Vóc dáng quê hương

Người ta thường bảo "Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề" để nói về công việc viết lách của nàng. Nghe cứ bí hiểm thế nào ấy.

Minh họa: Hải Kiên
Minh họa: Hải Kiên

"Thật phi lý! Tại sao mình cứ phải bị một nghề nào đó níu giữ chặt lấy suốt cả cuộc đời bé nhỏ và quý giá?". Không thể! Thề là chỉ làm dăm năm, cùng lắm mười năm, rồi chuyển nghề khác. 60 năm cuộc đời ít ra cũng phải biết dăm ba cái nghề cho bõ công tìm tòi, phấn đấu.

Lại có người bảo: "Ôi dào! Hôn nhân còn thay đổi được huống hồ gì nghề ngỗng. Cứ làm đi, chẳng mấy bữa lại chán ngấy, lại thở dài: Tôi chọn nhầm nghề chứ không phải nghề chọn nhầm tôi!".

Tốt nghiệp ra trường, tập sự, nàng được tăng cường về một huyện vùng cao. Khi ấy nói tới hai chữ vùng cao, người ta thường mường tượng về những đêm trường tăm tối không có điện và phải đi một vài ngày đường mới tới nơi.

Cô phát thanh viên cũ, vốn là thanh niên xung phong bảo với Thanh: "Cả huyện đợi cháu về đấy. Ai cũng chê cô già, lên hình không còn hợp nữa. Cháu nhớ ăn nói duyên dáng nhé. Cô sẽ xem cháu mỗi ngày!".

Thanh còn nhớ mãi cái sản phẩm báo chí đầu tiên của cô về huyện vùng cao là phóng sự về một trại nuôi ong. Vùng quê này rất nhiều nông trường, nào hoa cam, hoa bưởi, hoa cà-phê. Ong đông đúc vô kể. Công nhân và cả những cô bác nông dân trong vùng mày mò kỹ thuật nuôi ong lấy mật.

Xưa kia, chỉ có nghề ăn ong trên núi cao, treo mình trên vách đá dựng đứng, người ta đốt các tổ ong rừng lấy mật. Có người bị đứt dây, bỏ xác dưới vực sâu. Nay dân ta, nhất là công nhân nông trường, đã chủ động sáng tạo nuôi ong lấy mật trong các nông, lâm trường. Sản phẩm mật ong không chỉ cung cấp trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Bản tin đầu tiên của Thanh ngắn gọn thế thôi, nhưng cả Thanh và chú quay phim bị ong đốt đau mấy ngày. Thế mới biết nuôi ong chẳng phải dễ dàng.

Bản tin của đài phát thanh truyền hình huyện tối hôm đó gây xôn xao dư luận, một phần vì nghề nuôi ong đang được quan tâm, nhất là kỹ thuật nuôi thế nào? Nhưng xôn xao hơn cả là lần đầu tiên trên đài huyện xuất hiện một nữ phóng viên mặt búng ra sữa, tóc cột đuôi gà, tay cầm mic, bất chấp nguy hiểm, làm phóng sự trong lúc đàn ong bay ra như một đám cháy. Thậm chí có người còn thấy đàn ong lao vào đốt cả mi-cờ-rô!

Những người dân vùng sâu, cả đồng bào các dân tộc thiểu số ở trên núi cao, dễ dàng nhận ra Thanh, cô phóng viên trẻ thường xuất hiện trên đài truyền hình phát thanh của huyện. Những người mẹ mang bầu thường ước con mình lớn lên sẽ giỏi giang năng động như cô phóng viên đài huyện. Những cô giáo, các cô gái mới lớn thì bắt chước điệu bộ và giọng nói của Thanh. Một giọng nói pha lẫn tiếng địa phương và tiếng Hà Nội, gọi nôm na là "tiếng trung ương" rất nhẹ và chậm rãi, dứt khoát.

Khi cô vào chợ mua măng đắng, rất nhiều mẹ, nhiều chị xuýt xoa nắm lấy tay không rời, bảo: "Ôi, cô phóng viên xinh quá cả nhà ơi! Da cô ấy trắng như trứng gà bóc còn mái tóc dài thì mượt như tơ!".

Trường quay của huyện đơn giản chỉ là một phòng làm việc có cái phông mầu xanh che kín mảnh tường cũ kỹ. Một chiếc máy quay phim cũ và rất nhiều băng hình chi chít chữ. Ấy thế mà mỗi lần Thanh bước ra khỏi trường quay để về thì đã thấy lấp ló vài anh chàng si tình đang chờ sẵn ở gốc cây, hay đầu đường. Nào anh bác sĩ thú y ở chỗ trạm, nào anh kiểm lâm viên vừa trong rừng ra, lại có cả thầy giáo dạy trường huyện… họ tụ tập mong ngóng được tiễn chân nhà báo trẻ một vài con dốc.

