* Vào đầu câu chuyện, có thể hỏi ông một câu ngoài lề. Ông đã đi nước ngoài bao giờ chưa?
- Dù ít, nhưng tôi cũng có dịp đi công tác tại một vài nước châu Á như Thái-lan, Lào, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a...
* Ông có sự so sánh đối chiếu về giao thông ở các nước đó với nước mình?
- Đi rồi mới tận mắt thấy, ý thức người tham gia giao thông của họ rất tốt, người dân luôn đi đúng phần đường, tuân thủ tuyệt đối luật giao thông. Không những thế, họ còn có cơ sở hạ tầng tốt, phương tiện tham gia giao thông tốt và trang thiết bị cho CSGT làm việc cũng quá tốt luôn. Tôi thấy người Việt Nam đến các nước cũng chấp hành rất tốt Luật giao thông nhưng khi về nước mình thì chính họ lại vi phạm.
* Vậy CSGT của mình khi làm nhiệm vụ, phong thái bề ngoài chưa được... đẹp?
- Chúng tôi đang tập trung xây dựng hình ảnh người CSGT bên cạnh việc luôn giữ được thái độ thân thiện với nhân dân, còn mang được dáng vẻ uy nghiêm của người thực thi pháp luật, đại diện cho pháp luật. CSGT không được gây phiền hà cho nhân dân, nhất là phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đi lại trên đường phố được thuận tiện, an toàn.
* Muốn xây dựng hình ảnh đẹp nên nghe nói phòng CSGT Hà Nội đã có ý tưởng đưa nữ cảnh sát trẻ ra làm nhiệm vụ điều phối giao thông tại các nút giao trọng yếu vào giờ cao điểm?
- Đúng là chúng tôi đang có ý tưởng đó, nhưng việc này còn phải xin ý kiến Ban Giám đốc. Nếu có các nữ cảnh sát hướng dẫn phương tiện qua lại vào giờ tan tầm, tôi tin tâm lý của người đi đường sẽ đỡ căng thẳng hơn, vì thế áp lực ùn tắc cũng được cải thiện, hạn chế được hiện tượng chen lấn, giành đường... Trước mắt, nữ CSGT đã được điều động để thực thi các nhiệm vụ như dẫn đoàn, đón khách quốc tế, đưa dẫn xe tại các sự kiện quan trọng hay bảo vệ các kỳ họp lớn như kỳ họp Quốc hội đang diễn ra... Hình ảnh nữ CSGT với đặc thù giới tính, mềm mại, duyên dáng đã tạo được hiệu ứng tình cảm từ các vị lãnh đạo và các vị khách quốc tế có dịp đến Hà Nội.
* Được biết, Ban giám đốc Công an Hà Nội đã luôn nhấn mạnh rằng, CSGT là bộ mặt của Công an Thủ đô?
- Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Hà Nội, chúng tôi đã chú trọng xây dựng hình ảnh CSGT từ tư thế tác phong, thái độ... đều chuẩn mực, đúng điều lệnh. Hiện tại, chúng tôi đã có hướng dẫn tới toàn thể cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài mặt đường, đối với những bậc cao tuổi, với chị em phụ nữ hoặc các cháu học sinh, sinh viên và nhất là người ngoại tỉnh nếu vi phạm luật giao thông lần đầu chỉ được nhắc nhở, không được xử phạt. Công tác tuần tra kiểm soát cũng được công khai hóa, khi làm nhiệm vụ CSGT buộc phải đứng trên mặt đường, không được đứng khuất sau vật cản che chắn.
* Tức là sẽ không còn hiện tượng CSGT trở thành “Anh hùng... Núp” nữa?
- Chắc chắn không thể tồn tại tình trạng đó. CSGT ra đường ngoài việc giữ gìn trật tự giao thông, xử lý nghiêm sai phạm, thì vào quãng thời gian không phải giờ cao điểm, còn phải hướng dẫn, chỉ đường giúp người dân, nhất là người già, người tỉnh ngoài, người đi khám bệnh, chữa bệnh nếu bà con cô bác có yêu cầu... Nếu bệnh nhân nặng, gặp khó khăn, CSGT có thể trực tiếp đưa họ tới tận cổng bệnh viện. Tới đây mỗi CSGT làm nhiệm vụ trên mặt đường sẽ được phát một tấm bản đồ Hà Nội để nếu không thuộc đường cũng có thể dễ dàng tra cứu chỉ dẫn cho người dân. Nhưng tất nhiên, với các đối tượng điều khiển phương tiện mà lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, đi nghênh ngang trên đường gây nguy hiểm cho người khác, nhất là các thanh thiếu niên ngổ ngáo, tóc xanh tóc đỏ, thì không thể đòi hỏi CSGT cũng phải lễ phép thân thiện được. Các đối tượng này luôn phải được xử lý đúng luật.
* Được như ông nói thì hình ảnh người CSGT sẽ gần gũi đáng yêu y như trong bài hát “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tuy nhiên, ca khúc thân thuộc này lại ra đời từ những năm 70 thế kỷ 20. Còn hiện tại, trong tâm trí nhiều người dân, sự định kiến với CSGT xem ra còn rất lớn. CSGT dễ bị gán vào hai từ “mãi lộ”?
