Xu hướng tất yếu của tương lai

“Sự chuyển đổi của ngành du lịch sang các hoạt động ít phát thải carbon là định hướng cấp thiết của chúng tôi. Hãy biến Net Zero thành điểm đến của nhân loại vào năm 2050, trên hành trình vì một Trái đất khỏe mạnh và thịnh vượng”. Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) - trước đây mang tên Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), gửi tới mọi quốc gia, khi viễn cảnh ảm đạm về 6,5 tỷ tấn khí thải carbon sinh ra từ hoạt động du lịch trong năm 2025 sẽ chiếm tới 13% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu được tạp chí Nature Climate Change đưa ra.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu du lịch Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt.
Một góc Khu du lịch Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt.

Du lịch “Net Zero” hay “Net Zero Tourism” là loại hình du lịch hoàn toàn không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình vận hành. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt quan trọng để thực hiện các hành động tích cực nhằm bảo tồn, khôi phục sự nguyên vẹn của thiên nhiên. Đồng thời, thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí carbon để đạt được mục tiêu “phát thải ròng bằng 0”.

Một đòi hỏi tự thân, cấp thiết

Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính hết chín tháng năm 2024, tổng số khách quốc tế khám phá dải đất hình chữ S đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so cùng kỳ và cao hơn con số 12,6 triệu lượt của cả năm trước. UN Tourism đánh giá khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ tư trên thế giới và Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng này đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho tài nguyên môi trường và cộng đồng địa phương.

Áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên, ô nhiễm môi trường, và sự suy giảm chất lượng không khí tại các khu du lịch trọng điểm trở nên ngày càng rõ rệt. Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 60% là từ các khu vực đô thị và du lịch (theo Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tượng quá tải du khách tại một số điểm đến cùng việc sử dụng năng lượng không tái tạo đã làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đe dọa sự bền vững của ngành du lịch trong tương lai. Bởi vậy, Cục trưởng Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – Kiến tạo tương lai, “chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là câu chuyện tính toán giữa được và mất mà đã trở thành một đòi hỏi tự thân, là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm của ngành du lịch”.

Khảo sát của McKinsey cho thấy, 91% số người tham gia thuộc thế hệ Gen Z sẵn sàng chi trả cao hơn cho các thương hiệu theo mô hình kinh doanh bền vững. Booking.com nhận được kết quả 97% số du khách Việt ưu tiên trải nghiệm tại các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Báo cáo thị trường du lịch 2024 của Appota Pay đưa ra tỷ lệ 50% ưu tiên các lựa chọn thân thiện với môi trường, 78% muốn thấy các sáng kiến bền vững được ứng dụng trong thực tiễn, 83% mong muốn không gian lưu trú xanh.

Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam kết luận, 95% số người tiêu dùng tại hai thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, gần 90% ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội, 43% có ấn tượng tốt về nhãn hàng - doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Và Báo cáo điều tra xã hội học về mức độ sẵn sàng của khách quốc tế trong phát triển du lịch bền vững được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện gần đây cũng cho thấy: 76% sẵn sàng giảm rác thải, 62% tiêu thụ sản phẩm địa phương, 45% sử dụng phương tiện di chuyển ít tác động đến môi trường, 45% chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm, 38% hỗ trợ cộng đồng địa phương, 31% lựa chọn điểm đến ít phổ biến hơn, 28% giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ. Có thể nói, đây chính là thời điểm thích hợp để xây dựng, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh hướng tới du lịch Net Zero.

Những bước đi khởi đầu ấn tượng

Bến Tre là một địa phương giàu tiềm năng xanh hóa du lịch. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh thì chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, lượng khách yêu thích du lịch xanh đến đây đạt gần 580 nghìn lượt, tăng hơn 23% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 20%. Tháng ba vừa rồi, xứ dừa đã mạnh dạn thí điểm một lịch trình độc đáo - Net Zero Tours Bến Tre. Du khách tới đây không chỉ được trải nghiệm những dịch vụ di chuyển, lưu trú, ăn uống vô cùng thân thiện với môi trường mà còn được trao một cuốn hộ chiếu Net Zero dành cho những công dân xanh toàn cầu trong tương lai gần. Trong cuốn passport đặc biệt ấy, họ tự ghi chép những hoạt động đã trải qua, được hướng dẫn cách đo lường lượng phát thải mà chính mình tạo ra suốt dọc hành trình và có cơ hội bù đắp lại bằng những nỗ lực xanh (như trồng cây bần, cây đước, sử dụng nông sản, mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ…).

