Khả năng cân đối vốn cho dự án là không đáng ngại
- Lần đầu tiên xin chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII (năm 2010), dự án này chưa được thông qua vì không đủ số phiếu quá bán. Tại thời điểm đó, ông là người bỏ phiếu “Tán thành” hay “Không tán thành”?
- Tôi là một trong những người thuyết minh mạnh mẽ nhất về cả vấn đề kỹ thuật và vốn đầu tư nhưng vẫn là thiểu số. Khi biểu quyết thông qua, chỉ có 37,53% đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương đầu tư, 41,15% đại biểu không ủng hộ.
- So với thời điểm 14 năm trước, tiềm lực quốc gia đã được nâng cao. Tuy vậy, con số hơn 67 tỷ USD vốn đầu tư vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn về khả năng và cơ chế huy động vốn cho dự án. Còn quan điểm của ông như thế nào?
- Nếu chỉ nhìn vào con số tổng vốn đầu tư của dự án thì thấy quá lớn nhưng tôi xin nêu mấy số liệu để đánh giá: Cộng thêm cả tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Hải Phòng-Quảng Ninh-Móng Cái; Hà Nội-Đồng Đăng và hệ thống metro ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì từ nay đến năm 2045, chúng ta cần 130 tỷ USD để làm đường sắt và một khoản tiền tương đương để phát triển hệ thống trung tâm điện lực. Nếu làm đường sắt tốc độ cao bắc-nam trong 10 năm thì mỗi năm cần 7 tỷ USD, chỉ bằng hơn một nửa gói hỗ trợ kích cầu nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 được Quốc hội quyết nghị trong hai năm 2022-2023. Những năm gần đây, chi thường xuyên chiếm 70% ngân sách nhà nước, không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, phải đi vay.
Nếu dành nguồn lực đầu tư công, phát hành trái phiếu Chính phủ và có hình thức huy động vốn của các thành phần kinh tế khác tham gia vào dự án, bài toán vốn không phải vấn đề quá lớn. Về cân đối vĩ mô, nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia những năm gần đây đều dưới 50% GDP, có chỉ tiêu ở mức dưới 40% nên vẫn có dư địa vay 20% GDP để đầu tư. Quy mô GDP của Việt Nam hiện nay đạt gần 500 tỷ USD, mức vay cho đầu tư trong phạm vi an toàn là khoảng 100 tỷ USD. Chưa kể hằng năm còn có khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Nguồn: GTVT. |
Giải pháp ngăn ngừa đội vốn
- Chính phủ đề xuất phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nợ công, nguồn lực ngân sách bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng khác và khả năng trả nợ sau này, thưa ông?
- Đến thời điểm hiện nay, Quốc hội chưa phê duyệt các dự án trọng điểm của giai đoạn 2026-2030 nên hoàn toàn có thể đưa dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam vào danh sách đầu tư công trung hạn. Nợ công hiện chỉ ở mức 39% GDP, nếu phát hành trái phiếu Chính phủ mỗi năm 5 tỷ USD cũng chỉ lên đến 125 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50% vốn đầu tư công phân bổ hằng năm. Đương nhiên, phương án này sẽ khiến bội chi ngân sách cao hơn nhưng chúng ta vẫn đang ở trong giới hạn về an toàn vĩ mô mà các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo cho nền kinh tế Việt Nam là duy trì tỷ lệ nợ công không quá 65% GDP.
Vấn đề đáng quan tâm hơn là khi phát hành trái phiếu phải nghĩ đến nghĩa vụ trả nợ sau 15 năm hoặc 20 năm, tùy theo chu kỳ phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo đó, phải đặt ra hai yêu cầu. Một là, lãi suất phát hành trái phiếu phải đủ cao để thu hút các nguồn lực nhàn rỗi đang đầu tư vào bất động sản hoặc mua vàng dự trữ. Hai là, phải cải cách thể chế để huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế khác rót vốn vào sản xuất. Khi người dân, doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, họ sẽ nộp thuế nhiều hơn, Nhà nước sẽ có nguồn thu để trả nợ. Còn nếu vẫn để tình trạng điểm nghẽn thể chế làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh kéo dài như hiện nay, hoạt động đầu tư phát triển không bật lên được sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
-Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều vỡ tiến độ, đội vốn rất lớn, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Vậy bài học nào cần rút ra để bảo đảm hiệu quả đầu tư đại dự án này?
- Có ba bài học cần rút kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị. Một là, phải làm chủ được công nghệ, không để phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Hai là, có cơ chế phù hợp để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào xây dựng hạ tầng, từ đắp đường, làm cầu, sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi-măng… Đồng thời, phải có doanh nghiệp đủ lớn để tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước khi triển khai dự án, hay nói cách khác là sẵn sàng các điều kiện để tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ khi triển khai dự án. Ba là, các địa phương phải bảo đảm và có trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, không để dự án kéo dài làm đội vốn đầu tư.
Lúc này, nếu không triển khai một dự án đường sắt xứng tầm, đất nước sẽ lỡ cơ hội nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!