Cô phóng viên sắp nghỉ hưu bảo với Thanh: "Cháu thật sướng! Cô cũng đã từng trải qua những ngày trăng mật như cháu, thuở cô là một nữ phóng viên trẻ trên chiến trường. Tất cả đều ưu ái cho nữ nhà báo và họ đều tích cực tham gia lập nhiều chiến công để được lên báo cháu ạ! Nhưng cũng có người cô vừa mới phỏng vấn buổi sáng thì buổi chiều anh ấy đã hy sinh khi bài viết của cô chưa kịp hoàn thành".

Nhưng rồi, chẳng cuộc vui nào kéo dài vô tận. Báo chí và truyền hình cả nước phát triển tới mức nhà nhà ai cũng có ti-vi, thôn làng thì báo phát hành tận nhà sàn. Chương trình do đài huyện sản xuất ngày càng ít đi. Đấy là chưa kể đường sá tốt hơn, nên các báo đài thường xuyên về đưa tin của huyện, xã, thôn. Người ta dần quên đi cái đài huyện cũ kỹ năm nào.

Thanh được một tờ báo mời về thành phố làm việc. Mọi người biết năng lực của nữ nhà báo trẻ thích viết lách và không ngại xông pha. Nhưng, Thanh chần chừ…

Số là bác lãnh đạo huyện ngỏ lời muốn Thanh làm con dâu của bác. Làm con dâu một người lãnh đạo mình rất quý trọng, lại sở hữu một căn nhà đẹp giữa trung tâm huyện lỵ, đó là ước mơ của tất cả mọi cô gái trẻ trong thị xã chứ không riêng gì Thanh.

Suốt mấy hôm liền, Thanh cứ đi lại trước căn nhà tương lai của mình. Cô gật đầu đồng ý, trên ban-công đầy hoa kia sẽ là chỗ của cô đó. Thanh sẽ chăm sóc những bông hoa giấy, hoa đồng tiền. Cô sẽ mở cánh cửa sắt khổng lồ mỗi ngày để đón chồng, đưa con. Và rồi, và rồi… và rồi người ta chẳng thấy Thanh nữa. Cô biến mất khỏi cái thị xã đầy hoa.

Thanh đã vào thành phố để tiếp tục công việc làm báo của mình, thay vì trở thành một người mẹ trẻ giỏi nội trợ trong một gia đình danh giá. Cô thuê chỗ trọ gần tòa soạn, ăn cơm bụi và thi thoảng thì nấu cơm, nấu canh đậu phụ, với cái nồi bé xíu. Đêm đêm cô vùi đầu vào bài vở. Sáng sớm, vội vã trang điểm đi công tác.

"Tôi chán ngấy cô rồi!" - mẹ của Thanh gọi điện thở than - "Mẹ đã nhầm khi đồng ý cho con vào thành phố! Con định bao giờ mới lấy chồng? Về quê ngay".

Câu trả lời của Thanh: "Ơ! Mẹ buồn cười nhỉ! Con đang đi công tác! Về là về thế nào! Muốn về cũng phải xin cơ quan chứ. Không làm lấy gì mà ăn hả mẹ!".

Mẹ cô thở dài: "Cần gì làm! Lấy chồng giàu, làm dâu nhà giàu là xong con ạ! Tốt số hơn cố làm!".

Thanh bắt bẻ: "Thế sao hồi trước mẹ không lấy chồng giàu mà lại lấy bố con, công nhân nông trường?".

Mẹ cô bảo: "Nhưng mà thời đó khác, thời đó có nhiều ong, nhiều mật, không như bây giờ tấc đất tấc vàng, ong bay tìm hoa rã cánh không ra".

*

Thanh giữ một bí mật, chưa từng nói với ai, kể cả nói với bản thân mình. Đó là cô đi làm báo để tìm một người. Người đó là ai, cô cũng không biết rõ.

Năm ấy, năm thứ hai của thời sinh viên, Thanh rất hay vào thư viện đọc tài liệu. Cô coi thư viện như nhà và sách như bố mẹ. Cô tìm ở trong sách những lời khuyên, những kiến thức mà thường thì chỉ bố mẹ mới chỉ bảo tận tình cho cô như thế.

Một lần, trong lúc tra cứu tài liệu, Thanh gặp một chàng trai lớn hơn cô độ chục tuổi, dáng thanh mảnh, tóc chớm dài. Họ nói chuyện vài câu và ngồi cùng đọc sách dưới cây đa cổ thụ mấy trăm năm tuổi.

