Gương mặt

Xạ thủ Phạm Quang Huy và lời nhắn nhủ của bố

Từ khi một tuổi, Phạm Quang Huy đã được “ăn cơm tuyển”. Là những VĐV nổi tiếng, chính bố mẹ là người đã ươm mầm tình yêu bắn súng cho cậu con trai ngay từ rất sớm. Có điều kiện và con nhà nòi, nhưng hành trình bước lên đỉnh cao châu lục với tấm HCV ASIAD nội dung 10m súng ngắn hơi nam của xạ thủ đất Cảng này lại đầy gian nan, thử thách.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

Bố mẹ ơi con làm được rồi!

Cảm giác của Quang Huy thế nào khi chinh phục được tấm HCV ASIAD 19 cũng là VĐV mở hàng HCV cho đoàn thể thao Việt Nam và Huy có tự tin với bản thân mình sau cú hích này?

Dĩ nhiên tôi rất hạnh phúc. Bố mẹ, bạn bè ra sân bay đón. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác đặc biệt như vậy trong sự nghiệp của mình. Về tới nhà, tôi chỉ thèm ngủ và đã ngủ một giấc thật ngon lành. Nhưng tôi tự nhủ sẽ không ngủ quên trên chiến thắng. Trước mắt còn vòng loại Olympic 2024, tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để có vé tới Pháp.

Tôi chỉ muốn nói rằng được tham dự Olympic là giấc mơ của bất cứ VĐV nào. HCV ASIAD là một thành tích đáng tự hào, là quá trình để tôi tiếp tục phấn đấu và cũng là bước đệm để hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Tranh HCV ASIAD lại ở môn bắn súng đòi hỏi các VĐV phải có một tinh thần thép. Lần đầu tham dự sân chơi số 1 châu lục, Quang Huy làm thế nào để có một tâm lý vững vàng?

Tôi tập trung hết mình và trọng tâm là tập trung vào kỹ thuật bắn. Thật ra tôi không lo lắng mấy dù cho đây là chung kết ASIAD đầu tiên. Tôi thấy không tự ti và cũng chẳng tự tin. Khi vào thi đấu, có HLV Hoàng Xuân Vinh ngồi sau nên tôi khá yên tâm.

Tôi dồn hết mọi thứ để thi đấu nên khi kết thúc màn đấu “chung kết” với đối thủ người Hàn Quốc, tôi không biết mình đã chiến thắng. Khi thấy các thầy và đồng đội ăn mừng, còn trọng tài yêu cầu tôi cầm súng để chụp ảnh thì mới biết chắc mình giành HCV.

Điều đầu tiên mà Quang Huy làm sau khi giành HCV ASIAD?

Tôi đã hét lên: “Bố mẹ ơi con đã giành HCV ASIAD rồi, con làm được rồi”.

Xạ thủ Phạm Quang Huy và lời nhắn nhủ của bố ảnh 1

Phạm Quang Huy và tấm HCV ASIAD 19. (Ảnh:N.T)

Mê games, từng bị đội tuyển trả về

Có phải do mê games mà Huy từng bị HLV ở đội tuyển bắn súng trả về?

Hồi trẻ tôi mê hip-hop, trượt ván và đặc biệt là games (trò chơi điện tử) bắn súng. Nhưng kể từ khi tập luyện bắn súng, tôi không còn thời gian để chơi games, vì thật sự rất mỏi mắt.

Năm 2019 khi mới lên tập trung đội tuyển bắn súng quốc gia, tôi hay cãi lại HLV, đặc biệt là chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung-gun khi tranh luận nhiều về kỹ thuật. Khi đó, tôi nghĩ mình là hay rồi, giỏi rồi, nhưng đó là một sai lầm lớn.

Sau đó, tôi bị trả về đơn vị Hải Phòng. Trong 3 tháng, tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau đó HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đã trao cho tôi cơ hội trở lại. Bài học mà tôi rút ra là một VĐV chuyên nghiệp đầu tiên phải có sự kỷ luật và kiên trì.

Vốn là con nhà nòi khi bố là tượng đài bắn súng Phạm Cao Sơn, còn mẹ cũng là cựu xạ thủ nổi tiếng Đặng Thị Hằng. Nhưng Quang Huy lại có xuất phát điểm muộn hơn so với nhiều VĐV khác?

Một phần cũng vì tính ham chơi của tôi. Phải tới năm 16 tuổi, khi đang ở lớp 10, tôi mới quyết định theo bắn súng chuyên nghiệp. Tôi nói với bố mẹ rằng “con quyết tâm chọn bắn súng làm nghề của đời mình” và bố mẹ đã rất vui mừng và ủng hộ.

