Theo thống kê, phần lớn các vận động viên thường duy trì sự nghiệp thi đấu trung bình khoảng 15-20 năm, tùy theo yêu cầu khác nhau của từng bộ môn. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so các nghề nghiệp khác. Nếu tính theo độ tuổi nghỉ hưu tương ứng của nam và nữ công chức là 61 và 56 tuổi, chưa có bất kỳ vận động viên nào (cả trong lẫn ngoài nước) thi đấu chuyên nghiệp tới giai đoạn này.
Sau khi giải nghệ, nhiều vận động viên buộc phải tìm con đường mới, bởi không phải ai cũng có khả năng trở thành huấn luyện viên. Bên cạnh nỗi lo chấn thương, thất nghiệp cũng là nỗi ám ảnh thường trực.
Xã hội phát triển mở ra nhiều lựa chọn để cải thiện cuộc sống cá nhân. Nhiều vận động viên đã chọn con đường học đại học song song thi đấu thể thao, nhằm chuẩn bị cho một tương lai ổn định hơn. Lối mở này giúp họ phát triển một cách toàn diện với nhiều cơ hội nghề nghiệp mới khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.
Kyle Colonna, trung vệ người Mỹ gốc Việt của Câu lạc bộ Hà Nội là cầu thủ trưởng thành từ môi trường học đường. Anh đang theo học tại Trường đại học Bang San Diego (Mỹ), chuyên ngành kỹ sư xây dựng dân dụng. Cầu thủ này vẫn chơi bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam và sẽ tốt nghiệp cử nhân trong ba tháng tới.
“Bố mẹ tôi đều tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Đó luôn là định hướng chung trong gia đình. Vậy nên, tôi đã chuẩn bị cho thời điểm giải nghệ ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp cầu thủ. Học đại học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bởi, sự nghiệp thể thao có thể thay đổi rất nhanh và đôi khi không chắc chắn”, Kyle chia sẻ.
Cũng như Kyle, tay chuyền hai của Câu lạc bộ Ngân hàng Công thương Nguyễn Thu Hoài cũng đang theo học năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, song song với việc thi đấu chuyên nghiệp.
Thu Hoài khẳng định: “Quan sát những tấm gương vận động viên vừa thi đấu mà vẫn có thành tích học tập xuất sắc, tôi cũng quyết tâm làm được như họ. Mẹ tôi luôn đề cao việc học. Suốt 12 năm theo bóng chuyền, mẹ vẫn luôn khuyên tôi nên theo học một ngành nào đó để có thêm cơ hội phát triển, cho dù sự nghiệp thi đấu thành công”.
Việc vừa học vừa thi đấu đòi hỏi kỹ năng cân bằng và quản lý thời gian hiệu quả. Như chia sẻ của Kyle, ở nước Mỹ, cũng không có nhiều vận động viên làm được điều này. Đó rõ ràng cũng là rào cản chung tại Việt Nam khi lịch trình tập luyện thi đấu chiếm quá nhiều thời gian.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo cơ hội cho các vận động viên, nhiều trường đại học trong nước đã thiết kế chương trình học phù hợp và cấp học bổng cho những cá nhân đạt thành tích thể thao xuất sắc. Điển hình như Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tuyển sinh chương trình Quản trị Kinh doanh đặc biệt cho vận động viên và tặng học bổng 100% cho các cá nhân xuất sắc như Nguyễn Quang Hải, các chân chạy Quách Công Lịch, Quách Thị Lan… Trường đại học FPT cũng cấp học bổng hệ chính quy một số ngành, lần lượt là 100%, 70% và 50% tương ứng các mốc huy chương vàng, bạc và đồng. Trường đại học Hoa Sen, Trường đại học Tôn Đức Thắng có các chuyên ngành liên quan như kinh tế thể thao và tổ chức sự kiện...
Về công tác giảng dạy, các trường cũng thiết kế, tinh chỉnh chương trình học linh hoạt về thời gian, phù hợp lịch trình thi đấu của các vận động viên. Mỗi người cũng sẽ được tạo điều kiện thực tập tại doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, học viên có thể nâng cao khả năng phân tích, xây dựng và triển khai các ý tưởng kinh doanh, từ đó tìm ra lựa chọn khởi nghiệp hiệu quả.
“Qua ba năm học, tôi chỉ gặp một chút khó khăn khi phải nhờ các bạn quay lại video và xem lại bài giảng online lúc bận thi đấu. Thế nhưng, nhờ kiến thức thu được, tôi đã áp dụng vào việc vận hành dự án mở Trung tâm tiếng Anh (English Training Lab) dành cho vận động viên của mình”, Thu Hoài đánh giá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn (Trường đại học Hà Nội), người dành nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và phát triển bền vững ở các nước Pháp ngữ: "Điều quan trọng, học cao hơn cũng sẽ góp phần mở rộng tư duy. Dù tốt nghiệp và quyết định làm việc trái ngành, góc nhìn và kiến thức thu được cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của các cử nhân cũng thấp hơn so những người chỉ hoàn thành bậc phổ thông. Hơn nữa, vận động viên chuyên nghiệp có lịch trình đặc thù, nên học đại học cũng là cơ hội để nâng cao năng lực”.
Nỗ lực cống hiến để đáp lại kỳ vọng của người hâm mộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với mỗi vận động viên, nhưng xây dựng nền tảng tương lai ổn định cũng nên được cân nhắc như lựa chọn thiết yếu. "Bạn không nhất thiết phải lập kế hoạch chính xác và cụ thể, vì cuộc sống luôn ẩn chứa những bất ngờ. Thế nhưng, sự cống hiến, tính kỷ luật, chăm chỉ và khả năng thực hiện cam kết với mục tiêu là lợi thế rất lớn của các vận động viên. Tập trung cải thiện những phẩm chất này song song việc học sẽ là hướng đi bền vững cho tương lai mỗi người sau khi giải nghệ", Kyle đúc kết.
Theo thống kê của Cục Thể dục-Thể thao, nước ta có khoảng 22.000 vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia và các đội tuyển cấp tỉnh, thành phố, ngành. Dù một số địa phương có chính sách đặc cách trong tuyển dụng, chỉ 15-20% tuyển thủ xuất sắc trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi chia tay sự nghiệp (do chỉ tiêu biên chế có hạn). Số vận động viên còn lại sẽ phải tìm kiếm công việc khác.