Người đó nói rằng: "Sống trong cuộc đời này không gì thích hơn là đọc các kỳ thư, đi thăm các kỳ quan và gặp gỡ các kỳ nhân".

Thanh thán phục kiến thức rộng rãi và tính cách của người bạn đọc sách ấy. Cô nói: "Nếu em đoán không lầm thì anh là nhà báo phải không?".

Chàng trai kia đáp: "Bạn thông minh nhất trong số những người tôi đã gặp. Có duyên, chúng ta sẽ gặp lại nhau".

Chàng trai ấy lôi máy ảnh trong ba-lô phủ bụi, chụp mấy kiểu ảnh Thanh cùng vài bạn đọc khác nữa, dưới gốc cây đa cổ thụ. Sau đó, chàng tặng Thanh những tấm ảnh rất đẹp và rồi Thanh không bao giờ thấy chàng quay lại thư viện.

Thanh không biết chàng trai ấy làm việc cho báo nào? Là phóng viên hay cộng tác viên? Anh tên gì và ở đâu? Cái chàng trai nom cũng khá là "kỳ nhân" ấy.

Thực ra Thanh muốn gọi chàng trai ấy bằng chú, nhưng chẳng hiểu sao lại gọi là anh. Con người "kỳ nhân" ấy nom khá nghiêm khắc và cũng già hơn cái tuổi ba mươi nữa, lối đọc sách, thêm cái giọng chuyện trò càng thêm vẻ "lão làng" trong nghề viết lách. Mở miệng là dẫn sách nọ, lời kia. Ôi sách nào và lời nào lại hay bằng lời của anh chứ, hãy nói cho em nghe anh đang nghĩ gì đi? Có lúc Thanh muốn nói như vậy rồi thôi.

Thanh cảm nhận tình cảm "anh chú" ấy dành cho mình như dành cho một đứa em, đứa cháu, một tên đệ tử ngu ngốc, một đứa học trò lười mà thôi. "Anh chú" muốn dành tất cả những gì tốt đẹp cho đứa đệ như thế, mỗi lần gặp là như thể lần cuối trong đời vậy.

Vào thành phố, làm việc ở cơ quan báo chí lớn, áp lực với Thanh nhiều hơn lúc ở huyện. Sự cạnh tranh và cả những săm soi diễn ra hằng ngày. Những nữ phóng viên lão làng nói thẳng: "Cơ quan đang thiếu người, lấy thêm cô nàng chưa lập gia đình này vào, rồi cô ta sẽ lấy chồng, mang bầu sinh đẻ nuôi con mất dăm mười năm thì ai làm chân chạy? Tuyển phóng viên nam thôi, họ không bao giờ phải sinh đẻ vất vả như chúng tôi".

Bác trưởng phòng ra điều kiện: "Mỗi tháng cháu phải viết được bốn bài năm tin, tức là bằng với những phóng viên thạo nghề của cơ quan. Dù sao cháu cũng có kinh nghiệm tác nghiệp ở cơ sở". Những đề tài nào xa xôi, khó nhằn, lâu nay họp đề xuất nhưng chẳng ai thèm đi làm, thì nay giao tuốt cho cô phóng viên chưa chồng.

Sau hai tháng, cô viết được 15 bài, 20 tin, trong đó ba phóng sự dài.

Bấy giờ, cô phó phòng mới bảo: "Ngay cả cô, lúc mới vào nghề viết cũng chỉ cày được vài bài mỗi tháng mà bị sửa chữa chữ đỏ nhiều hơn chữ đen. Ai dạy cho cháu viết báo mà cháu viết tốt vậy?".

Thanh thầm cảm ơn cái "anh chú" năm trước dưới gốc đa trong thư viện, chính anh đã dạy cho nàng cách viết một bài báo hay thế nào. Nhưng Thanh lại đỏ bừng mặt, bảo: "Dạ không ai dạy cho cháu đâu cô ạ. Cháu đọc trong giáo trình viết tin và tích lũy kinh nghiệm hồi làm ở đài huyện".

Thế đấy, Thanh đi viết báo không chỉ vì muốn khẳng định rằng mình có thể làm việc chẳng kém các đồng nghiệp nam, không chỉ vì muốn được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người giỏi và được đọc nhiều cuốn sách hay. Thanh đi viết báo còn để nuôi một hy vọng sẽ gặp lại một người .

Cái "anh chú" kỳ nhân nay đã đi đâu mất tích. Thanh muốn gặp chỉ để nói một lời cảm ơn, rằng: "Anh kỳ nhân ơi! Em đã viết báo được rồi! Khi bài được đăng báo em mừng quá, khóc mờ cả mắt, chẳng đọc được. Mẹ em thì gào lên: Mày nổi tiếng cả tổng rồi!".

