Từ bước đột phá
Nói về chuyện khởi nghiệp trong làng bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, Lương Xuân Trường là một trong những gương mặt điển hình. Xuyên suốt chặng đường sự nghiệp, cựu tiền vệ đội Hoàng Anh Gia Lai từng trải qua nhiều biến cố sức khỏe, những chấn thương nặng khiến anh phải nghỉ thi đấu kéo dài. Quãng thời gian ấy khiến Xuân Trường tự hỏi: Làm thế nào để phục hồi tốt nhất, tránh tái phát, hay cách tập luyện và sinh hoạt cần điều độ ra sao để giảm rủi ro cho cơ thể?
“Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Có những người có tài, nhưng không thể vượt qua chấn thương. Thời điểm trở về nước sau khi điều trị ở Hàn Quốc, tôi luôn tự hỏi: Tại sao chúng ta lại phải đến những đất nước khác để điều trị với kinh phí khổng lồ? Và không phải ai cũng may mắn như vậy. Nhiều vận động viên đang ở đỉnh cao sự nghiệp đành từ bỏ ước mơ vì không kham nổi số tiền điều trị. Những trăn trở ấy thôi thúc tôi quyết định thành lập một trung tâm phục hồi chấn thương cho người Việt”, Xuân Trường khẳng định.
Năm 2020, Xuân Trường cùng nhà đồng sáng lập Nguyễn Việt Hùng cho ra đời Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC). Sau bốn năm, đứa con tinh thần của anh đã có hai chi nhánh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từng gọi vốn thành công bảy tỷ đồng cho 15% cổ phần vào tháng 7/2022.
Mới đây, IRC đã ký thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ Hà Tĩnh, đội bóng mà tiền vệ này đang cống hiến, với vai trò hỗ trợ, tư vấn liệu trình phục hồi cho các cầu thủ trong đội gặp chấn thương. Thương vụ đầu tư ngược lại vào thể thao của Xuân Trường cho thấy: Nếu nhạy bén, kiên trì và nắm bắt được cơ hội, vận động viên sẽ không chỉ tìm được hướng đi cho mình, mà còn mang lại giá trị và lợi ích cho đồng nghiệp hay thế hệ vận động viên sau này.
Bóng đá Việt Nam giờ chứng kiến không ít cầu thủ có định hướng nghề nghiệp từ rất sớm. Tiền đạo kỳ cựu Nguyễn Anh Đức phát triển thương hiệu dụng cụ thể thao Anh Đức Sport với chuỗi cửa hàng tại tỉnh Bình Dương. Sau khi treo giày, anh bắt tay vào công việc huấn luyện và tiếp tục vận hành chuỗi cửa hàng thể thao. Cùng thế hệ với Anh Đức, Lê Công Vinh cũng đi theo nghiệp quản lý thể thao (từng đảm nhiệm chức Chủ tịch câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh) đồng thời xây dựng học viện bóng đá cộng đồng mang tên mình.
Ở thời điểm hiện tại, những ngôi sao của thế hệ U23 Việt Nam vang danh năm 2018 đều có thương hiệu cá nhân. Trong khi Văn Toàn thử sức ở lĩnh vực thời trang, Công Phượng cùng vợ mở công ty quản lý thương hiệu và hình ảnh cầu thủ. Quang Hải, Hoàng Đức và Hùng Dũng cũng đều có con đường riêng.
Tới những định hướng tương lai
Tuy nhiên, ưu thế của các cầu thủ bóng đá rất dễ nhìn thấy: Nguồn tiền tích lũy khi còn thi đấu có thể lên tới cả chục tỷ đồng, có sẵn lượng người hâm mộ ổn định, danh tiếng và mối quan hệ rộng. Ở các bộ môn khác, các vận động viên không có nền tảng tốt như vậy.
Phần lớn các vận động viên thường lựa chọn tiếp tục theo nghiệp thể thao. Bởi, để rẽ ngang sang hướng khác, con đường sẽ cực kỳ chông gai. Như một vận động viên có tiếng từng tâm sự, cô hoang mang không biết làm gì sau khi giải nghệ, bởi đã dành cả thanh xuân để tập luyện, thi đấu, vốn kiến thức trường lớp và xã hội không nhiều. Khi kết thúc sự nghiệp, bản thân cũng ở độ tuổi ngoài 30, khó cạnh tranh trên thị trường lao động.
Tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, bài toán xã hội hóa, mở đường cho doanh nghiệp đầu tư được nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành đặt ra, như một trong những giải pháp nhằm phá vỡ thế bế tắc. Câu chuyện không đơn thuần chỉ là việc rót tiền đầu tư cho các bộ môn mà còn hướng đến mở ra cơ hội để các công ty chung tay tạo công ăn việc làm ổn định cho vận động viên sau khi giải nghệ.
Cục Thể dục-Thể thao từ nhiều năm qua đã hỗ trợ hướng nghiệp cho các vận động viên thông qua hai con đường: Tìm doanh nghiệp tiếp nhận họ sau khi giải nghệ, và định hướng học tập để mỗi người tự tìm kiếm thêm cơ hội. Thông qua các thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp (như hợp đồng ký kết với Alphanam Group), Cục luôn nỗ lực tìm “đầu ra” cho các vận động viên muốn đi con đường mới.
Còn với những ai muốn tiếp tục theo con đường thể thao, tín hiệu vui là ngày càng nhiều doanh nghiệp (nhất là những công ty trong lĩnh vực này) tìm đến vận động viên để làm đại diện hình ảnh, kinh doanh thương hiệu hay hợp tác chuyên môn. Kinh nghiệm thi đấu và đẳng cấp của họ là vốn quý để phát triển thể thao quần chúng mà các doanh nghiệp có khả năng tận dụng.
Hiện tại, các vận động viên Việt Nam ngày càng có nhiều kênh lựa chọn nghề nghiệp hơn so trước đây. Nếu được hướng nghiệp đúng đắn và đặt trong môi trường xã hội hóa triệt để hơn nữa, mỗi người hoàn toàn có thể tìm kiếm chỗ đứng trong tương lai, đồng thời toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp thể thao nước nhà.