Xây dựng mối quan hệ win-win, hướng đến xã hội cùng hưởng lợi

Những năm gần đây, kinh doanh có trách nhiệm đã trở thành xu hướng chung của toàn thế giới, Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Liên kết, hợp tác với các tổ chức xã hội đang được nhìn nhận như một hướng đi hiệu quả dành cho doanh nghiệp, để hướng đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm. 
Công ty cổ phần Eco Bamboo Việt Nam cùng Oxfam đưa sản phẩm tre thân thiện với môi trường ra thị trường quốc tế. Ảnh: Oxfam
Công ty cổ phần Eco Bamboo Việt Nam cùng Oxfam đưa sản phẩm tre thân thiện với môi trường ra thị trường quốc tế. Ảnh: Oxfam

Nhìn từ các mô hình

Tại buổi tọa đàm Hợp tác giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm: Thực tế và cơ hội do ECUE với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển tổ chức ngày 29/9, Oxfam đã trình bày về tiềm năng của một ứng dụng do tổ chức này triển khai có thể được nhiều doanh nghiệp đưa vào hoạt động thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Rice Hero là ứng dụng trên điện thoại (phù hợp với cả hai hệ điều hành iOS và Android), giúp người dùng định lượng phát thải khí nhà kính cho từng công đoạn của quá trình sản xuất lúa gạo. Người dùng chỉ cần cung cấp thông tin đầu vào cơ bản trong quá trình canh tác, thu hoạch và chế biến lúa, ứng dụng sẽ tính toán lượng phát thải hiện tại và đề xuất các giải pháp giảm phát thải.

Dựa trên đó, doanh nghiệp lúa gạo có thể tính toán "dấu chân carbon" của mình, hướng tới mục tiêu được dán nhãn carbon thấp, giúp sản phẩm có cơ hội tiếp cận với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Rice Hero cũng cung cấp các thông tin thời tiết và dịch vụ nông nghiệp được chi tiết hóa đến từng vùng trồng cho nông hộ. Ứng dụng này được đưa vào thí điểm ở quy mô 2.200 hộ nông dân An Giang từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023, bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực.

Có thể thấy, ứng dụng mang lại lợi ích cho cả ba nhóm: nông dân sản xuất, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Với nhóm nông dân, lợi ích đã cho thấy rõ: ghi chép nhật ký, điều chỉnh quy trình canh tác; tiếp cận thông tin; tham gia chuỗi giá trị sản xuất lúa carbon thấp. Với nhóm doanh nghiệp, có thể theo dõi, giám sát quy trình canh tác của nông hộ; chủ động tham gia thị trường carbon thấp. Đặc biệt với nhóm cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp công cụ, số liệu để cơ quan phụ trách lượng hóa carbon ngành lúa gạo; một kênh truyền thông mới của bộ, ngành, địa phương về các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất lúa gạo bền vững đến với nông hộ.

Bên cạnh đó, Oxfam công bố dữ liệu tổng hợp gần nhất cho thấy những dấu ấn đáng chú ý liên quan đến hệ thống đánh giá. Cụ thể, trên trang web nội bộ của Công ty cổ phần Tôm Miền Nam luôn duy trì được hình ảnh tốt nhờ chế độ đãi ngộ, hệ thống tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của người lao động trong doanh nghiệp. Người lao động có thể phản ánh, nêu ý kiến của mình, thông qua các hạng mục đánh giá. Danh sách hạng mục đánh dấu xanh, gồm: giờ làm việc, tiền lương, tăng ca, điều kiện làm việc, nghỉ giữa giờ, quy tắc ứng xử, điều kiện làm việc của lao động nữ,…; được công ty thu thập dữ liệu và xử lý hằng tuần. Với riêng hai mục đánh dấu đỏ: xâm hại tình dục và bạo hành sẽ có chuông cảnh báo, lãnh đạo công ty ngay lập tức tiếp nhận thông tin và xử lý gấp. Đặc biệt hơn, hệ thống đánh giá này do tổ chức Oxfam Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Bên cạnh Tôm Miền Nam, hiện có thêm hai công ty, sáu nhà máy chế biến thủy sản, tương ứng với 8.000 người lao động đang sử dụng hệ thống đánh giá.

Xác định lại mối quan hệ

PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Viện Quyền con người, ghi nhận và lấy làm mừng khi lắng nghe những thí dụ điển hình, cũng như cơ hội trong tương lai về mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhưng đồng thời bà cũng cho rằng, tại Việt Nam những câu chuyện như vậy hiện vẫn còn ít.

Khi tìm kiếm các từ khóa "hợp tác", "doanh nghiệp", "tổ chức xã hội", "Việt Nam", trên Google có rất ít các kết quả hiện ra, đã phần nào cho thấy nhận định của PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Hải là dựa trên thực tế.

Trước hết cần làm rõ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang tính khuyến khích, còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm lại mang tính bắt buộc. Kinh doanh có trách nhiệm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi làm rõ hai khái niệm này, cộng thêm đòi hỏi từ thị trường, từ các "đơn đặt hàng" lớn trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, bắt kịp xu hướng thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Xét từ phía tổ chức xã hội, họ có thể mang lại những gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh này? Đại diện Oxfam, ông Nguyễn Hùng Cường, Chuyên gia Hợp tác khu vực tư nhân, chia sẻ quan điểm: "Mỗi tổ chức xã hội đều xác định cho mình những mục tiêu riêng, nhưng đều hướng đến điều chung là thực hiện trách nhiệm với xã hội, tạo được tác động đến chính sách sao cho phù hợp hơn với đối tượng hướng đến. Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp có những mục tiêu hết sức cụ thể, như tăng cường tính cạnh tranh, phát triển mở rộng thị trường, cải thiện hình ảnh,… Do đó, họ cần thực hành kinh doanh có trách nhiệm, mà chúng tôi lại có thể đồng hành với họ trên hành trình đó!".

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi, chia sẻ băn khoăn: "Khi hợp tác làm việc với các tổ chức xã hội, họ có đội ngũ chuyên gia hiểu sâu về lĩnh vực mà công ty đang muốn hướng đến, cũng như kinh nghiệm trao đổi, lắng nghe tích cực các ý kiến của người lao động, qua đó tiếp cận đến người lao động dễ dàng hơn, truyền đạt đến họ cũng đơn giản hơn. Doanh nghiệp cũng nâng cao được hình ảnh. Nhưng khoản kinh phí đầu tư dành cho những lần hợp tác lại là một bài toán mà doanh nghiệp phải cân đối".

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Hà Bình - Giám đốc nhân sự cao cấp Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam, chia sẻ với băn khoăn đó và mở rộng hơn: "Thực hành kinh doanh có trách nhiệm bao gồm rất nhiều nội dung, đối với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay khó mà có thể thực hiện nhiều nội dung cùng một lúc. Do đó, chúng tôi lựa chọn thực hiện từng chỉ tiêu, theo yêu cầu của đối tác. Khi đã có một nền tảng rồi chúng tôi mới có thể mở rộng hoặc triển khai sâu hơn từng chỉ tiêu".

Rõ ràng một khi vượt qua được những thử thách đó, thì bối cảnh lúc này chính là thời điểm vàng để đẩy mạnh các liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.