*

Thời gian qua đi, mẹ đã già tóc bạc da mồi, Thanh không thể chống lại mẹ mãi.

Cô lấy chồng là một người không liên quan gì viết lách, rất tự hào về người vợ là nhà báo, nhưng vẻ như anh cũng chẳng mấy khi đọc báo. Anh giỏi về kinh doanh, buôn bán và dưới tay anh cũng vô số những nữ nhân viên xinh đẹp. Nếu tài sản của Thanh thường được tính bằng số lượng các bài báo được in thì tài sản của chồng được tính bằng đất đai, nhà cửa, sổ tiết kiệm.

Bấy giờ, cô thường đi viết báo bằng xe ô-tô riêng mà chồng mua tặng, xong việc thì tìm khách sạn sang trong vùng để ở lại. Trên tay lúc nào cũng máy tính và điện thoại thông minh. Chẳng còn cái cảnh đi bộ suốt ngày vào tận nương rẫy đi tìm lãnh đạo xã, chẳng còn những đêm ngủ trong nhà sàn với hội phụ nữ, dưới lưng là đàn trâu và vô số muỗi bay như một cơn bão.

Chồng Thanh bảo: "Nghề viết lách vất vả, thức đêm hôm, lúc nào cũng phải lo tìm đề tài mới, độc lạ… Hay là em nghỉ ngơi, chăm sóc anh và các con, trông nom công ty, cửa hàng". Mẹ chồng vắt chân, băn khoăn: "Con làm truyền thông cho thiên hạ làm gì chứ, hãy làm truyền thông cho công ty của gia đình chúng ta. Hãy làm cho mọi người trên toàn thế giới này biết đến công ty chúng ta, biết đến mẹ, biết đến chồng của con!".

Thanh bảo với chồng: "Anh ạ! Nghề báo đúng là vất vả lắm. Nhưng nếu em bỏ nghề thì chắc đã bỏ từ thời còn trẻ cơ, chứ giờ này, đã gắn bó nửa đời rồi, em sẽ không bỏ đâu. Anh nghĩ xem, anh có thể bỏ được công việc kinh doanh không? Nó ăn vào máu anh rồi. Nghề của em cũng vậy thôi. Em sẽ rất buồn nếu mỗi ngày không còn lật từng trang báo tìm xem tin của mình có được đăng không?".

Mỗi hợp đồng bị đánh mất, chồng cô ăn ngủ không yên. Còn với Thanh, mỗi chữ cô viết ra, nếu bị tòa soạn gạch xóa hay thay đi, đến mấy ngày cô còn ấm ức, muộn phiền. Thanh đã quen với cuộc sống ấy, tự rất lâu rồi, từ cái hồi đi làm phóng sự về trại ong cơ. Chẳng có niềm vui gì hơn, khi thấy bài báo được in ra mà từng chữ, từng dấu phẩy của mình vẫn được giữ nguyên, không mất mát chút nào dù chỉ là cái ngoặc đơn.

Năm nay, huyện vùng cao kỷ niệm mấy chục năm thành lập. Huyện đã khác xưa nhiều lắm. Thị xã hiện đại chẳng kém gì thành phố, nhưng các nông trường vẫn còn đó với miên man những mùa hoa và những đàn ong thiên nhiên.

Thanh được mời về huyện để dự lễ kỷ niệm mấy chục năm thành lập. Cờ hoa, liên hoan, kỷ yếu, phát biểu rộn ràng cả buổi sáng.

Chiều, trước khi quay về thành phố, chợt Thanh thấy tâm trạng bất an. Cô nghĩ mình phải làm một điều gì đó rồi mới về được.

Cô bước chân đi tìm trại ong năm xưa. Người mẹ già lưng còm đứng ven đồi, nhìn thấy cô và hỏi: "Có phải con là phóng viên đài huyện hồi nọ? Con thay đổi nhiều mà cô vẫn nhận ra. Cô nay đã về hưu, trại ong giờ các cháu trông coi".

Thanh và cô công nhân về hưu đi giữa rừng cà-phê, rừng cam. Thanh hỏi đàn ong: "Các ông có nhận ra tôi không hả? Còn dám đốt tôi nữa không?".

Trời đã xế chiều và trăng đã mọc trên nông trường. Trăng tròn vạnh, soi bóng dáng Thanh và cô công nhân trại ong năm xưa nay tóc đã bạc như rừng lau. Bóng dáng họ hòa vào bóng dáng của núi rừng quê hương trùng điệp trong đêm rằm giữa mùa hoa vô tận của nông trường như réo gọi những đàn ong làm mật ngày đêm.

5/2022