- Chúng tôi luôn quán triệt tới từng cán bộ chiến sĩ: CSGT Hà Nội không được đòi hối lộ và nhận mãi lộ dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều cuộc vận động lớn của Bộ Công an đã được lực lượng CSGT triển khai thực hiện nghiêm như: Chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh; Cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch vững mạnh, CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy...
* Vậy theo ông những râm ran trong dư luận về chuyện CSGT Hà Nội nhận mãi lộ là vô căn cứ?
- Có tiêu cực nhưng đấy chỉ là thiểu số và các trường hợp đó tùy theo tính chất, mức độ đã được xử lý nghiêm theo quy định của ngành và pháp luật của nhà nước. Thực tế đời sống thì ai cũng hiểu, rất nhiều khó khăn ở những môi trường như bệnh viện, trường học, các cơ quan công sở liên quan đến thủ tục hành chính của dân cũng thường diễn ra chuyện này chuyện kia, việc a việc b, chuyện mà dư luận đã đôn lên thành “văn hóa phong bì”. Chúng tôi không bao giờ lơ là việc giáo dục cán bộ chiến sĩ, bên cạnh đó cũng khen thưởng biểu dương kịp thời các cá nhân làm tốt, nhắc nhở anh em giúp đỡ nhau tránh khỏi cám dỗ. Hiện tượng tiêu cực của CSGT Hà Nội không nhiều nhưng lại luôn làm nhức nhối, dẫn đến hệ lụy là người dân coi thường, ảnh hưởng đến danh dự của toàn lực lượng.
* Đã bao giờ phòng CSGT Hà Nội xử lý kỷ luật các cán bộ chiến sĩ có hành vi nhận hối lộ chưa, thưa ông?
- Có chứ, tùy tính chất mức độ chúng tôi xử lý kỷ luật theo quy định của ngành. Nhẹ thì cảnh cáo, điều chuyển công tác khác. Nặng thì cho ra khỏi ngành.
* Lãnh đạo luôn hô quyết tâm chống tiêu cực, chống mãi lộ. Nhưng từ quy định bàn giấy đến thực tiễn đời sống lại là một khoảng cách? Vậy cách nào để giám sát kiểm tra phát hiện biểu hiện thiếu lành mạnh ở cán bộ chiến sĩ thưa ông?
- Hằng ngày chúng tôi có ba tổ cả công khai cả bí mật thường trực kiểm tra giám sát việc làm của cán bộ chiến sĩ. Nhân đây chúng tôi cũng tha thiết mong nhân dân, những người tham gia giao thông khi vi phạm không tiếp tay cho các hành động xấu, không được dùng tiền mua chuộc anh em cán bộ chiến sĩ. Bộ mặt giao thông Hà Nội chỉ được cải thiện và duy trì lâu dài sự thông thoáng, an toàn nếu người dân tích cực ủng hộ, chung sức chung tay cùng CSGT. Chỉ riêng nỗ lực của lực lượng CSGT thì hiệu quả sẽ khó đạt được như mong muốn.
* Nói về hỗn loạn của giao thông ở Việt Nam, câu cửa miệng của nhiều người là tại ý thức người dân kém. Vậy theo ông, nếu lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ thật nghiêm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tôn trọng luật của người dân có được tăng lên?
- Anh em làm nghiêm, ý thức người dân chắc chắn biến chuyển. Không ai muốn phải nộp phạt, muốn bị giữ xe thu bằng lái cả. Có điều, dù gì nước mình cũng là nước châu Á, sống nặng về tình, cả nể xuê xoa đã thành thuộc tính. Vì thế anh em làm nhiệm vụ nhiều lúc phải đối mặt với áp lực từ các cuộc điện thoại. Đối tượng vi phạm hay “gọi điện thoại cho người thân” nhờ giải cứu, do vậy vẫn phải có ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
* Có tín hiệu đáng mừng là, thời gian gần đây, nhân dân đã nhìn lực lượng CSGT với con mắt thân thiện, cảm thông và chia sẻ hơn nhiều?
- Người dân luôn công tâm và tinh tường. Người dân cũng ngày càng ý thức tốt hơn tinh thần thượng tôn pháp luật. Hằng ngày, chúng tôi đang nỗ lực cố gắng từ những việc nhỏ nhất để tạo sự thông thoáng an lành cho mỗi tuyến đường mà người dân đi qua như: Tập trung điều khiển giao thông tại 17 điểm thường xuyên ùn ứ trên tổng số 63 điểm ùn cần điều hành giao thông trong ngày. Hà Nội đã giảm được 11 điểm ùn tắc nghiêm trọng. Một ngã tư công suất thiết kế chỉ cho 400 xe qua lại, giờ lên đến 500, lại còn nạn đào đường, lấn chiếm lòng đường nên ùn ứ là đương nhiên. Toàn thành phố hiện có 27 công trình đang thi công, rào chắn thành các lô cốt án ngữ lòng đường. Đi trên đường bị tắc không ai nghĩ đến ông đào đường, ông thi công mà lại cứ lôi CSGT ra réo. Trước khi dựng lô cốt, các đơn vị thi công không lên phương án kế hoạch phân luồng từ xa, không có biển báo ánh sáng đảm bảo an toàn, CSGT phát hiện sự vụ, lại phải tự đến triển khai xử lý hậu quả. Ở đâu có cảnh sát giao thông, ở đó chắc chắn có sự thông thoáng thuận tiện.
* Đúng vậy. Trân trọng cảm ơn ông!