Những trăn trở “quen thuộc”

Thách thức trong việc định hướng nghề nghiệp - cơ hội và chìa khóa để giải quyết vấn đề chăm lo cho vận động viên khi sự nghiệp thi đấu đã khép lại - là điều được các nhà quản lý cũng như đội ngũ huấn luyện viên kỳ cựu tại Việt Nam hết sức quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Các vận động viên cần có ý thức trang bị từ sớm những kiến thức để hướng nghiệp sau khi giải nghệ. Ảnh: DIỆP CHI
Các vận động viên cần có ý thức trang bị từ sớm những kiến thức để hướng nghiệp sau khi giải nghệ. Ảnh: DIỆP CHI

Phó Cục trưởng Thể dục-Thể thao Lê Thị Hoàng Yến:

Những trăn trở “quen thuộc” ảnh 1

“Ngành thể thao đã mở nhiều lớp hướng nghiệp cho vận động viên”

Cục Thể dục-Thể thao mỗi năm đều tổ chức các lớp và mời chuyên gia hướng nghiệp cho vận động viên. Mọi người không chỉ được hướng theo nghiệp thể thao làm huấn luyện hay công tác chuyên môn, quản lý mà còn cả làm kinh tế thể thao. Từ đó, họ sẽ nắm được kiến thức cơ bản để sau khi giải nghệ, có thêm sự lựa chọn.

Ngoài ra, nhiều trường đại học cũng tạo điều kiện cho vận động viên vừa học vừa tập luyện, thi đấu thông qua cấp học bổng. Hiện tại, thể thao Việt Nam có nhiều cá nhân xuất sắc đã và đang theo học cao học. Thời gian qua, Cục đã ký hợp tác với Trường đại học Đại Nam nhằm đào tạo, hướng nghiệp cho các vận động viên.

Cục cũng ký hợp tác và mời Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng một số công ty tạo điều kiện để các vận động viên có cơ hội làm việc sau khi giải nghệ, với nhiều công việc khác nhau. Dĩ nhiên, không phải ai cũng làm theo lời mời từ các bên mà họ có điều kiện, sở thích riêng. Chúng tôi chưa dám khẳng định việc này tạo ra hiệu quả cao, nhưng chắc chắn, các vận động viên sẽ có thêm nhiều hướng đi và lựa chọn từ khi còn trong thời gian thi đấu.

Bên cạnh đó, tôi được biết, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố có chính sách đặc biệt, thể hiện trách nhiệm cao với vận động viên. Trong đó có việc dành biên chế cho họ với các công việc phù hợp sau khi giải nghệ.

Huấn luyện viên bóng đá Mai Đức Chung:

Những trăn trở “quen thuộc” ảnh 2

“Cầu thủ nữ luôn phải chịu thiệt thòi”

Nhiều năm rồi, tôi luôn mong ước các cầu thủ nữ sau khi giải nghệ có được tấm chồng và công việc ổn định. Mỗi khi có ai điện thoại hay gửi thiệp mời báo tin vui, tôi hạnh phúc lắm. Đời cầu thủ cũng ngắn, có người chỉ thi đấu vài năm, nhưng không phải ai cũng có được công việc như mong muốn sau khi giải nghệ, họ phải làm nhiều việc để mưu sinh.

So với bóng đá nam, thu nhập của nữ còn thấp, cầu thủ tuyến năng khiếu ở một số câu lạc bộ chỉ được nhận lương vài triệu đồng mỗi tháng. Với các trụ cột ở đội bóng và đội tuyển quốc gia, họ có thu nhập tốt hơn, nhưng nhìn chung vẫn rất khó khăn, không phải ai cũng được ra nước ngoài thi đấu như Huỳnh Như.

Cầu thủ nữ phải thi đấu dưới trời nắng nóng có thể lên tới 40 độ C nên bị hao tổn sức khỏe, sắc đẹp. Nếu không có thu nhập ổn định, công việc tốt sau khi giải nghệ, cuộc sống của họ rất bấp bênh.

Tôi luôn trăn trở khi cầu thủ nữ phải chịu thiệt thòi, chế độ cho các cháu còn thấp, không thể bảo đảm được điều kiện sống tốt. Việc các nhà tài trợ không mặn mà khiến cầu thủ nữ cũng có ít cơ hội hơn.

Cá nhân cầu thủ nữ phải cố gắng để có công ăn việc làm tốt sau khi giải nghệ, nhưng tôi mong Nhà nước, cũng như các nhà tài trợ hãy quan tâm hơn nữa và giúp họ ổn định cuộc sống sau thời gian cống hiến.

Trước đây, một số doanh nghiệp giúp cầu thủ nữ có được công việc sau khi giải nghệ, tuy nhiên, không phải việc nào cũng phù hợp. Vì thế, sự hướng nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của xã hội là rất quan trọng.

Huấn luyện viên thể dục dụng cụ Trương Minh Sang:

Những trăn trở “quen thuộc” ảnh 3

“Tấm bằng đại học là bùa hộ mệnh với các vận động viên”

Đối với các vận động viên, ngoài việc tập trung tốt cho chuyên môn cũng cần trang bị kiến thức cũng như định hướng tương lai. Việc có được tấm bằng đại học giúp họ vừa cống hiến vừa yên tâm cho tương lai của mình.

Lãnh đạo ngành thể thao cũng rất quan tâm, chăm lo và định hướng cho vận động viên thông qua việc ký kết hợp tác với các trường đại học, các trường cũng dành các suất học bổng, tạo điều kiện cho các vận động viên tham gia học tập. Đặc biệt, các trường đại học Thể dục-Thể thao có chương trình học tích lũy tám năm, giúp vận động viên vừa tập trung thi đấu vừa tham gia học tập trong thời gian phù hợp.

Ở Đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam, vận động viên Lê Thanh Tùng từng vài lần xin nghỉ học khi còn đi học đại học nhưng tôi không đồng ý. Tôi phân tích, động viên để Tùng hiểu tấm bằng đại học quan trọng như thế nào. Chúng ta không thể sống với thành tích đang có sau khi giải nghệ mà phải cần có tấm bằng đại học, đó là "tấm bùa hộ mệnh", giúp các em yên tâm về sau này. Nếu không làm huấn luyện viên, vẫn có thể vào các trường để đi làm giáo viên, giảng viên. Sau này, Tùng cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi về khoe, tôi rất vui và hạnh phúc khi nhìn thấy hình ảnh đó.

Từ năm 2006, tôi đã có suy nghĩ là nên đi học, vì nếu chờ kết thúc tập luyện rồi mới đi học sẽ muộn. Phương thức học tích lũy cũng tốt, cho phép vận động viên bảo lưu việc học để tập trung chuẩn bị cho các kỳ thi đấu.