***

Lời nhắn tâm huyết từ bố

Tấm HCV của Phạm Quang Huy gắn liền với tên tuổi của HLV Phạm Cao Sơn, xạ thủ từng giành 10 HCV SEA Games. Là bố và cũng là HLV, đồng nghiệp và người bạn, tượng đài bắn súng Việt Nam không muốn con mải mê ăn mừng chiến thắng mà quên đi nhiệm vụ rất lớn vẫn còn ở phía trước. Qua câu chuyện với cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn, chúng ta hiểu rõ hơn về sự khắc nghiệt của môn bắn súng, về chỗ dựa quan trọng từ gia đình trong thành công của các VĐV như Quang Huy.

Xạ thủ Phạm Quang Huy và lời nhắn nhủ của bố ảnh 2

Ông Phạm Cao Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình đón Quang Huy tại sân bay. (Ảnh: N.T)

Thưa ông Phạm Cao Sơn, ông có bất ngờ khi con trai giành HCV ASIAD?

Tôi bất ngờ chứ, vì nghĩ rằng con mình chưa thể giành HCV ở ASIAD kỳ này. Huy có kỹ thuật tốt, nhưng tâm lý chưa vững vàng. Ở môn bắn súng, các VĐV đòi hỏi phải có đủ hai yếu tố trên mới có thể cạnh tranh huy chương ở những đấu trường lớn. Huy đang vật lộn với trải nghiệm và cần thêm thời gian để bước vào độ chín, muộn một chút mà chắc cũng được, chứ sớm chưa chắc đã là hay.

Trước khi Huy thi đấu, tôi có nhắn tin cho con, chúc con tự tin, dũng cảm, bản lĩnh. Với tôi, chỉ cần Huy làm tốt được ba điều này sẽ làm nên chuyện. Còn khi về nhà sau ASIAD, tôi đã nói rằng: Con hãy cảm ơn mẹ vì luôn chăm sóc gia đình, cảm ơn bố, em trai và cảm ơn chính bản thân mình đã nỗ lực.

Là tượng đài bắn súng, quan điểm và phương pháp của ông thế nào khi con trai theo đuổi môn thể thao đòi hỏi rất nhiều tố chất này?

Quan điểm của tôi khác với nhiều HLV. Tôi không nghiêm khắc nhưng cũng không quá nhu. Với Huy, tôi càng phải có phương pháp đặc biệt vì cùng lúc đóng hai vai: là bố và HLV.

Tôi khuyến khích con mình thể hiện được hết khả năng, không sợ bố, không sợ HLV, mà làm việc trên tinh thần tôn trọng. Những gì tôi trải qua và tích lũy được thì hướng dẫn và chia sẻ cho con, giúp con quên đi việc phải lấy tấm gương lớn từ bố. Tôi nghĩ chúng tôi như những người bạn vậy.

Cả hai con trai đều theo nghiệp bắn súng, đây có phải là mong muốn lớn nhất của ông và vợ?

Cả cuộc đời gắn bó với bắn súng, thực tế thì cũng muốn con theo nghiệp nhưng tôi không ép con. Khi Huy quyết định theo bắn súng, tôi nói rằng con hãy cố gắng giữ niềm đam mê, tình yêu với nghề, tận hưởng cả cay đắng và vinh quang mà môn bắn súng đem lại. Hãy phấn đấu hết mình rồi thành quả sẽ đến.

Quang Huy đã 27 tuổi, thành công ở ASIAD 19 như một trái ngọt chín muộn, thưa ông?

Với tôi thì đây chưa phải là thành công, mà chỉ mới là niềm vui. Nếu sớm ảo tưởng, Huy sẽ thất bại. Tôi nhắc con mình rằng mục tiêu còn cao hơn ở phía trước là đấu trường Olympic, còn ASIAD chưa là gì. Dĩ nhiên, thành tích này sẽ tạo cú hích lớn để con tiếp tục tiến bộ.

Đánh giá một cách khách quan, ông tin là con mình sẽ trở thành một xạ thủ giỏi trong tương lai?

So với các thế hệ đi trước, Huy có lợi thế là được tập luyện trong điều kiện tốt hơn, có nhiều thời gian thi đấu hơn. Nhưng tôi nói với con rằng đừng bắt mình cứ phải thành công ngay lập tức. Bắn súng cần luôn bồi dưỡng cả kỹ thuật và tâm lý, thiếu một trong hai sẽ không thể đạt được thành tích, dẫn đến dễ bị nản.

Tuổi đời của một VĐV bắn súng rất dài, có người hơn 50 tuổi vẫn thi đấu. Tôi mong không chỉ Huy mà các VĐV trẻ cần kiên trì và xác định gắn bó với nghề một cách nghiêm túc.

Xin cảm ơn HLV Phạm Cao Sơn và VĐV Phạm Quang Huy!

HLV Hoàng Xuân Vinh chia sẻ: "Anh Sơn, chị Hằng đã truyền lửa, niềm đam mê bắn súng cho Quang Huy từ nhỏ. Đó là điều may mắn khi trong gia đình có động lực, động viên nhau, tiếp bước thành công. Với kinh nghiệm của tôi, các VĐV Việt Nam có khả năng tốt, nhưng cần học tập, học hỏi nhiều hơn. Sự nỗ lực của bản thân đóng vai trò quan trọng trong thành công”.