dũng nỗ lực trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm chuẩn bị cho các dự định tương lai. Ảnh: Minh Dân

Bước ngoặt buồn sau giải nghệ

Nói về sự “bạc” của “nghiệp thể thao” ở Việt Nam, người ta vẫn chưa quên trường hợp đầy nước mắt, khổ ải triền miên của nữ vận động viên chạy cự ly dài xuất sắc nhất một thời, bà Trần Thị Soa, người từng dự Olympic 1980. Sự nghiệp thi đấu của bà rực rỡ, vinh quang, song sau đó lại là chuỗi ngày làm nhân viên cắt cỏ, dọn vệ sinh, bán vé… ở sân vận động Vinh.

Ngay trong thời kỳ mới, tình trạng bi đát ấy vẫn luôn là nguy cơ thường trực “rình rập” quanh bất cứ vận động viên nào, kể cả các ngôi sao hàng đầu. Ở chính địa phương nơi bà Soa từng gắn bó cả đời trong khốn khó, câu chuyện không có nhiều thay đổi.

Như thống kê của nguyên Trưởng bộ môn điền kinh Nghệ An Nguyễn Văn Bằng, 10 năm qua, địa phương đã duy trì tập huấn đào tạo 150 chân chạy, nhưng chỉ khoảng 15 người thuộc diện có thành tích cao được tạo điều kiện đi học đại học. Thực tế, chỉ bảy cá nhân sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm huấn luyện viên. Ngoài ra, có 10 người xin được làm giáo viên thể chất hay nhân viên tại các cơ sở thể thao trên địa bàn.

Tổng cộng, ngành thể thao Nghệ An mới giải quyết và đáp ứng được “đầu ra” cho 17 trong số 150 vận động viên điền kinh, một tỷ lệ quá thấp đối với bộ môn luôn được đầu tư trọng điểm. Các chân chạy khác, chỉ với vài triệu đồng hỗ trợ, không có bất kỳ sự tích lũy nào, từ bằng cấp, kiến thức, kỹ năng tới tài chính cá nhân.

Một trong những người may mắn hiếm hoi trụ lại, cựu vô địch quốc gia cự ly 100m nam Nguyễn Thanh Hải chia sẻ rằng, các đồng nghiệp của anh ngày nào giờ làm đủ việc để mưu sinh vất vả, từ công nhân, thợ cơ khí, đến bảo vệ. Có người xin đi xuất khẩu lao động phổ thông. Có người về quê làm nông...

Bế tắc với hướng đi duy nhất

Sự thật phũ phàng của điền kinh Nghệ An là minh chứng điển hình cho câu chuyện “đầu ra” nhức nhối. Dù gặp bế tắc kéo dài, hầu hết cả “làng thể thao” đều mãi luẩn quẩn quanh “lối thoát hiểm” duy nhất: Làm thầy (huấn luyện viên thể thao thành tích cao và giáo viên thể chất). Cả trăm người đều trả lời như một khi nói dự định công việc sau thời điểm giải nghệ. Để rồi, phần lớn vận động viên, kể cả tuyển thủ quốc gia, phải vỡ mộng trước thực tế khắc nghiệt.

Nhà vô địch điền kinh SEA Games 22 Nguyễn Thị Nụ đi nhổ cỏ, chăm sân bóng. Huấn luyện viên bóng chuyền Vũ Thị Huệ đi quét rác. Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai về phụ gia đình sửa chữa xe máy. Thủ thành nổi tiếng của đội tuyển quốc gia nữ Kim Hồng cũng từng đi bán bánh mì…

Như nhận định của nhà vô địch SEA Games Vũ Bích Hường, vấn đề cố hữu của đồng đội và các đàn em là quá mê đắm chuyên môn, không chuẩn bị cho tương lai của chính mình, với suy nghĩ đơn giản: “Kiểu gì mình cũng sẽ được quan tâm chăm lo, kiểu gì rồi cũng được làm huấn luyện viên”.

Phần nào đó, họ quá thụ động và thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai. Song song, ngành thể thao dường như cũng vẫn đang coi nhẹ, thậm chí là bỏ trống cả mảng đào tạo, rèn luyện văn hóa, kỹ năng sống, làm việc và hướng nghiệp cho vận động viên. Ngay cả khi giải nghệ, vận động viên cũng gần như không có chế độ, chính sách cụ thể nào về kinh phí, đào tạo lại, hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm.

Đáng lo hơn, thể thao thành tích cao Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển “nóng” với sự bùng nổ về quy mô, tạo sức ép cực lớn cho bài toán “đầu ra”. Nếu nhìn vào hệ thống gồm hơn 3.500 vận động viên của Hà Nội, một trong những trung tâm thể thao hàng đầu cả nước, tình hình sẽ ngày càng phức tạp nếu chúng ta không có chiến lược và giải pháp riêng.

Một vài điểm sáng nhỏ lẻ, tự phát

Hiện tại, thể thao Việt Nam mới chỉ có An Giang là địa phương duy nhất có quy định hỗ trợ vận động viên sau khi nghỉ thi đấu, áp dụng từ năm 2012. Theo đó, khi vận động viên giải nghệ, tỉnh sẽ căn cứ vào thành tích quốc tế và quốc gia để có một khoản hỗ trợ riêng, với mức tối đa 300 triệu đồng. Các vận động viên giải nghệ vì chấn thương cũng sẽ được hỗ trợ một khoản phù hợp. “Lực sĩ Vàng” Phạm Văn Mách và “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương từng được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

Từ năm 2015, Đà Nẵng áp dụng nghị quyết riêng về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao, với các nội dung tập trung vào những vấn đề căn cơ nhất như chế độ lương, thưởng, đặc biệt là nhà ở, đào tạo và việc làm. Trong đó, các vận động viên có thành tích xuất sắc được hỗ trợ 100% hay 50% học phí để học nghề theo khả năng và nguyện vọng. Họ cũng được mua nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi, hoặc miễn tiền thuê nhà trong nhiều năm.

Điều đáng nói, đây chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, gắn với sự quan tâm đặc biệt của một vài địa phương cụ thể. Thể thao Việt Nam nói chung vẫn chưa có một chính sách riêng và thống nhất, đối với việc đào tạo nghề và hướng nghiệp cho vận động viên.

Như nhìn nhận của Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, thể thao Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu như giải quyết tốt bài toán “đầu ra” này. Các nhà quản lý thể thao các cấp đều phải ưu tiên tập trung, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, với quy định riêng và nguồn lực thích đáng.

Không chỉ vậy, chính các vận động viên cũng cần thay đổi nhận thức, chủ động có những sự chuẩn bị và đầu tư cần thiết trong việc hướng nghiệp, học nghề, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết. Ngành thể thao sẽ phải tạo ra bước đột phá, xóa bỏ lối mòn tư duy, từ đó đẩy mạnh xã hội hóa, liên doanh liên kết trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho vận động viên. Các trường chuyên ngành thể thao cũng cần đổi mới mạnh mẽ phương thức và chương trình đào tạo, nhằm giúp các học viên thích ứng với những yêu cầu và đòi hỏi của xã hội, sẵn sàng đối diện và vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc sống sau khi đã giã từ đời vận động viên.

Mấu chốt của bài toán lớn và khó vẫn nằm ở chính ngành thể thao. Bao năm qua, cách tiếp cận, đào tạo, sử dụng vận động viên không có gì thay đổi: Chỉ xoay quanh tập luyện, thi đấu và thành tích.