Xung lực mới cho tăng trưởng

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều bất ổn, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là điểm sáng về tăng trưởng tại châu Á. Đây là nền tảng để đất nước tiến vào “kỷ nguyên vươn mình”, giai đoạn mới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII cũng khẳng định tầm nhìn trên, với khát vọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho đất nước. Một giai đoạn mới, với quyết tâm và xung lực mới, đang dần mở ra.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hiện đại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hiện đại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Kỷ nguyên vươn mình” không đơn thuần là một tuyên bố về định hướng phát triển. Đây còn là cam kết của Việt Nam về đổi mới tư duy kinh tế, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra nền tảng bền vững cho tương lai. Trong tương lai đó, phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục giữ vai trò trung tâm, với bốn ưu tiên lớn: đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế, phát triển bền vững, và kết nối chặt chẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đổi mới công nghệ

Trong kỷ nguyên vươn mình, đổi mới công nghệ phải là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là động lực giúp các quốc gia vượt qua những hạn chế về tài nguyên và nhân lực, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Bước chuyển đổi nhanh chóng từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất của các nước Đông Á chỉ sau nửa thế kỷ là bài học điển hình.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số toàn diện, nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP từ mức 12,3% hiện nay lên 30% vào năm 2030.

Tuy nhiên, quá trình này không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, mà còn cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là khả năng ứng dụng và sáng tạo.

Chuyển đổi số không chỉ tập trung vào phần mềm, mà cần chú trọng cả phần cứng. Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp bán dẫn toàn cầu cho thấy vai trò chủ đạo của các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn như TSMC (Đài Loan- Trung Quốc) hay Nvidia (Mỹ). Dù đã có những bước tiến với sự tham gia của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung hay Amkor, Việt Nam vẫn thiếu khả năng sản xuất chip độc lập. Đây là một khoảng trống cần lấp đầy nếu chúng ta muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, thay vì chỉ tham gia vào các khâu giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, chính phủ cần lưu ý đến vấn đề “khoảng cách số” giữa các vùng miền, với tình trạng cơ hội tiếp cận công nghệ còn chênh lệch. Sự hỗ trợ cần thiết cho các khu vực nông thôn, nhóm yếm thế sẽ giúp bảo đảm quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ và toàn diện hơn.

Tự chủ kinh tế

Tự chủ kinh tế là yếu tố sống còn trong bối cảnh biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường khả năng tự sản xuất các sản phẩm cốt lõi, từ điện tử đến dược phẩm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và bảo đảm an ninh kinh tế. Điều này sẽ giúp đất nước tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Khi chưa có được tự chủ kinh tế, phần đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ dựa chủ yếu vào sức lao động, vốn chiếm phần rất nhỏ. Thí dụ, trong chuỗi giá trị điện thoại thông minh như iPhone, phần lương của người lao động chỉ tương đương 1% giá bán lẻ. Để giữ lại nhiều hơn miếng bánh lợi nhuận, các doanh nghiệp nội địa cần phải có vai trò lớn và sâu hơn trong chuỗi sản xuất, thay vì đứng bên ngoài hoặc tham gia những khâu không có giá trị gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, việc đạt được tự chủ kinh tế không hề dễ dàng. Với cam kết quốc tế hiện tại, Việt Nam không thể áp dụng các chính sách bảo hộ mạnh như cách mà các nền kinh tế Đông Á đã làm trước đây. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải nâng cao năng lực cạnh tranh để đóng góp vai trò lớn hơn. Cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, cũng như hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để chuyển giao công nghệ, sẽ là những yếu tố quyết định trong hành trình này.

Việt Nam cũng có thể học tập Trung Quốc trong việc khuyến khích các doanh nghiệp FDI hợp tác kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa đủ năng lực.

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững và xây dựng kinh tế xanh là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực này, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 50% tổng nguồn năng lượng vào năm 2045. Đây không chỉ là cam kết với cộng đồng quốc tế, mà còn là với chính người dân, đặc biệt khi nước ta đang phải đối diện những vấn đề môi trường nghiêm trọng, như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, suy thoái tài nguyên rừng và nước, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng ven biển.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng đặt ra hai thách thức lớn: chi phí đầu tư ban đầu cao và khả năng thích ứng chậm của nền kinh tế. Việc xây dựng các cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án năng lượng tái tạo, như ưu đãi thuế hay hỗ trợ vốn vay, là hướng đi cần thiết. Đồng thời, sự tham gia của người dân thông qua các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng là chìa khóa để bảo đảm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh diễn ra thuận lợi.

Kết nối toàn cầu

Trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng vị trí địa chính trị chiến lược và các FTA để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI đòi hỏi chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics.

So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, Việt Nam có lợi thế về tính ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng hạ tầng và nâng cao chất lượng lao động. Song song với đó, cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ giúp giữ chân các nhà đầu tư chiến lược lâu dài.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những cơ hội và thách thức đặc thù. Đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế, phát triển bền vững và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu là các mục tiêu trụ cột chính. Việc thực hiện thành công những mục tiêu này phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh chính sách dựa trên phản hồi từ thực tiễn và phối hợp giữa các cấp, từ Trung ương đến địa phương.

Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, cần có sự thảo luận kỹ lưỡng và đưa các mục tiêu này vào văn kiện đại hội đảng các cấp, đúc kết những kinh nghiệm và thực tiễn từ cơ sở. Đồng thời, cần có sự đồng thuận và thống nhất trong chỉ đạo ở cấp Trung ương để xây dựng nền tảng chính sách vững chắc cho quá trình phát triển dài hạn. Với tầm nhìn rõ ràng, sự linh hoạt trong việc vận dụng chính sách và tư duy cởi mở để tiếp thu các ý tưởng mới, chúng ta có đủ tự tin để vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.