Bắt đầu lại từ đầu
Nữ vận động viên quê Nam Định chính thức giải nghệ vào tháng 10/2023, sau hành trình 15 năm gắn bó với thể thao đỉnh cao. Cô thừa nhận đó là thời gian hợp lý để dừng lại. "Hơn ai hết, tôi cảm nhận rõ sức khỏe, thể lực của mình giảm sút đến mức nào", Huyền chia sẻ. Quyết định này cũng đến từ mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và chuẩn bị hành trình mới trong vai trò huấn luyện viên.
Được xem như một trong những "nữ hoàng" điền kinh Việt Nam, nhưng khi chuyển sang công tác huấn luyện, Huyền phải học lại từ đầu. Vấn đề Nguyễn Thị Huyền quan tâm duy nhất trước đây là chế độ ăn, cường độ tập luyện, video thi đấu… của chính mình. Giờ, mọi chuyện khác biệt hoàn toàn.
"Không thể đơn thuần dùng kinh nghiệm những năm tháng thi đấu để truyền đạt, tôi phải quan sát cách làm của các thầy đi trước, học hỏi họ về mọi mặt, cách tuyển quân, đào tạo…”, Huyền chia sẻ.
Hầu hết các vận động viên trẻ mà Huyền huấn luyện được tuyển chọn từ thể thao học đường, còn non nớt cả về kỹ thuật lẫn kỹ năng sống. Với các em nhỏ, bên cạnh việc thị phạm để thi đấu sao cho tốt, huấn luyện viên còn phải quan tâm đến sinh hoạt hằng ngày của từng em. Và, việc này cũng giống như chăm sóc đàn con trong gia đình.
Bắt đầu tập luyện điền kinh từ năm 15 tuổi, Huyền hiểu rất rõ những khiếm khuyết của các vận động viên trẻ cũng như khó khăn gặp phải, từ áp lực thành tích, chấn thương đến những hy sinh trong cuộc sống cá nhân. "Tôi từng trải qua những giai đoạn chấn thương nặng, tưởng chừng phải từ bỏ cả sự nghiệp", Huyền hồi tưởng. Chính những trải nghiệm này giúp người thầy mới càng đồng cảm và hỗ trợ học trò một cách hiệu quả hơn.
Điểm tựa từ người thầy
Những ai có mặt tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 chắc sẽ không thể quên hình ảnh Nguyễn Thị Huyền mắt ngấn lệ khi nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Trong thời điểm đầy xúc động ấy, Huyền gửi lời biết ơn tới người đóng vai trò lớn nhất với sự nghiệp của cô, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi. Cô nhấn mạnh: “Nếu không có thầy, cũng không thể có tôi ngày hôm nay, không thể có Nguyễn Thị Huyền với sự nghiệp và cuộc sống như hiện tại”.
Trong suốt 15 năm, Huyền gặp thầy Vũ Ngọc Lợi gần như mỗi ngày. Không chỉ giảng dạy, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của học trò. Khi “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam đau dạ dày, chính thầy Lợi đã tự tay sắc thuốc cho Huyền. “Tôi biết ơn thầy cả đời”, Huyền vừa khóc vừa bày tỏ.
Chính huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi là người đã phát hiện bước chạy của Huyền có độ nảy và thả lỏng, thích hợp với cự ly 400 m hơn là 800 m. Phát hiện này thay đổi toàn bộ sự nghiệp của cô, đồng thời giúp điền kinh Việt Nam có được một kỷ lục gia với 13 huy chương vàng SEA Games cùng hai tấm huy chương vàng ở đấu trường châu Á…
Giờ đây, khi đảm đương trọng trách mới, Huyền muốn đóng vai trò tương tự với những học trò của chính mình. “Khi chuyển sang làm công tác huấn luyện, tôi phải học hỏi rất nhiều từ thầy Lợi”, cô nhấn mạnh.
Thử thách mới
Trong thực tế, việc đào tạo vận động viên trẻ không đơn giản, đặc biệt khi thời đại bây giờ khác lúc xưa rất nhiều. Có thể lấy thí dụ từ chính Nguyễn Thị Huyền. Thời điểm cô bén duyên với đường chạy là năm 2008. Khi đó, các vận động viên khó bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ như mạng xã hội hay điện thoại thông minh. Với thế hệ hiện tại, lại rất khó để tránh khỏi vấn đề này.
Thế hệ mới dễ bị sao lãng hơn, đồng nghĩa vai trò của huấn luyện viên cũng phải thay đổi. Không chỉ đơn thuần làm cha, làm mẹ, những người thầy thế hệ mới còn cần phải bảo vệ các vận động viên trẻ trước nhiều cạm bẫy từ thế giới bên ngoài.
Chuyện này không hề đơn giản. Điển hình như trong lĩnh vực đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam cũng như trên thế giới, không ít tài năng xuất chúng phải bỏ cuộc giữa chừng ở giai đoạn… dậy thì.
Ở tuổi 15-16, các em đột nhiên muốn có bạn gái, dành cả đêm để nhắn tin và không thể dành sự tập trung tuyệt đối cho thể thao. Nhóm khác lại chơi game, sử dụng mạng xã hội hay thậm chí cả tiệc tùng. Khi thể lực không bảo đảm và phải tập luyện với cường độ cao, các em rất dễ gặp chấn thương và rồi sớm giã từ sự nghiệp.
Với các môn thể thao nói chung, câu chuyện cũng không có nhiều sự khác biệt. Ở thời đại này, đây cũng được xem là một lựa chọn để kiếm sống, bên cạnh những phương án khác như làm streamer, blogger hay bán hàng online… Cá tính mạnh của các vận động viên trẻ (gen Z, gen Alpha) cũng có thể tạo ra vấn đề lớn trong quá trình tập luyện hay sinh hoạt hằng ngày.
Những huấn luyện viên thời đại mới như Nguyễn Thị Huyền phải làm nhiệm vụ kép với các em: Giữ đôi chân trên mặt đất và định hướng mỗi cá nhân vào những mục tiêu thể thao cụ thể. Kinh nghiệm khi còn là vận động viên hay những trải nghiệm trước đây với sự đồng hành của thầy Lợi sẽ giúp Huyền nhưng chừng đó có lẽ vẫn chưa đủ.
"Nữ hoàng" điền kinh của Việt Nam cũng chia sẻ: Cô sẽ cần thêm thời gian để trải nghiệm cũng như học thêm kiến thức về tâm lý học, khoa học tổ chức, để trở thành huấn luyện viên toàn diện hơn trong tương lai.
Có hình mẫu để nhìn vào và soi chiếu là điều quan trọng với những vận động viên chuyển sang công tác huấn luyện như Nguyễn Thị Huyền. Khi hình mẫu là người có cả tâm lẫn tầm như huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, đó là may mắn lớn với cô gái vàng một thời của điền kinh Việt Nam.