Đầu tháng 9, Khu du lịch sinh thái Suối Rao Ecolodge (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa vui mừng đón nhận Chứng nhận điểm đến du lịch trung hòa carbon (Net Zero Station) đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Là đơn vị tiên phong trong hành trình tiến tới trung hòa carbon, Suối Rao Ecolodge đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm kéo giảm và bù đắp lượng phát thải CO2 bao gồm trồng cây, quản lý rừng và cải thiện chất lượng đất nhằm tăng cường khả năng lưu trữ carbon. Hơn 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge được bao phủ bởi cây xanh, bảo tồn các hệ sinh thái rừng nguyên sinh và thứ sinh, bảo vệ các loài và quần thể nhằm thực hiện quản lý tài nguyên bền vững, nghiên cứu sinh học, giám sát và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Theo số liệu công bố của Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp (3AI), tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge là gần 1.560 tấn trong vòng sáu năm (tương đương 260 tấn CO2 mỗi năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn mỗi năm. Kết quả này cho thấy, các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge chỉ tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.

Hai sáng kiến kể trên đều có xuất phát điểm từ 3AI - đơn vị sở hữu bản quyền nhiều nền tảng “dán nhãn” Net Zero như Net Zero Platform - Net Zero Tours - Net Zero Station - Net Zero Educations… Thành công bước đầu từ tour du lịch không phát thải tại Bến Tre sẽ là tiền đề để 3AI nhân rộng mô hình tới nhiều địa phương. Và chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon sẽ là động lực để có thêm nhiều Suối Rao, trên mọi miền đất nước.

Có thể kể thêm khu du lịch Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt (thuộc Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa). Xây dựng theo mô hình glamping và pop-up resort đầu tiên tại Việt Nam, Làng Nhỏ nằm giữa một quần thể thiên nhiên kỳ thú với mặt hồ xanh biếc hơn 40 ha, với núi rừng hùng vĩ bao quanh cùng hai con suối nước nóng, nước lạnh. Một công trình xanh với tiêu chí “không tác động môi trường” được áp dụng triệt để bộ ba tiêu chí Nature&Smart (tiết kiệm - hiệu quả và hoàn trả môi trường), Làng Nhỏ hội tụ hàng loạt giải pháp như thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên với mô hình vườn rừng và canh tác dưới tán rừng, sử dụng cây nông nghiệp thay thế cho cây trồng cảnh quan, hình thành hệ thống hạ tầng xanh (năng lượng tái tạo, thoát nước sinh thái, xử lý nước thải cục bộ - phân mảng kết hợp hoàn trả nước sạch và dự trữ tài nguyên nước,…

Riêng trong lĩnh vực vận tải du lịch, Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu Nguyễn Văn Thanh từng chia sẻ tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”. Rằng, “khi đưa ra sản phẩm vận chuyển xanh, Xanh SM nhận được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng. Từ đó giúp doanh nghiệp tiên phong đi đầu khi chúng tôi được hưởng lợi nếu có thể tạo dựng thương hiệu và đón nhận được làn sóng khách hàng ưa chuộng xu hướng này”. Theo kế hoạch, từ năm 2025 trở đi, GSM sẽ giảm được 400 triệu kg CO2 mỗi năm nhờ sở hữu 30-40 nghìn xe taxi điện cùng vài chục nghìn xe máy điện...

Đầu tháng 10 vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng thống nhất và dự kiến bắt đầu tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA) từ đầu năm 2026. Theo tính toán sơ bộ, nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ mốc này, Vietnam Airlines sẽ chi phí (thấp nhất từ 5,6 triệu USD tới cao nhất là 37,5 triệu USD, tương ứng với mức giá 6-40 USD/tín chỉ) cho việc mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải phát ra. Không chỉ vậy, lộ trình sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cũng bắt đầu được đặt ra bàn thảo, cho dù giá thành của SAF rất cao (gấp 2-6 lần so nhiên liệu truyền thống JET A1).

Những nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị trên lộ trình mới mẻ hướng tới Net Zero Tourism nêu trên đều xứng đáng được ghi nhận và ủng hộ. Dám đi mới thành đường, du lịch Việt Nam đã mạnh dạn đặt những viên gạch đầu tiên, để xây nên ngôi nhà “không phát thải”.

Nhận thức của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là người trẻ Gen Z - tệp khách giàu tiềm năng nhất đã thay đổi rất nhanh, theo chiều hướng ngày càng “xanh”.