Thời cơ chín muồi
Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị thời gian qua. Đây là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Với quyết tâm chính trị ở tầm mức cao nhất, quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội, theo cấp có thẩm quyền, cần có sự đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả.
Quán triệt tinh thần của Trung ương, hàng loạt cuộc họp, hội nghị, hội thảo, khảo sát, học tập kinh nghiệm, báo cáo được các ban, bộ, ngành triển khai khẩn trương theo chức năng, nhiệm vụ. Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong tối 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, xem xét báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, cũng như báo cáo giải trình của Chính phủ, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, cần có chính sách vượt trội đặc biệt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để bảo đảm khả thi, tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách, thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thật sự cần thiết, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát lãng phí, tiêu cực; lưu ý các chính sách mà cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh sửa.
Nhất trí với chủ trương thực hiện dự án, đồng tình với ý kiến một số đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 13/11, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khẳng định “chúng ta không bàn lùi mà chính là bàn làm, nhưng làm như thế nào mới là quan trọng”. Tiếp đó, vị đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh này nhấn mạnh: Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra hàng loạt dự án lãng phí, trở thành gánh nặng về tài chính, làm thất thoát nhiều nguồn lực xã hội. Vậy với dự án này, chúng ta cần làm như thế nào để có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, vấn đề bảo đảm an toàn, phát triển ngành điện như thế nào để đáp ứng yêu cầu của dự án, rồi việc đánh giá tác động đến các ngành, phương tiện khác cũng cần được tính toán, làm rõ.
Những thách thức…
Quyết tâm cao độ, song để triển khai còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Trong đó, năng lực tổ chức thực hiện phải theo kịp được mong muốn. Báo cáo thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải. Việc dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác mà phương thức vận tải này mang lại sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, Chính phủ bổ sung làm rõ các vấn đề này.
Phân tích về việc triển khai dự án, trao đổi ý kiến với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết: Dự án nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Việt Nam đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét đây là thời điểm chín muồi, phù hợp để đầu tư và thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế-xã hội nước ta và quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó cần bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các chính sách đặc thù, đặc biệt.
Chung mối quan tâm về các điều kiện bảo đảm tính khả thi của dự án lớn này, TS Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) chia sẻ: “Các khâu giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, công nghệ - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực... cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động sức mạnh cộng đồng, khi ấy nhất định dự án sẽ thành công”.
Dẫn chứng dự án lớn mà Việt Nam đã thực hiện thành công như Đường dây 500 kV mạch 3 mới đây, đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) bày tỏ kỳ vọng, rằng trong 10-15 năm tới, đường sắt tốc độ cao sẽ trở thành biểu tượng của sự phát triển đất nước. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ có thể tự hào về một hệ thống giao thông hiện đại, không chỉ mang lại nhiều tiện ích mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhiều thế hệ mai sau. Cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, dự án cần được nghiên cứu triển khai kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược dài hạn phù hợp quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang kinh tế, các cảng biển, sân bay của đất nước, kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.
Dự kiến chiều 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường để xem xét các khía cạnh, điều kiện đầu tư, đánh giá tác động môi trường, tác động xã hội, và cả phương án phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam thành công.