Vùng đất "Đệ nhất danh trà"

Đầu năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-BVHTTDL (ngày 14/2/2023) công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương". Đây là vùng đất được mệnh danh "Đệ nhất danh trà" của tỉnh Thái Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Tới Tân Cương, du khách được trực tiếp tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, tạo thành phẩm.
Tới Tân Cương, du khách được trực tiếp tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, tạo thành phẩm.

Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ 20 đến nay với những giá trị đặc sắc. Người có công lớn khai khẩn đất hoang, gây dựng cây chè trên vùng đất Tân Cương là ông Vũ Văn Hiệt, thường gọi là ông Đội Năm (sinh năm 1883, quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Nói về ông tổ của nghề chè, người Tân Cương kể lại, năm 1930, ông Đội Năm cho mở hiệu bán buôn, bán lẻ sản phẩm trà tại khu vực thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Ông lấy thương hiệu riêng cho trà Tân Cương với tên gọi "Trà Cánh Hạc". Từ đó, thương hiệu "Trà Cánh Hạc" nổi danh khắp mọi vùng, miền trong cả nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cây chè Tân Cương. Cây chè từ đó trở thành cây kinh tế chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo vùng đất này.

Vùng chè Tân Cương nay nổi tiếng với thương hiệu "Chè Tân Cương", có tổng diện tích hơn 1.300 ha, sản lượng hơn 20 nghìn tấn/năm, trồng tập trung chủ yếu ở ba xã gồm: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân. Với xã Tân Cương, toàn xã hiện có 15 hợp tác xã, 20 cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng bền vững; hàng hóa gắn với thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều năm qua cùng với kế thừa kinh nghiệm truyền thống, hầu hết người dân trồng và chăm sóc các đồi chè theo mô hình VietGAP, dùng phân vô cơ, thuốc trừ sâu được thay bằng sản phẩm sinh học,… nhờ đó, tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng Tân Cương so với các vùng chè khác. Đáng mừng, sản phẩm chè tại xã Tân Cương cho thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 54 triệu đồng/người/năm.

Như chia sẻ của bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, người đang quản lý gần 50 ha vùng nguyên liệu tại xã Tân Cương: Cho đến nay, những tri thức, bí quyết của nghề trồng và chế biến chè do cha ông truyền lại vẫn được người dân phát huy hiệu quả. Cùng đó, ứng dụng chuyển đổi số cũng giúp cơ sở phát triển mạnh mẽ, nhất là sản phẩm chè được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Để sản phẩm chè tiếp cận nhiều thị trường hơn, ngoài các chủ trương, chính sách phát triển, tỉnh xác định phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Lễ hội "Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương" vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch được tổ chức hằng năm để đón du khách gần xa đến trẩy hội và trải nghiệm chính là bước triển khai chủ trương đó.

Nhằm để "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương" được lan tỏa, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn vùng chè Tân Cương tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hoạt động thiết thực như truyền dạy, giáo dục di sản văn hóa phi vật thể và có những ưu đãi đối với nghệ nhân, cộng đồng, hỗ trợ người dân phát triển thương hiệu chè.