Với tổng chiều dài dự án 1.541 km, gồm 60% là kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất, 10% kết cấu hầm, phần hạ tầng của “siêu dự án” này sẽ mang lại cơ hội việc làm và gia tăng năng lực rất lớn đối với các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam.
Áp dụng cơ chế chỉ định thầu
Để chuẩn bị cho “siêu” dự án, các nhà thầu lớn trong nước đều đã rốt ráo chuẩn bị nguồn lực, với kinh nghiệm tích lũy từ việc cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 trước đây, cùng khả năng “thực chiến” qua hai giai đoạn triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam hiện tại. Để về đích, hầu hết doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng công trình giao thông đều cho rằng, công tác khảo sát thiết kế ban đầu cần phải thực hiện thật sự chỉn chu, kỹ càng, khâu giải phóng mặt bằng cũng như chuẩn bị nguồn cung vật tư, vật liệu phải “đi trước một bước” thời điểm dự án khởi công.
Luôn theo dõi sát sao quá trình hình thành của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam từ ý tưởng đến quá trình thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, ông Cao Đăng Hoạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Định An đánh giá, đây là dự án có quy mô rất lớn, đòi hỏi đội ngũ nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp thiết bị thật sự có năng lực.
“Tôi cho rằng, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất giúp phần xây lắp hạ tầng của dự án không bị lùi tiến độ và bảo đảm chất lượng, là khi dự án bấm nút khởi công, nhà thầu phải nhận được toàn bộ mặt bằng sạch trên công địa để tổ chức thi công đồng loạt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của tuyến đường sắt tốc độ cao”, ông Cao Đăng Hoạt nêu rõ. Muốn vậy, công tác này cần được tách thành hạng mục riêng, giao cho các địa phương tiến hành kiểm kê, đền bù, hoàn thành 100% trước khi đấu thầu xây lắp, triển khai khởi công dự án.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp có chung kiến nghị, phần hạ tầng của dự án nên chia thành các gói thầu lớn, liên danh các nhà thầu hình thành Tổng thầu, nhằm tập trung kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, bởi nếu chia nhỏ các gói thầu, việc quản lý giám sát sẽ manh mún, tốn kém và không phát huy hiệu quả năng lực thực hiện khối lượng công việc.
Rèn luyện từ “thao trường” lớn
Theo đánh giá của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, trong quá trình triển khai các công trình giao thông trọng điểm, quy mô lớn thời gian qua, Việt Nam đã hình thành được một đội ngũ nhà thầu khá mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công tất cả về kết cấu hạ tầng giao thông, cho nên có thể nói, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho nhà thầu xây lắp tạo dựng thương hiệu và có bước chuyển mình mạnh mẽ khi tham gia. Hiện các doanh nghiệp “nội” cũng sẵn sàng tâm thế chuẩn bị đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị chuyên dụng.
“Theo ước tính, trên phạm vi cả nước có 20-30 doanh nghiệp, nhà thầu “nội” đủ năng lực triển khai phần hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam như: Đèo Cả, Trường Sơn, Cienco 4, Sơn Hải, Phương Thành, Định An, Hải Đăng, Vinaconex… Đây là những nhà thầu đã được rèn luyện trên “thao trường” dự án đường cao tốc bắc-nam. Họ từng đối mặt khó khăn, thách thức lớn như đại dịch Covid-19, “bão giá” do thiếu hụt nguồn cung nguyên nhiên vật liệu hay chậm trễ giải phóng mặt bằng… Đôi lúc tưởng như không thể vượt qua, song các doanh nghiệp giao thông “nội” đã nỗ lực vượt khó để thi công, hoàn thành đạt hoặc vượt tiến độ. Một khối lượng công việc khổng lồ, nhiều hạng mục phức tạp như dự án đường cao tốc bắc-nam, mà các doanh nghiệp “nội” đã hoàn thành chỉ trong hơn hai năm, cho thấy năng lực tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ lao động của doanh nghiệp ngành giao thông đã lớn mạnh thế nào”, Chủ tịch Tập đoàn Định An chia sẻ.
Để “đón đầu” phần xây lắp hạ tầng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học, tuyển sinh đào tạo nhân lực ngành đường sắt, triển khai mô hình hợp tác gồm: đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ; nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt-metro của các nước tiên tiến như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo.
Ông Phạm Văn Khôi-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, phần hạ tầng của “siêu” dự án này gồm các hạng mục nền đường, cầu, hầm tương tự dự án đường bộ cao tốc bắc-nam, nhưng hạng mục cầu cạn siêu cao đòi hỏi độ chính xác trong thi công, chất lượng và độ cứng nghiêm ngặt hơn. Do đó, trước khi triển khai thi công đồng loạt các hạng mục của dự án, Nhà nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tư vấn thiết kế, giám sát, và nên thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ trong thi công, quản lý chất lượng. Các hợp phần: đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… có thể xem xét giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh doanh nghiệp nước ngoài triển khai.